Đồng yên bất ngờ tăng giá sau khi gần chạm đáy 40 năm: Rộ tin Nhật Bản 'bí mật' chi hàng chục tỷ USD để can thiệp
Cùng số tiền đã giải ngân hôm 11/7, thị trường đang đồn đoán Nhật Bản đã mua gần 6 nghìn tỷ yên thông qua động thái can thiệp vào tuần trước.
Reuters đưa tin, Chánh văn phòng Nội các Nhật Bản Yoshimasa Hayashi cho biết, nước này sẵn sàng thực hiện mọi biện pháp để ngăn chặn biến động quá mạnh đối với đồng yên và thị trường tiền tệ. Theo đó, thị trường đang chú ý sát sao về khả năng can thiệp nhằm hỗ trợ đồng yên của Nhật Bản.
Dữ liệu được NHTW Nhật Bản (BOJ) công bố mới đây cho thấy Tokyo có thể đã chi 2,14 nghìn tỷ yên (13,5 tỷ USD) để can thiệp vào thị trường tiền tệ vào thứ Sáu tuần trước. Cùng số tiền đã giải ngân hôm 11/7, thị trường đang đồn đoán Nhật Bản đã mua gần 6 nghìn tỷ yên thông qua động thái can thiệp vào tuần trước.
Ông Hayashi phát biểu trong một cuộc họp báo thường kỳ trước khi BOJ công bố số liệu: “Điều quan trọng là tỷ giá tiền tệ phải ổn định, thể hiện các nguyên tắc cơ bản. Biến động quá mạnh là điều không ai mong muốn. Chúng tôi sẽ theo dõi sát sao tỷ giá hối đoái và sẵn sàng thực hiện mọi biện pháp có thể.”
Tuy nhiên, ông từ chối bình luận khi được hỏi liệu Tokyo có can thiệp vào thị trường tiền tệ để hỗ trợ đồng yên vào 2 ngày liên tiếp của tuần trước hay không.
Chính quyền Nhật Bản gần đây đã đưa ra thông báo sẽ không xác nhận liệu họ có can thiệp vào thị trường tiền tệ hay không. Tuy nhiên, các trader phỏng đoán Tokyo đã can thiệp để nâng giá trong bối cảnh đồng yên giao dịch ở mức thấp nhất trong 38 năm, một lần vào ngày 11/7 sau khi Mỹ công bố số liệu lạm phát thấp hơn dự kiến và lần thứ hai là ngày thứ Sáu tuần trước.
Hôm thứ Năm, đồng yên tăng 3% lên 157,40 đổi 1 USD. Tuy nhiên, đồng yên lại rớt giá quay trở về mức 158,45 vào ngày 16/7, không cách xa mốc 160 vốn được coi là “ranh giới” đưa ra động thái can thiệp của Nhật Bản.
Một số nhà phân tích nhận thấy sự tương đồng giữa phỏng đoán về việc Nhật Bản can thiệp vào tuần trước và ngày 1/5, khi những bình luận ôn hoà từ Chủ tịch Fed Jerome Powell tạo áp lực cho đồng USD.
Theo Masafumi Yamamoto, chiến lược gia tiền tệ tại Mizuho Securities, ở cả 2 trường hợp, Tokyo có thể đã can thiệp khi đồng USD giảm giá. Ông nói: “Lần này, sự can thiệp được thực hiện khi tỷ giá yên/USD không tăng mạnh. Điều này cho thấy giới chức lo ngại nhiều về mức giá của đồng yên là dưới 160, hơn là tốc độ tụt giá.”
Đồng yên yếu là động lực cho các nhà xuất khẩu. Song, xu hướng này là mối lo ngại với các nhà hoạch định chính sách Nhật Bản vì nó gây áp lực đến hoạt động tiêu dùng, làm tăng giá nhiên liệu và thực phẩm nhập khẩu.
Hiện tại, thị trường đang chuyển sự chú ý sang cuộc họp chính sách của BOJ vào ngày 30 và 31/7. Một số trader dự đoán BOJ có thể tăng lãi suất từ mức gần bằng 0 hiện tại để giúp làm chậm đà giảm của đồng yên.
Tham khảo Reuters
Nhịp sống thị trường