MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Đồng Tháp náo nức chờ khánh thành cầu Cao Lãnh

24-05-2018 - 10:50 AM | Xã hội

Sau bao năm mong chờ, cầu Cao Lãnh sẽ chính thức được khánh thành vào ngày 27-5 nối đôi bờ sông Tiền.

Nguồn tin từ Tổng Công ty Đầu tư phát triển và Quản lý hạ tầng giao thông Cửu Long ( Cửu Long CIPM ) cho biết đến thời điểm này, toàn bộ công tác thi công dự án đã hoàn tất, đảm bảo điều kiện để khánh thành, đưa công trình vào khai thác sử dụng từ ngày 27-5 . Đây là niềm vui sướng, tự hào của người dân Đồng Tháp và của cả khu vực đồng bằng sông Cửu Long.

Kể từ nay người dân hai bên bờ sông Tiền không còn phải chịu cảnh “sang sông phải lụy phà”. Bà Nguyễn Thị Kim Tư, người địa phương, bày tỏ: “Cầu này mà khánh thành là tôi mừng lắm đó, bởi tôi cũng góp nhiều ngày công lao động trong quá trình xây dựng cây cầu này. Tôi cũng thấy vinh dự khi tỉnh có cây cầu lớn và đẹp như vầy!”.

Trao đổi với PV Pháp Luật TP.HCM, đại diện Sở GTVT tỉnh Đồng Tháp cho biết dự kiến địa điểm khánh thành cầu sẽ là phía Bắc cầu Cao Lãnh thuộc địa bàn xã Tịnh Thới, TP Cao Lãnh, Đồng Tháp. “Cũng nhân sự kiện quan trọng này, UBND tỉnh Đồng Tháp đã quyết định miễn vé vào cổng ba điểm du lịch là Tràm Chim, Xẻo Quít và Gáo Giồng trong hai ngày 27 và 28-5”- vị đại diện Sở GTVT nói.

Đồng Tháp náo nức chờ khánh thành cầu Cao Lãnh - Ảnh 1.

Toàn cảnh cầu Cao Lãnh bắc qua sông Tiền. Ảnh: H.PHAN

Đồng Tháp náo nức chờ khánh thành cầu Cao Lãnh - Ảnh 2.

Những bạn trẻ lên mặt cầu Cao Lãnh chụp ảnh chia sẻ niềm vui. Ảnh: H.PHAN

Có mặt tại cầu Cao Lãnh chiều 23-5, PV ghi nhận tại đường dẫn lên cầu cả hai phía, từng tốp công nhân đang thu dọn mặt bằng, làm sạch mặt đường… để chuẩn bị cho ngày khánh thành, thông xe. Nhiều bạn trẻ lên mặt cầu chụp ảnh chia sẻ niềm vui.

Được khởi công xây dựng từ tháng 10-2013, cầu Cao Lãnh bắc qua sông Tiền nối liền TP Cao Lãnh và huyện Lấp Vò, Đồng Tháp. Cầu cách bến phà Cao Lãnh khoảng 0,8 km về phía hạ lưu và cách cầu Mỹ Thuận hiện hữu khoảng 35 km về phía thượng lưu sông Tiền. Đây là cây cầu lớn thứ hai (sau cầu Vàm Cống) trong dự án kết nối khu vực trung tâm đồng bằng sông Mê Kông.

Cầu Cao Lãnh và tuyến kết nối có tổng chiều dài gần 24 km, nối thông quốc lộ 30 với quốc lộ 54 của tỉnh Đồng Tháp. Cầu có bốn làn xe cơ giới và hai làn xe thô sơ, vận tốc thiết kế 80 km/giờ. Phần cầu chính là cầu dây văng với nhịp chính dài 350 m, hai nhịp biên mỗi nhịp dài 150 m. Cầu có trụ tháp hình chữ H bằng bê tông cốt thép với chiều cao trụ hơn 123 m. Dự án cầu Cao Lãnh có tổng mức đầu tư 145 triệu USD (tương đương 3.038 tỉ đồng), sử dụng nguồn vốn viện trợ không hoàn lại của chính phủ Úc và vốn vay của Ngân hàng phát triển Á châu ADB.

Cầu Cao Lãnh sẽ góp phần hoàn thiện mạng lưới hạ tầng giao thông, góp phần vào sự phát triển kinh tế, xã hội và củng cố an ninh quốc phòng khu vực đồng bằng sông Cửu Long.

Chấm dứt "sứ mệnh lịch sử" bến phà Cao Lãnh

Sau gần 100 năm hoạt động, phà Cao Lãnh hoàn thành "sứ mệnh lịch sử" vận chuyển khi cầu Cao Lãnh bắc qua sông Tiền đi vào hoạt động. Theo ông Nguyễn Hữu Phước, Giám đốc bến phà Cao Lãnh, sau khi cầu Cao Lãnh đưa vào khai thác, phà sẽ được thu gọn lại chỉ còn hai chiếc phà nhỏ loại 100 tấn và 40 tấn. Theo đó, hai phà này được bố trí để vận chuyển hành khách đi xe máy và đi bộ theo nguyện vọng của người dân và học sinh, sinh viên hai bên bờ TP Cao Lãnh-huyện Lấp Vò. Ngoài ra, trong tổng số 125 người của đơn vị sẽ được sắp xếp chuyển về bến phà Sa Đéc và bến phà Phong Hòa-Thới An. Số lao động giảm biên chế dự kiến là 30 người.

Theo H.Phan

Pháp luật TPHCM

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên