MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Dòng tiền sẽ xoay trục sang nhóm vốn hóa lớn, tập trung đi tìm những "cơn gió ngược" trong năm 2023

Dòng tiền sẽ xoay trục sang nhóm vốn hóa lớn, tập trung đi tìm những "cơn gió ngược" trong năm 2023

Khi dòng tiền cho thấy bớt hào hứng với những cổ phiếu mang tính đầu cơ mà thay vào đó là nhóm bluechips với vị thế đầu ngành và nền tảng tài chính lành mạnh.

VN–Index quay trở lại tích lũy trong vùng 1.200 – 1.300 điểm

Trong Báo cáo Chiến lược năm 2023 "Đi tìm những cơn gió ngược" vừa được phát hành, Công ty Chứng khoán (CTCK) Dầu khí (PSI) duy trì quan điểm thị trường tài chính sẽ sớm tìm được điểm cân bằng, để có thể tối ưu các cơ hội, nhà đầu tư nên sử dụng chiến lược phòng thủ, tập trung vào nhóm các doanh nghiệp đã được bảo chứng về chất lượng.

Kinh tế Việt Nam năm 2022 đã hồi phục mạnh sau khi các quy định giãn cách xã hội được dỡ bỏ và người dân cũng như doanh nghiệp quen thuộc với trạng thái “bình thường mới”. Tăng trưởng kinh tế năm 2022 ước đạt trên 7% so với cùng kỳ và lạm phát được kiểm soát tốt, đạt mục tiêu dưới 4% của Quốc hội.

Tuy nhiên, PSI cho rằng GDP năm 2023 sẽ không thể giữ được tốc độ tăng trưởng cao khi mức nền so sánh của năm 2022 đã cao hơn nhiều. Nhìn vào từng cấu phần của GDP có thể thấy các động lực tăng trưởng đều đang suy yếu.

Đội ngũ phân tích dự báo CPI năm 2023 có thể tăng khoảng 4,5% so với 2022 cùng với tăng trưởng GDP cả năm 2023 sẽ chậm lại so với 2022 và ước đạt 6%-6,5% so với cùng kỳ.

Về TTCK, nhóm phân tích PSI cho rằng nửa đầu năm 2023 thị trường sẽ tiếp tục những diễn biến giằng co phân hóa khi thanh khoản trên toàn thị trường cạn kiệt, KQKD Quý 4/2022 sẽ tiếp tục sụt giảm so với các quý trước đó dưới áp lực lãi suất, tỷ giá.

Tuy vậy, TTCK sẽ khởi sắc trong nửa cuối năm 2023. Quan điểm lạc quan này đến từ tín hiệu lạm phát đã đạt đỉnh và có dấu hiệu hạ nhiệt, đà tăng lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) nhiều khả năng sẽ vẫn tiếp tục, dù mức độ tăng và tần suất có thể sẽ chậm lại so với năm 2022.

Trong khi đó, trong nước tình hình kinh tế ổn định, tình hình sản xuất - kinh doanh cùng khả năng sinh lời của doanh nghiệp niêm yết tương đối khả quan, hoạt động đầu tư công được thúc đẩy với những động thái quyết liệt của Chính phủ. Các dự án năng lượng tái tạo được chú trọng đầu tư từ những nhà đầu tư trong và ngoài nước là động lực phát triển mạnh mẽ.

Tại ngày 30/12/2022, VN-Index đang giao dịch ở mức 10,5 lần P/E trượt, thấp hơn 40% từ đỉnh 2022 và thấp hơn 34% so với trung bình định giá 5 năm (16.1 lần P/E). Như vậy, thị trường Việt Nam vẫn khá hấp dẫn so với các thị trường khu vực trong tương quan tăng trưởng lợi nhuận giai đoạn 2023-24.

Trên cơ sở tăng trưởng lợi nhuận các doanh nghiệp niêm yết trong năm 2023 được PSI đưa ra kì vọng ở mức 12,55% so với năm 2022, dự báo mục tiêu của chỉ số VN–Index trong năm 2023 quay trở lại tích lũy trong vùng cân bằng 1.200 – 1.300 điểm.

Dòng tiền sẽ xoay trục sang nhóm vốn hóa lớn, tập trung đi tìm những cơn gió ngược trong năm 2023 - Ảnh 1.

Những nhóm cổ phiếu tiềm năng

Dòng tiền khả năng cao sẽ có sự dịch chuyển rõ ràng hơn trong năm 2023 đến những cổ phiếu thuộc nhóm vốn hóa lớn hoặc các doanh nghiệp đã được bảo chứng chất lượng trong bối cảnh kinh tế khó khăn.

Khi dòng tiền cho thấy bớt hào hứng với những cổ phiếu mang tính đầu cơ mà thay vào đó là nhóm bluechips với vị thế đầu ngành và nền tảng tài chính lành mạnh, nhóm cổ phiếu triển vọng đáng “xuống tiền” cho năm 2023 sẽ là ngành Ngân hàng, Thép, Bất động sản, Công nghệ, Bán lẻ .

Đây là những nhóm cổ phiếu đã được triết khấu đủ sâu và hấp dẫn với khả năng thanh khoản cao để có thể hấp thụ hết dòng tiền lớn vẫn đang chờ đợi trên thị trường chứng khoán.

Ngoài ra, nhóm ngành mang tính phòng thủ cũng có triển vọng khá tốt.

Nhóm ngành Dầu khí với kỳ vọng cú hích từ khởi động của các dự án dầu khí đã được thủ tướng chính phủ phê duyệt trong thời gian vừa qua như dự án mở rộng mỏ dầu Bạch Hổ, dự án khai thác mỏ Kình Ngư Trắng. Các dự án được triển khai sẽ bổ sung phần nào vào sản lượng đang dần cạn kiệt và tạo ra nhu cầu dịch vụ với các doanh nghiệp khai thác.

Chúng tôi tin rằng nhóm ngành Xây dựng - Đầu tư công sẽ là điểm sáng trong năm 2023 khi tiến độ giải ngân sẽ được cải thiện đáng kể so với năm 2022. Giải ngân vốn đầu tư công sẽ là một động lực quan trọng thúc đẩy tăng trưởng GDP nhất là trong bối cảnh rủi ro suy thoái toàn cầu và chính sách tiền tệ đã phát huy hiệu quả trong năm 2022. Chính phủ dự kiến chi 793,000 tỷ đồng cho mảng đầu tư công trong năm 2023 (+ 34% so với kế hoạch năm 2022)

Ngoài ra là các cơ hội với nhóm Phân bón có lợi suất cổ tức tiền mặt cao hay nhóm ngành Du lịch và Hàng không được hưởng lợi trực tiếp từ những biện pháp nới lỏng của Trung Quốc trong năm 2023 tới đây với mức nền thấp trước đó.

Hạ Anh

Nhịp sống thị trường

Trở lên trên