MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Đồng rúp tăng sốc sau tuyên bố của ông Putin: Các quốc gia “không thân thiện” với Nga phải trả tiền khí đốt bằng đồng rúp

24-03-2022 - 08:55 AM | Tài chính quốc tế

Đồng rúp tăng sốc sau tuyên bố của ông Putin: Các quốc gia “không thân thiện” với Nga phải trả tiền khí đốt bằng đồng rúp

Từ khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự và các nước phương Tây áp lệnh trừng phạt để cô lập nền kinh tế Nga, sự phụ thuộc của các nước châu Âu vào khí đốt và các mặt hàng xuất khẩu của Nga đã trở thành tâm điểm chú ý.

Ngày 23/3, Tổng thống Nga Vladinir Putin tuyên bố việc bán khí đốt cho các quốc gia được đánh giá là "không thân thiện" với Nga sẽ được thanh toán bằng đồng rúp. Ông cũng nhấn mạnh rằng việc các quốc gia đóng băng tài sản của Nga đã làm sụp đổ lòng tin của Moscow.

Ông Putin nói: "Tất nhiên, Nga sẽ tiếp tục cung cấp khí đốt tự nhiên theo khối lượng và giá cả… đã được ấn định trong các hợp đồng đã ký trước đó".

Thông điệp của ông Putin đưa ra rất rõ ràng: Nếu các nước muốn khí đốt của Nga, họ cần mua đồng tiền của Nga. Hiện vẫn chưa rõ Nga có quyền đơn phương thay đổi các hợp đồng hiện tại thoả thuận bằng đồng euro hay không.

Sau thông báo sốc của Tổng thống Putin, đồng rúp đã tăng vọt lên mức cao nhất trong 3 tuần qua là 95 RUB đổi 1 USD. Mặc dù đã tăng, đồng rúp vẫn dưới mức 100, chốt phiên ở mức 97,7 RUB đổi 1 USD, giảm hơn 22% kể từ ngày 24/2.

Khí đốt của Nga chiếm khoảng 40% tổng lượng tiêu thụ của châu Âu. Cho đến nay, châu Âu nhập khẩu khí đốt từ Nga trong khoảng 200-800 triệu USD mỗi ngày.

Khả năng thay đổi tiền tệ có thể khiến hoạt động mua bán khí đốt bị xáo trộn. Giá khí đốt bán buôn của một số nước châu Âu và Anh đã tăng khoảng 15-20% trong ngày 23/3.

Tổng thống Putin cho biết chính phủ và ngân hàng trung ương có một tuần để đưa ra các giải pháp để chuyển các hoạt động mua bán khí đốt sang đồng rúp của Nga. Tập đoàn khí đốt khổng lồ Gazprom sẽ được yêu cầu thực hiện các thay đổi tương tự đối với các hợp đồng khí đốt.

Theo Gazprom, 58% doanh số bán khí đốt tự nhiên của họ cho châu Âu và các nước khác tính đến ngày 27/1 được thanh toán bằng đồng euro. Đô la Mỹ chiếm khoảng 39% tổng doanh số và đồng bảng Anh chiếm khoảng 3%. Hàng hoá trên toàn thế giới phần lớn được giao dịch bằng đồng đô la hoặc đồng euro, chiếm khoảng 80% dự trữ tiền tệ toàn cầu.

Không giống như Mỹ và Anh, các quốc gia EU không đồng ý trừng phạt lĩnh vực năng lượng của Nga do sự phụ thuộc của họ. Ủy ban châu Âu cho biết họ có kế hoạch cắt giảm 2/3 sự phụ thuộc của EU vào khí đốt của Nga trong năm nay và chấm dứt sự phụ thuộc vào nguồn cung nhiên liệu của Nga "trước năm 2030".

Một câu hỏi đặt ra là liệu quyết định của Nga có vi phạm hợp đồng hay không. Bộ trưởng Kinh tế Đức Robert Habeck gọi yêu cầu của ông Putin là vi phạm hợp đồng. Những người mua khí đốt khác của Nga cũng đồng tình với quan điểm này.

Nguồn tin cấp cao của chính phủ Ba Lan cho biết: "Điều này sẽ vi phạm các quy định thanh toán có trong các hợp đồng hiện tại". Ba Lan cũng không có ý định ký hợp đồng với Gazprom sau khi thoả thuận hiện tại hết hạn vào cuối năm nay.

Các ngân hàng lớn không muốn giao dịch tài sản của Nga. Điều này khiến yêu cầu của ông Putin càng thêm phức tạp. Một số khách hàng lớn của Nga ở EU không thể xác nhận ngay lập tức cách họ thanh toán khí đốt trong tương lai.

Một số công ty, bao gồm các công ty lớn về dầu khí như Eni, Shell và BP, RWE và nhà nhập khẩu khí đốt Nga lớn nhất của Đức Uniper, từ chối đưa ra bình luận.

Nga đã đưa ra một danh sách các quốc gia "không thân thiện", tương ứng với những quốc gia đã áp đặt biện pháp trừng phạt. Bên cạnh đó, việc giao dịch với các công ty và cá nhân từ các quốc gia đó phải được ủy ban chính phủ phê duyệt.

Danh sách các quốc gia bao gồm Mỹ, các quốc gia thành viên Liên minh Châu Âu, Anh, Nhật Bản, Canada, Na Uy, Singapore, Hàn Quốc, Thụy Sĩ và Ukraine.

https://cafef.vn/dong-rup-tang-soc-sau-tuyen-bo-cua-ong-putin-cac-quoc-gia-khong-than-thien-voi-nga-phai-tra-tien-khi-dot-bang-dong-rup-20220324085316588.chn

Khánh Ly

Doanh Nghiệp Tiếp Thị

Trở lên trên