Đồng won của Hàn Quốc thủng đáy 13 năm, thị trường tài chính toàn cầu rung lắc sau động thái của FED
Lần đầu tiên kể từ năm 2009, đồng won của Hàn Quốc giảm xuống mốc 1.400 won đổi 1 USD.
- 22-09-2022Chứng khoán Mỹ lao dốc sau cảnh báo của Chủ tịch Fed
- 22-09-2022Fed tăng lãi suất cơ bản 0,75% lần thứ 3 liên tiếp, cảnh báo đến năm 2024 mới bắt đầu hạ lãi suất
- 21-09-2022Không phải mức tăng lãi suất, đây mới là điều các nhà đầu tư ngóng đợi nhất trong cuộc họp của FED
- 19-09-2022Financial Times: Fed sẽ giữ lãi suất trên 4% sau năm 2023
Sau khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) công bố mức tăng lãi suất 0,75% cùng những phát biểu cho thấy họ sẽ làm mọi giá để kiểm soát lạm phát, bao gồm những đợt tăng lãi suất tiếp theo, đồng won của Hàn Quốc đã giảm 0,6% xuống 1.402,65 won đổi 1 USD đầu phiên giao dịch sáng 22/9 theo giờ địa phương.
Như vậy, đồng won đã giảm hơn 15% giá trị trong năm nay, biến nó trở thành đồng tiền hoạt động kém bậc nhất ở châu Á. Bất chấp những nỗ lực trấn an của nhà chức trách Hàn Quốc, đồng tiền của nước này tiếp tục suy giảm.
An Young-jin, một nhà kinh tế tại SK Securities Co. ở Seoul, cho biết: "Không có nhiều yếu tố kích thích việc mua đồng won. Trong khi đó, đồng USD mạnh cùng đồng euro tiếp tục yếu trong bối cảnh thâm hụt thương mại ngày càng tăng của Hàn Quốc góp phần kéo tụt tâm lý của các nhà đầu tư với đồng tiền này.
Nền kinh tế đang chậm lại của Hàn Quốc tiếp tục làm ảnh hưởng tới đồng won. Hàn Quốc đã ghi nhận mức thâm hụt thương mại lớn nhất trong tháng 8 do giá dầu tăng. Thặng dư tài khoản vãng lai suy yếu trong tháng 7 cùng với cán cân hàng hóa chuyển sang thâm hụt lần đầu từ năm 2012.
Không chỉ có đồng won chịu ảnh hưởng từ chính sách của FED, chứng khoán Hàn Quốc cũng đang bị tác động. Chỉ số KOSPI của nước này đã giảm 25,01 điểm, tương đương 1,07% trong đầu phiên giao dịch ngày 22/2.
Một thị trường châu Á đã mở cửa khác là Nhật Bản cũng đang chịu tác động. Theo đó, Nikkei 225 đã giảm 228,63%, tương đương mức giảm 0,84%.
Sau cú giảm hơn 1,7% của các chỉ số chính trên thị trường chứng khoán Mỹ hôm 21/9, chứng khoán tương lai ở nền kinh tế lớn nhất thế giới hiện cũng tiếp tục bị sắc đỏ bao trùm. Dow Jones Futures hiện giảm 110,8 điểm, tương đương 0,37%. S&P 5000 cũng giảm 22 điểm, tương đương 5,8% còn Nasdaq giảm 86,5 điểm, tương đương 0,74%.
Phát biểu sau cuộc họp chính sách rạng sáng nay theo giờ Hà Nội, Chủ tịch FED Jerome Powell cho biết cơ quan này quyết định tăng lãi suất 0,75% lần thứ 3 liên tiếp. Thậm chí, các nhà hoạch định chính sách tiền tệ của Mỹ còn khẳng định sẽ tiếp tục tăng lãi suất tới 4,6% vào năm 2023 nhằm kéo lùi lạm phát. Chính điều này đã thổi bùng nỗi sợ ở phố Wall về một nền kinh tế rơi vào suy thoái và tác động tới thị trường tài chính toàn cầu.
Jeffrey Gundlach, Giám đốc điều hành DoubleLine Capital, cho biết: "Tôi nghĩ họ nên giảm tốc độ tăng lãi suất. Chính sách tiền tệ có những độ trễ kéo dài nhưng chúng ta đã thắt chặt một thời gian rồi. Việc tiếp tục thắt chặt chính sách tiền tệ hoàn toàn có thể dẫn đến suy thoái".
Trong khi đó, một số nhà đầu tư cho rằng việc FED tiếp tục tăng lãi suất có thể khiến cả lạm phát lẫn suy thoái vượt khỏi tầm kiểm soát. Thậm chí, nhiều nhà đầu tư lo ngại thị trường chứng khoán có thể diễn biến tồi tệ và thủng đáy được xác lập hồi tháng 6 vừa qua.
Hiện tại, S&P 500 đã thủng 3.800 điểm và Sam Stovall của CFRA cảnh báo rằng chỉ số này có thể "test đáy" 3.666,77 điểm của ngày 16/6.
Nguồn: CNBC/Bloomberg
Nhịp sống Kinh tế