MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Đồng tiền chung chưa ra đời, BRICS thách thức USD bằng thứ đang sốt giá khắp thế giới, kể cả tại Việt Nam

10-04-2024 - 14:14 PM | Tài chính quốc tế

Đồng tiền chung chưa ra đời, BRICS thách thức USD bằng thứ đang sốt giá khắp thế giới, kể cả tại Việt Nam

BRICS đã công bố kế hoạch tung ra đồng tiền riêng để tránh phụ thuộc vào đô la Mỹ. Trước khi kế hoạch thành hiện thực, nhóm này đang tránh xa đồng đô la bằng nhiều chiến lược.

Vàng là trọng tâm trong chiến lược tiền tệ của BRICS

Trang tin về tiền điện tử Cointribune ngày 8/4 đưa tin, kể từ năm ngoái, Nhóm các nền kinh tế mới nổi (BRICS) đã không ngừng mở rộng phạm vi và ảnh hưởng của mình. 

Từ ngày 1/1/2024, Nhóm các nền kinh tế mới nổi hàng đầu BRICS (bao gồm Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi) ghi dấu mốc lịch sử khi chào đón 5 thành viên mới là Ai Cập, Ethiopia, Iran, Saudi Arabia và Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE).

Đồng tiền chung chưa ra đời, BRICS thách thức USD bằng thứ đang sốt giá khắp thế giới, kể cả tại Việt Nam- Ảnh 1.

Một trong những chiến lược mới nhất của BRICS là sử dụng vàng như một công cụ để hỗ trợ đồng nội tệ của họ. Ảnh: China Daily

Đồng thời, nhóm này đang có những sáng kiến đầy tham vọng và táo bạo. BRICS đã tuyên bố phát triển một loại tiền tệ mới nhằm giảm bớt sự phụ thuộc của thương mại quốc tế vào đồng đô la Mỹ. Kế hoạch này được kỳ vọng sẽ đại diện cho một sự thay đổi địa chính trị đáng kể.

Và vàng - một mặt hàng được BRICS đánh giá cao - lại là yếu tố trung tâm để thúc đẩy kế hoạch này.

Gần đây, kim loại quý này liên tục phá các kỷ lục về giá. Trong buổi sáng 10/4, giá vàng thế giới giao ngay dao động quanh ngưỡng 2.346,3 USD/ounce, giá vàng giao tương lai tháng 6/2024 trên sàn Comex New York ở mức 2.366,9 USD/ounce.

Riêng tại Việt Nam, sau đà tăng chóng mặt những ngày vừa qua, vào đầu giờ sáng 10/4, giá vàng 9999 SJC giảm 300 nghìn đồng/lượng ở cả chiều mua vào và bán ra so với chốt phiên hôm qua, về mức 84,5 triệu đồng/lượng (bán ra).

Theo trang Cointribune, nhu cầu vàng tăng vọt nhấn mạnh vai trò trung tâm của nó như một chiến địa giữa sự thống trị truyền thống của đồng đô la Mỹ và sức mạnh ngày càng tăng của BRICS, trong đó Nga và Trung Quốc đang dẫn đầu động lực này.

Theo Hội đồng Vàng Thế giới (WGC), BRICS là thực thể mua vàng lớn nhất vào năm 2023 khi các thành viên của nhóm tích lũy hàng tấn kim loại quý này. Chỉ riêng Trung Quốc đã mua 225 tấn vàng; trong khi Nga, Ấn Độ, Brazil và Nam Phi đứng các vị trí kế tiếp.

Nga tăng gấp đôi lượng vàng mua vào

Các đòn trừng phạt của phương Tây đã khiến Nga phải tìm kiếm các cơ chế tài chính thay thế. Kết quả là Nga đang chuyển sang sử dụng vàng ngày càng nhiều để hỗ trợ đồng tiền của họ.

Nga hôm 4/4 đã tuyên bố sẽ tăng gấp đôi lượng vàng và ngoại tệ mua vào. Việc mua vàng và ngoại tệ bắt đầu từ ngày 5/4 đến ngày 7/5/2024.

Bộ trưởng Tài chính Nga Anton Siluanov cho biết, Nga sẽ "dùng số tiền 235,3 tỷ rúp (khoảng 2,6 tỷ USD), tương đương 11,2 tỷ rúp/ngày để mua ngoại tệ và vàng".

Trang tài chính Watcher Guru nhận định, động thái này sẽ giúp Nga vượt qua các lệnh trừng phạt của Mỹ và giữ cho nền kinh tế nước này phát triển mà không gặp bất kỳ trở ngại lớn nào.

Đồng thời, việc giảm tích trữ đô la, thay bằng vàng và ngoại tệ khác sẽ giúp Nga an toàn trước những rủi ro tài chính, vì Mỹ đang có khoản nợ 34,4 nghìn tỷ USD, tình trạng suy thoái của nền kinh tế Mỹ sẽ ảnh hưởng đến các nước khác và kéo nền kinh tế của họ đi xuống. 

Đồng tiền chung chưa ra đời, BRICS thách thức USD bằng thứ đang sốt giá khắp thế giới, kể cả tại Việt Nam- Ảnh 2.

Nga tăng gấp đôi lượng mua vào cả vàng và ngoại tệ, bắt đầu từ ngày 5/4 đến ngày 7/5/2024. Ảnh: Medium.com

Ngoài ra, theo Cointribune, ý định thiết lập một hệ thống tài chính dựa trên vàng của Nga khuyến khích các quốc gia khác, đặc biệt là ở châu Phi, đánh giá lại sự phụ thuộc của họ vào đồng đô la.

Các quốc gia như Zimbabwe đang quan sát chặt chẽ các nỗ lực phi đô la hóa của BRICS và đang khám phá tiềm năng của các loại tiền tệ được hỗ trợ bằng vàng.

Theo trang Cointribune, điều này xảy ra trong bối cảnh các quốc gia châu Phi mong muốn bắt kịp tốc độ tăng trưởng kinh tế ở khu vực phía Tây và phía Bắc. Do đó, họ coi tiền tệ được hỗ trợ bằng vàng là một bước quan trọng để đạt được mục tiêu này.

Theo Hữu Hiển

Đời sống & pháp luật

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên