MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

'Dòng sông chết' do xả thải, trách nhiệm Bộ Tài nguyên và Môi trường ra sao?

04-06-2024 - 13:37 PM | Xã hội

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Hữu Toàn tranh luận với Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh về các “dòng sông chết” do xả thải, đi qua nhiều tỉnh, với mức độ lớn, ảnh hưởng đến hàng chục triệu người dân.

Sáng 4/6, tranh luận trong phần chất vấn Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường (TN&MT), đại biểu Quốc hội Nguyễn Hữu Toàn (đoàn Lai Châu) đề cập đến các “dòng sông chết” , theo trả lời của bộ trưởng, nguyên nhân do xả thải , đi qua nhiều tỉnh và mức độ lớn.

Theo đại biểu đoàn Lai Châu, chính vì đi qua nhiều tỉnh, nên Luật Bảo vệ tài nguyên môi trường đã giao cho Bộ TN&MT chủ trì đánh giá nguồn xả thải, xử lý môi trường. “Vậy trách nhiệm của bộ trong việc tổ chức thực hiện luật như thế nào mà tình trạng ô nhiễm môi trường ngày càng tăng lên?”, ông Toàn chất vấn.

'Dòng sông chết' do xả thải, trách nhiệm Bộ Tài nguyên và Môi trường ra sao?- Ảnh 1.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Hữu Toàn chất vấn. Ảnh Như Ý

“Bộ trưởng có cho rằng, vấn đề này cần phải có thời gian và nguồn lực. Thưa bộ trưởng, Ủy ban Bảo vệ môi trường lưu vực sông Nhuệ - sông Đáy đã được thành lập, đến nay là nhiệm kỳ thứ 5 rồi. Thế nhưng, tình trạng ô nhiễm không giảm. Vậy theo bộ trưởng, cần thêm bao nhiêu thời gian nữa?”, đại biểu chất vấn.

Liên quan đến vấn đề nguồn lực, theo ông, việc này đòi hỏi cả nguồn lực ở Trung ương và địa phương. Vậy bộ trưởng đã cho xây dựng , triển khai dự án chưa? Phương hướng xử lý ô nhiễm tổng thể này như thế nào?

“Vấn đề này liên quan đến sức khỏe và đời sống của hàng chục triệu dân ở các vùng lưu vực sông”, ông Toàn nhấn mạnh.

'Dòng sông chết' do xả thải, trách nhiệm Bộ Tài nguyên và Môi trường ra sao?- Ảnh 2.

Bộ trưởng TN&MT Đặng Quốc Khánh. Ảnh: Như Ý

Do xả thải gia tăng

Trả lời nội dung này, Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh nói, về mặt thể chế, chúng ta đã có quy định về tổ chức quản lý lưu vực sông do Thủ tướng quyết định, chỉ đạo.

Thời gian qua, Bộ TN&MT và cơ quan công an đã phối hợp với các địa phương thanh tra, kiểm tra, xử phạt nhiều vi phạm. Tuy nhiên, ông Khánh cũng thừa nhận, thực tế các dòng sông đang ngày càng bị ô nhiễm, do nước thải sinh hoạt, cụm công nghiệp làng nghề…

Cũng theo ông, cơ quan chức năng đã kiểm tra, giám sát ở những nơi có hệ thống xử lý nước thải; Bộ cũng đã cùng các địa phương trên các lưu vực sông tăng cường đầu tư hệ thống quan trắc, giám sát, kiểm tra đột xuất và xử lý nghiêm vi phạm.

Trước thực tế như đại biểu phản ánh rằng càng làm thì tình trạng ô nhiễm không giảm và ngày càng nặng hơn, bộ trưởng Khánh nhìn nhận, do phát triển kinh tế - xã hội, nhu cầu dùng nước tăng lên (50 năm tăng gấp ba lần, nhất là ở các đô thị lớn, khi đó tình trạng xả thải cũng sẽ tăng lên).

Mặt khác, ông cũng cho rằng, nước thải sinh hoạt ngày nay cũng toàn hoá chất như dầu gội, nước rửa chén, nên cần thiết phải có cơ chế xử lý từ đầu nguồn thải, tạo dòng chảy để hoà tan bớt các hoá chất.

“Tới đây, chúng tôi cũng đã có dự án nạo vét, khơi thông để tạo dòng chảy, xử lý tình trạng này. Nhưng thực tế vẫn cần phải nâng cao trách nhiệm của cộng đồng, người dân trong việc bảo vệ các dòng sông”, Bộ trưởng Khánh cho hay.

Cùng với đó, ông Khánh cũng nói, đã đề xuất với Chính phủ cho thực hiện đề án nghiên cứu thí điểm tổng thể hai dòng sông Bắc Hưng Hải, Nhuệ, Đáy, để có lộ trình, kế hoạch xử lý, giúp các dòng sông sạch trở lại.

Theo Luân Dũng

Tiền phong

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên