MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Đóng tàu Sông Cấm – Thành viên hiếm hoi không thua lỗ của Vinashin có gì đặc biệt khi lên sàn?

22-10-2017 - 06:50 AM | Doanh nghiệp

Hoạt động kinh doanh Sông Cấm tích cực so với các thành viên còn lại của Tổng Công ty Công nghiệp Tàu thuỷ nhờ các hợp đồng xuất khẩu tàu có giá trị lớn được thực hiện bởi liên doanh với Tập đoàn Hà Lan mang tên Damen Sông Cấm.

Sau khi trở thành công ty đại chúng kể từ đầu năm nay, Công ty Cổ phần Đóng tàu Sông Cấm – Công ty thành viên của Tổng công ty Công nghiệp tàu thủy VN (SBIC - tiền thân là Vinashin) mới đây đã công bố thông tin về việc đăng ký giao dịch trên sàn UpCom với mã chứng khoán SCY.

Với vốn điều lệ 620 tỷ đồng, tương đương 62 triệu cổ phiếu SCY sẽ giao dịch trên UpCom từ ngày 25/10 với giá tham chiếu chào sàn 13.000 đồng.

‘Sống khỏe’ nhờ liên doanh với Tập đoàn Damen - Hà Lan

Đóng tàu Sông Cấm tiền thân là xưởng công tư hợp doanh “Hải Phòng cơ khí” được thành lập năm 1959. Tháng 3 năm 1983, Công ty được đổi tên thành Nhà máy Đóng tàu Sông Cấm.

Ngày 11/3/1993 theo quyết định số 373/QĐ/TCCB-LĐ của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải, công ty trực thuộc sự quản lý của Tổng công ty Công nghiệp tàu thủy Việt Nam. Đến tháng 4/2008, Công ty chính thức hoạt động theo mô hình Công ty cổ phần với tên gọi Công ty cổ phần Đóng tàu Sông Cấm (Sông Cấm Shipyard).

Đóng tàu Sông Cấm hiện là doanh nghiệp thành viên hiếm hoi của Vinashin không những không phải đối mặt với những khoản thua lỗ lên đến cả nghìn tỷ mà trái lại vẫn kinh doanh khá tốt trong những năm vừa qua.

Nguyên nhân rất lớn giúp cho Sông Cấm "sống tốt" đến từ sự hợp tác đối tác Tập đoàn Damen – Hà Lan. Báo cáo thường niên năm 2016 của Sông Cấm cho biết, sự hợp tác này được khởi nguồn từ tháng 03/2012. Lúc đó, Sông Cấm đã ký kết với đối tác này đóng mới 05 tàu tìm kiếm cứu nạn trên biển cho chủ đầu tư là Cục Hàng hải Việt Nam.

CTCP Vận tải biển và Bất động sản Việt Hải (VSP) - tiền thân là CTCP Đầu tư và Vận tải Dầu khí Vinashin - là doanh nghiệp thành viên đầu tiên của Vinashin lên sàn từ năm 2006. Đây từng là một trong những cổ phiếu bluechip đắt giá nhất trên sàn chứng khoán nhưng hiện đang cận kề bờ vực phá sản với khoản lỗ lũy kế hơn 3.000 tỷ.

Với sự chuyển giao công nghệ, kỹ thuật đóng tàu hiện đại của Hà Lan và sự giám sát thi công của các chuyên gia Hà Lan giúp 05 tàu cứu nạn hoàn thành và bàn giao đảm bảo chất lượng tương đương sản phẩm mẫu đóng tại Hà Lan.Thành công của dự án này đóng góp vai trò rất lớn đến sự phát triển của Công ty trong quá trình hội nhập quốc tế.

Cũng từ 2003 đến nay, Sông Cấm đã ký và thực hiện hàng loạt các hợp đồng đóng tàu mới chuyên dụng xuất khẩu cho Tập đoàn đóng tàu Damen – Hà Lan. Sản phẩm mới của Công ty là các tàu kéo đẩy công suất từ 600 CV đến 700 CV và các loại tàu cao tốc chở khách.

Tính đến 2017, Công ty đã đóng mới và bàn giao cho phía Damen – Hà Lan tổng số 170 tàu các loại tàu kéo, tài cao tốc, tàu cứu nạn, tàu hỗ trợ du thuyền,…

Có thể nói, hoạt động kinh doanh Sông Cấm tích cực so với các thành viên còn lại của SBIC nhờ các hợp đồng xuất khẩu tàu có giá trị lớn được thực hiện bởi liên doanh với Tập đoàn Hà Lan mang tên Damen Sông Cấm.

Báo cáo tài chính của Sông Cấm cho thấy, doanh số trong trong 2 năm 2015 – 2016 của Sông Cấm trên 95% từ các hợp đồng đóng tàu cung cấp cho đối tác Hà Lan.

Đây là liên doanh được lập năm 2007 với vốn điều lệ gần 855 tỷ đồng. Trong đó, Tập đoàn Damen góp 598 tỷ đồng, tương đương 70% vốn; 30% vốn còn lại là của CTCP Đóng tàu Sông Cấm.

Hoạt động kinh doanh đang đi xuống

Tổng tài sản của Sông Cấm đến cuối 2016 đạt mức 1.104 tỷ đồng. Songcamship cũng là DN có tình hình tài chính rất tốt, con số nợ vay tính đến 30/6/2017 chỉ 13 tỷ đồng.

Đóng tàu Sông Cấm – Thành viên hiếm hoi không thua lỗ của Vinashin có gì đặc biệt khi lên sàn? - Ảnh 2.

Tuy nhiên, hoạt động kinh doanh của Sông Cấm theo báo cáo đến năm 2015 và 2016 và 6 tháng đầu năm nay đã có tín hiệu sụt giảm. Có vẽ như đối tác Hà Lan đã dừng ký hợp đồng đóng tàu mới trong 6 tháng đầu năm nay. Doanh số trong 6 tháng đầu năm chỉ vỏn vẹn 8 tỷ đồng so với con số 435 tỷ đồng cùng kỳ năm trước, dẫn đến khoản lỗ ròng 9 tỷ đồng trong 9 tháng đầu năm.

Còn theo bản công bố thông tin của Sông Cấm cho biết: “Đơn đặt hàng của chủ tàu giảm đáng kể trong năm 2016 và 2017 chưa có dấu hiệu phục hồi. Quốc gia là chủ hàng lớn của Damen đang rơi vào khủng hoảng kinh tế, chính trị nên các chủ hàng đã hủy hợp đồng đóng mới ký với Damen do đó trực tiếp ảnh hưởng đến sản lượng và doanh thu đóng tàu của Sông Cấm.”

Đóng tàu Sông Cấm – Thành viên hiếm hoi không thua lỗ của Vinashin có gì đặc biệt khi lên sàn? - Ảnh 3.

Mở đường cho Damen mua cổ phần?

Trước khi đăng ký lên sàn UpCom, Sông Cấm được UBCKNN chấp thuận công ty đại chúng từ ngày 21/1/2017.

Sau khi trở thành công ty CP đại chúng, cơ cấu cổ đông của Sông Cấm cũng không có nhiều thay đổi. Cổ đông nhà nước vẫn sở hữu 97,62% vốn của công ty.

Trước đó, từ cuối năm 2014, Damen đã đề cập về việc mua 70% cổ phần của Songcamship. Mãi đến cuối 2016, SBIC mới cho biết, đề nghị của Damen về việc mua 70% cổ phần Nhà máy đóng tàu Sông Cấm đã được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận.

Tuy nhiên, vướng mắc lớn nhất nằm Quyết định 55/2009, giới hạn tỷ lệ tham gia của nhà đầu tư nước ngoài trên thị trường chứng khoán Việt Nam không được vượt quá 49%.

Do vậy, Chính phủ khi ấy đã hướng dẫn Bộ Giao thông chỉ đạo Tổng công ty Công nghiệp Tàu thủy (SBIC) đàm phán lại với đối tác đến từ Hà Lan với cam kết sẽ nhượng lại phần lớn cổ phần tại Sông Cấm qua hai gian đoạn: bán trước 49%, sau đó xem xét bán tiếp 21% về sau.

Tuy nhiên, trong các cuộc làm việc với phía Việt Nam, Tập đoàn đóng tàu Damen không muốn mua theo nhiều giai đoạn mà chỉ muốn mua một lần với tỷ lệ 70%.

Hiện nay, Quyết định 55/2009 đã chính thức bị thay thế bằng Nghị định 60/2015/NĐ-CP của Thủ tướng Chính phủ. Tuy nhiên, theo luật đầu tư 2014 thì hoạt động ‘Kinh doanh dịch vụ đóng mới, hoán cải, sửa chữa tàu biển’ vẫn đang vướng quy định về tỷ lệ sở hữu của NN tối đa 49%.

Do vậy, không loại trừ khả năng sau một thời gian dài dàm phán, Damen có thể sẽ chấp nhận phương án mua 49% vốn trong theo như quy định. Trong khi đó, 21% còn lại có thể ủy thác cho bên thứ 3 nắm giữ như một số nhà đầu tư vẫn đang làm.

Về phía SBIC, kế hoạch bán vốn tại Sông Cấm lâu nay cũng rất cấp bách để giải quyết bài toán nguồn vốn của Tập đoàn. Tuoitre.vn cho biết, sau nhiều năm thua lỗ thì năm 2016, SBIC tiếp tục lỗ hơn 5.400 tỉ đồng.

Trong khi đó, ngành đóng tàu hiện nay đang trong giai đoạn khó khăn, cạnh tranh gay gắt. Giá đóng tàu trên thế giới đã ở mức thấp hơn trung bình 10 năm.

Huy Nguyên

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên