MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Dòng tiền sẵn sàng chờ cơ hội

Dòng tiền là một trong những chỉ báo quan trọng nhất để dự báo xu hướng của TTCK và có vẻ như thị trường đang đón nhận những nguồn tiền lớn đến từ nhiều phía.

Quỹ đầu tư tích cực

Bên lề một sự kiện liên quan đến đầu tư vốn tư nhân (private equity) mới đây, Giám đốc điều hành VinaCapital đã chia sẻ với báo giới về khả năng thành lập một quỹ đầu tư private equity có vốn 200 triệu USD. Thoạt nhìn, private equity không có nhiều sự liên quan với thị trường niêm yết, bởi đây là kiểu đầu tư vào các doanh nghiệp (DN) tư nhân dưới sàn, thời gian nắm giữ nhiều năm cho đến khi công ty lớn mạnh.

Dòng vốn của các quỹ thường có tính dài hạn và chọn lọc rất cao, vậy nên khi cả quỹ nội lẫn quỹ ngoại có thể huy động vốn liên tục, nghĩa là tính ổn định của dòng tiền trên thị trường tiếp tục được gia tăng.

Nhưng điều này lại cho thấy sự đa dạng về dòng vốn cũng như khẩu vị của NĐT. Việc Mekong Capital lãi lớn với Thế giới di động (MWG) cũng xuất phát từ một thương vụ private equity. Mekong Capital đã đầu tư vào MWG từ nhiều năm trước và chờ đợi cơ hội MWG lên sàn, tăng giá mạnh và trở thành một trong những CP có giá cao nhất thị trường để chốt lãi. Hồi tháng 8, quỹ Bill&Melinda Gates Foundation được sáng lập bởi tỷ phú Bill Gates cũng đã rót vốn thêm vào TTCK Việt Nam thông qua việc mua chứng chỉ quỹ Vietnam Enterprise Investment Ltd (VEIL) do Dragon Capital quản lý. VEIL là một trong những quỹ đầu tư lâu đời nhất trên TTCK Việt Nam, với tổng tài sản 900 triệu USD đã được quỹ của Bill Gates rót thêm 12 triệu USD.

Không chỉ có những quỹ ngoại kỳ cựu như VinaCapital hay Dragon Capital, các công ty quản lý quỹ trong nước cũng không chịu kém cạnh. Cách đây gần 1 tháng, Daiwa-SsiAM II do Công ty quản lý quỹ SSI (SSIAM) quản lý đã kết thúc giai đoạn huy động vốn với số tiền cam kết từ các NĐT đạt 39,4 triệu USD. Mục tiêu của quỹ là đầu tư vào các DN tư nhân hoạt động trong lĩnh vực sản xuất, dịch vụ, tiêu dùng, nông nghiệp, thủy sản. Bởi đây là các lĩnh vực dự kiến sẽ tiếp tục hưởng lợi bởi cơ cấu dân số trẻ, tốc độ đô thị hóa nhanh, gia tăng tầng lớp trung lưu, và sự hội nhập sâu rộng của Việt Nam trong thương mại toàn cầu. Tính đến thời điểm này, Công ty quản lý quỹ Bảo Việt (BaovietFund) đang quản lý 3 quỹ gồm Quỹ cổ phiếu Năng động Bảo Việt (BVFED), Quỹ đầu tư trái phiếu Bảo Việt (BVBF) và một quỹ thành viên. Từ nay đến cuối năm, BaovietFund cũng sẽ nỗ lực để cho ra mắt quỹ thứ 4 của mình với mục tiêu gia tăng hiệu quả cho các NĐT ở mức tốt nhất.

NĐT hưởng ứng

Đầu tháng 8, giá chào mua Sabeco trên thị trường OTC chỉ nằm trong khoảng 8.0, nhưng sau thông tin ông lớn này chuẩn bị lên sàn HOSE xuất hiện, đến cuối tháng 9 giá của Sabeco đã vượt mốc 10.0, nghĩa là đã tăng 25% chỉ trong 1 tháng. Với vốn điều lệ (VĐL) hơn 6.400 tỷ đồng, tại mức giá 10.0, giá trị vốn hóa của Sabeco đã lên đến 64.000 tỷ đồng, gần 3 tỷ USD. Với mức vốn hóa tầm này khi lên sàn ngay lập tức Sabeco sẽ lọt top 10, thậm chí top 5 vốn hóa.

Điều này cũng đồng nghĩa với việc Sabeco sẽ có nhiều ảnh hưởng đến VN Index và như vậy cũng sẽ thu hút dòng vốn của các quỹ đầu tư mua vào. Đó là còn chưa kể đến vị thế của DN này trên thị trường, thương hiệu lớn mạnh, cũng sẽ thu hút sự quan tâm của số đông công chúng. Hiện tại, sở hữu của Nhà nước tại Sabeco vào khoảng 89,6% cổ phần, nghĩa là phần sở hữu của công chúng sẽ hơn 10% cổ phần. Tại mức giá 10.0, giá trị vốn hóa của 10% cổ phần sẽ tương đương 6.400 tỷ đồng. Số cổ phần này khi được đem lên niêm yết sẽ giúp thị trường gia tăng đáng kể dòng tiền vì có người có nhu cầu mua thì sẽ có nhu cầu bán.

Một hoạt động khá phổ biến của các CTCK chứng khoán trong thời gian gần đây là tăng cường việc huy động vốn, đặc biệt thông qua phát hành trái phiếu. Mục tiêu cũng không quá khó để lý giải đó là việc hướng đến cung cấp margin cho khách hàng, vốn được xem là hoạt động đem lại lợi nhuận cao nhất. Tuy nhiên, hoạt động cung cấp margin hiện nay không đơn thuần chỉ là chuyện CTCK cho NĐT vay với lãi suất cạnh tranh, hấp dẫn là có thể thu hút được khách hàng. Bởi lẽ, các CTCK có thị phần trong top 10 hiện giờ đều mạnh về vốn, nên sự khác biệt sẽ phải đến từ những dịch vụ kèm theo.

Ông Trương Hiền Phương, Giám đốc Chi nhánh TPHCM, CTCK KIS Việt Nam, nhận định: Nhu cầu của NĐT hiện nay cần phải được chăm sóc toàn diện, chẳng hạn nếu CTCK chỉ tập trung hỗ trợ các thủ tục giao dịch, lại thiếu đi những khuyến nghị, hỗ trợ đầu tư mang tính thực dụng thì cũng khó thu hút được khách hàng. Ngược lại, nếu chỉ tập trung vào việc tìm kiếm CP cho khách hàng, mà không đầu tư vào công nghệ giao dịch để tạo ra sự thuận lợi NĐT cũng không thể ưng ý. Vì vậy, theo xu hướng các CTCK vừa tăng cường margin, cũng phải tăng cường chất lượng tư vấn đầu tư, phục vụ các nhu cầu khác nhau.

Theo Công Mạnh

Sài Gòn Đầu tư Tài chính

Trở lên trên