Đột biến, chỉ nhờ một khách hàng, công ty bán than trụ sở Hà Nội có doanh thu hơn 1 tỷ USD, EPS gần 13.000 đồng/cp
Trong năm 2022, doanh thu thuần của TMB đạt 24.839 tỷ đồng, tăng 125% so với cùng kỳ; LNST đạt 195 tỷ đồng - đây cũng là mức lãi ròng cao nhất từ trước đến nay của công ty.
Công ty Cổ phần Kinh doanh than Miền Bắc – Vinacomin (mã CK: TMB) đã công bố BCTC kiểm toán năm 2022 với kết quả kinh doanh tăng trưởng bất ngờ.
Theo đó, trong năm 2022, doanh thu thuần của TMB đạt 24.839 tỷ đồng, tăng 125% so với cùng kỳ. Trừ đi giá vốn hàng bán, lợi nhuận gộp của công ty đạt gần 1.018 tỷ đồng, tăng 58% so với năm 2021.
Đáng chú ý, doanh thu của TMB chủ yếu đến từ giao dịch với Công ty Kho vận và Cảng Cẩm Phả Vinacomin với giá trị bán hàng hóa, dịch vụ lên tới 17.819 tỷ đồng. Ngược lại, TMB cũng mua hàng hóa, dịch vụ từ Công ty Kho vận và Cảng Cẩm Phả Vinacomin với giá trị 16.541 tỷ đồng.
Công ty Kho vận và cảng Cẩm Phả - Vinacomin (Kho vận Cẩm Phả) la đơn vị được Tập đoàn Than - Khoáng Sản Việt Nam (TKV) giao nhiệm vụ điều hành tiêu thụ than tại vùng Cẩm Phả - Quảng Ninh, quản lý cảng Cẩm Phả, tuyến luồng vào cảng, quản lý một số cảng, bến thủy nội địa, cùng với đó là hệ thống kho bãi chứa than. Năm 2022, công ty này tiêu thụ sản lượng than đạt trên 57,8 triệu tấn, sản lượng than mua đạt trên 57,9 triệu tấn.
Nhờ hoạt động đột biến nói trên, Than Miền Bắc đã đạt LNTT công ty đạt 244 tỷ đồng cao gấp 2,9 lần so với 2021, LNST đạt 195 tỷ đồng - đây cũng là mức lãi ròng cao nhất từ trước đến nay của TMB. EPS của công ty cũng tăng lên 12.981 đồng/cp.
Trong khi đó, mặc dù doanh thu tài chính Than Miền Bắc đạt 92,6 tỷ đồng tăng đột biến so với năm 2021 chỉ 92 triệu đồng do lãi tỷ giá 92,2 tỷ đồng nhưng chi phí tài chính cũng tăng lên 170 tỷ đồng, gấp 4,9 lần năm trước, nguyên nhân chính cũng do lỗ tỷ giá 114 tỷ đồng.
Được biết, năm 2022 TMB đặt mục tiêu doanh thu 14.850 tỷ đồng và 60 tỷ đồng lợi nhuận, theo đó, kết thúc năm, công ty đã hoàn thành vượt 67% mục tiêu về doanh thu và 307% mục tiêu về lợi nhuận.
Không chỉ Than Miền Bắc mà nhìn chung các công ty than đều ghi nhận kết quả kinh doanh năm 2022 tăng trưởng mạnh so với năm trước. Những công ty than có mức tăng trưởng bằng lần trong năm vừa rồi có Than Cao Sơ, Coalimex, Than Miền Bắc và Than Mông Dương. Trong đó, Coalimex có mức tăng trưởng ấn tượng nhất, khi LNST đạt 425 tỷ đồng, gấp 10 lần cùng kỳ.
Trong năm 2022, giá than thế giới đã tăng cao ngay từ đầu năm và vẫn giữ được mức giá cao cho đến cuối năm và mới bắt đầu hạ nhiệt vào đầu năm 2023. Cụ thể, theo số liệu của tradingeconomic, giá than giao sau tại Newcastle đã tăng nhanh chóng ngay từ đầu năm và từng vượt mốc 450 USD/tấn và đến cuối năm 2022 vẫn đang ở mức giá khoảng 400 USD/tấn.
Giá than giao sau tại Newcastle, giá tiêu chuẩn cho thị trường châu Á (Nguồn: tradingeconomics.com)
Than Miền Bắc có trụ sở tại Hà Nội, địa bàn hoạt động tại Hải Phòng, Bắc Ninh, Thanh Hóa, Nam Định và một số khu vực khác. Đây là đơn vị thành viên của Tập đoàn Công nghiệp Than khoáng sản Việt Nam (Vinacomin), là một mắt xích nằm trong dây chuyền sản xuất, chế biến và tiêu thụ than của Tập đoàn Vinacomin. Hoạt động chủ yếu của Công ty là bán than tại địa bàn các tỉnh phía bắc từ Hà Tĩnh trở ra.
Trên bảng cân đối kế toán, tổng tài sản của TMB tăng 1.252 tỷ đồng so với thời điểm đầu năm, đạt 2.269 tỷ đồng, phần lớn trong đó là hàng tồn kho hơn 2.000 tỷ. Về phía nguồn vốn, tổng nợ phải trả tại ngày 31/12/2022 là 1.818 tỷ đồng, tỷ lệ nợ/VCSH là 4. Dư nợ vay bằng 0.
Nhịp sống thị trường