MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Dòng tiền chực chờ vào chứng khoán, VN-Index có thể cán mốc 1.800 điểm trong năm 2022

Dòng tiền chực chờ vào chứng khoán, VN-Index có thể cán mốc 1.800 điểm trong năm 2022

Lãnh đạo Smart Invest đánh giá năm 2022 thị trường có thể tăng trưởng cao nhất ở mức hơn 20%, VN-Index có thể lên tới 1.800 điểm và thị trường có thể khởi sắc hơn từ cuối quý 2/2022.

Sau giai đoạn bùng nổ thanh khoản trong năm 2021, dòng tiền vào thị trường từ đầu năm 2022 tới nay có xu hướng chững lại, nhiều phiên giao dịch chỉ bằng một nửa so với trung bình trước đây. Chỉ số VN-Index cũng chỉ dao động quanh mốc 1.500 điểm và chưa thể bứt phá xa như kỳ vọng.

Tại Talkshow Phố Tài chính trên VTV8 mới đây, ông Trần Minh Tuấn, Phó Chủ tịch CTCK Smart Invest (AAS) đã có những chia sẻ về dòng tiền trên thị trường giai đoạn hiện nay.

Theo ông Tuấn, về cơ bản thị trường chứng khoán Việt Nam cũng tương tự như thị trường chứng khoán Thế giới, không phải lúc nào cũng duy trì tỷ lệ thanh khoản lớn. Sau một giai đoạn thị trường Việt Nam tăng tương đối "nóng" năm 2021, bước sang những phiên giao dịch của đầu năm 2022 thì dòng tiền có yếu tố thận trọng hơn, nhà đầu tư ngần ngại trong việc phân bổ vốn và giải ngân, dẫn tới thanh khoản thị trường kém hơn so với giai đoạn trước. Nhưng điều đó không có nghĩa là dòng tiền đang rút ra khỏi thị trường. Thống kê đến cuối tháng 1/2022, số dư tiền gửi của nhà đầu tư trên tài khoản của công ty chứng khoán đạt gần tới 90.000 tỷ đồng. Điều đó chứng tỏ dòng tiền của nhà đầu tư chờ vào thị trường rất lớn.

Ông Tuấn cho rằng các gói kích thích của Chính phủ sẽ hỗ trợ giảm lãi suất, qua đó kích thích dòng tiền nhàn rỗi, có xu hướng đi vào thứ nhất là bất động sản, thứ hai là thị trường chứng khoán, đặc biệt là thị trường chứng khoán vì tính thanh khoản cao hơn.

Với gói kích thích kinh tế thì một số nhóm ngành sẽ được chú ý rất lớn. Đầu tiên là nhóm ngành đầu tư công, việc giải ngân đầu tư công sẽ diễn ra mạnh mẽ trong năm 2022. Thứ hai là nhóm ngành ngân hàng, luôn hút dòng tiền bởi thanh khoản lớn và tốc độ tăng trưởng của các ngân hàng thương mại Việt Nam trong năm 2021 và năm 2022 dư địa tăng trưởng rất là lớn. Và nhóm ngành thứ ba là nhóm ngành các công ty chứng khoán, năm 2022 các công ty chứng khoán sẽ được dự đoán sẽ tăng trưởng rất mạnh về quy mô, hoạt động, kể cả về lợi nhuận nên đây sẽ là ba nhóm ngành chủ đạo có khả năng dẫn dắt thị trường trong năm 2022. Ngoài ra kỳ vọng ở nhóm ngành thép năm 2022 cũng có, các nhóm ngành liên quan đến nguyên vật liệu sẽ có sự tăng trưởng nhất định, vì vậy nhóm ngành thép sẽ là một nhóm ngành có tốc độ tăng trưởng khá trong năm 2022.

Dòng tiền chực chờ vào chứng khoán, VN-Index có thể cán mốc 1.800 điểm trong năm 2022 - Ảnh 1.

Lạm phát, lãi suất tác động ra sao tới dòng tiền vào thị trường chứng khoán?

Về vấn đề lạm phát đang có xu hướng gia tăng trên thế giới, ông Trần Minh Tuấn cho rằng lạm phát của Mỹ, Châu Âu về mặt cơ bản không phải do cung tiền quá lớn mà do sự khan hiếm hàng hóa, do thời gian dịch bệnh kéo dài dẫn đến đình trệ sản xuất kinh doanh. Khi bình thường trở lại thì cầu sẽ tăng lên tương đối đột biến nhưng cung hàng hóa chưa đáp ứng được cầu. Chính vì vậy tạo ra lạm phát do cung đẩy chứ không do cầu kéo.

Ở Việt Nam cũng xảy ra hiện tượng tương tự. Chính vì việc lạm phát do cung đẩy nên ở Việt Nam không thể nào thắt chặt tiền tệ được, bắt buộc phải có gói kích cầu để đưa ra kích thích sản xuất, kích thích tiêu dùng tạo ra sự cân bằng về giá cả. Và bài học năm 2009 sau khi gói kích thích kinh tế được bơm ra khoảng 6 tỷ USD ngay lập tức đến cuối năm 2010 tỷ lệ lạm phát đã lên rất cao.

Tuy nhiên, ông Tuấn đánh giá nỗi lo lạm phát của Việt Nam tại thời điểm hiện tại chưa có cơ sở, phải đến giữa năm 2023 mới đánh giá được liệu gói kích cầu này có tác dụng phụ dẫn đến lạm phát hay không.

Trong khi đó, khi lãi suất của các nước phát triển tăng lên sẽ có xu hướng là dòng tiền đầu tư gián tiếp sẽ rút ra khỏi các nước mới nổi để quay trở về những nước phát triển. Về mặt tích cực, thì ngược lại, dòng tiền đầu tư trực tiếp sẽ tiếp tục tìm đến những nước đang phát triển để mở rộng hoạt động đầu tư, họ sẽ làm những nhà máy, nhà xưởng để tạo ra sản phẩm, hàng hóa tại những nước đang phát triển như Việt Nam. Minh chứng là đầu năm 2022, tỷ lệ vốn đầu tư trực tiếp vào Việt Nam tăng trưởng rất mạnh và tỷ lệ vốn giải ngân lên đến 9 tỷ USD.

Khi tăng trưởng kinh tế được kích thích lớn thì dòng tiền nhàn rỗi của nhà đầu tư trên thị trường tìm sẽ đến những kênh như thị trường chứng khoán hay một số kênh đầu tư khác như bất động sản.

Ông Tuấn cũng cho biết mặc dù khối ngoại bán ròng rất lớn trong năm 2021, lên tới 60 nghìn tỷ đồng, tuy nhiên thực tế họ chưa chuyển tiền ra khỏi Việt Nam, dòng tiền của nhà đầu tư nước ngoài vẫn tiếp tục nằm lại trên thị trường.

Dòng tiền chực chờ vào thị trường chứng khoán, VN-Index có thể cán mốc 1.800 điểm trong năm 2022

Mặc dù thị trường đang chững lại trong thời gian gần đây, tuy nhiên điều này có thể sẽ sớm thay đổi trong thời gian tới. Ông Tuấn cho biết số dư tiền gửi của các nhà đầu tư tại các công ty chứng khoán được thống kê đến cuối tháng 1/2022 là hơn 90 nghìn tỷ đồng, đây là một con số kỷ lục của các nhà đầu tư cá nhân trên thị trường. Trong khi đó, mặc dù số lượng tài khoản mở mới trong tháng 1/2022 kém hơn so với tháng 11 và tháng 12/2021 nhưng số lượng vẫn rất lớn, đạt 200 nghìn số lượng tài khoản mở mới trong tháng 1.

Ngoài ra, các công ty chứng khoán đều có dự kiến tăng vốn rất mạnh trong năm 2022 như VND, SSI và bản thân Smart Invest cũng sẽ thực hiện tăng vốn từ 800 lên 5.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, do một số những sắp xếp về thủ tục hành chính chưa xong, cho nên đến khoảng giữa năm 2022, việc các công ty chứng khoán tăng vốn chắc chắn sẽ đạt được mục tiêu họ đề ra từ cuối năm 2021. Và khi mà tăng vốn thành công như vậy, lượng tiền từ tăng vốn chủ sở hữu sẽ là nguồn cung cấp margin mạnh mẽ cho thị trường.

Bên cạnh đó, ông Tuấn cũng kỳ vọng năm 2022 khi nền kinh tế được mở cửa trở lại, khả năng tăng trưởng của các doanh nghiệp sẽ lớn lên và tỷ lệ sinh lời của các doanh nghiệp sẽ cao hơn, dòng tiền nhàn rỗi của các nhà đầu tư sẽ tích cực hơn trong việc tham gia vào thị trường chứng khoán. Dòng tiền giải ngân cho thị trường vào thời điểm cuối quý 2/2022 sẽ bắt đầu lớn lên rất nhiều.

Lãnh đạo Smart Invest đánh giá năm 2022 thị trường có thể tăng trưởng cao nhất ở mức hơn 20%, VN-Index có thể lên tới 1.800 điểm và thị trường có thể khởi sắc hơn từ cuối quý 2/2022.

Dù vậy, ông Tuấn cũng lưu ý trong năm 2022, để việc đầu tư có hiệu quả, nhà đầu tư sẽ phải lựa chọn ở hai yếu tố, thứ nhất là yếu tố cơ bản, yếu tố cốt lõi và nền tảng của doanh nghiệp và yếu tố thứ hai là yếu tố kỹ thuật để lựa chọn thời điểm mua cổ phiếu và bán ra cổ phiếu.

https://cafef.vn/dong-tien-chuc-cho-vao-chung-khoan-vn-index-co-the-can-moc-1800-diem-trong-nam-2022-20220301115021131.chn

Long Châu

Doanh Nghiệp Tiếp Thị

Trở lên trên