Đột biến giao dịch thỏa thuận cổ phiếu ngân hàng, cơ cấu cổ đông Eximbank và LienVietPostBank ''biến động''
Tuần giao dịch vừa qua (9/1 - 13/1) chứng kiến giao dịch thỏa thuận khối lượng lớn tại nhiều cổ phiếu ngân hàng.
- 15-01-2023Cơ hội và thách thức nào đón chờ cổ phiếu ngân hàng trong năm nay?
- 15-01-2023Một ngân hàng rút hồ sơ đăng ký niêm yết trên HoSE
- 12-01-2023MBKE: Đây là cơ hội "10 năm có 1" để tích lũy các cổ phiếu ngân hàng chất lượng
Cụ thể, phiên 13/1 ghi nhận hơn 134 triệu cổ phiếu EIB (tương đương 10,8% vốn điều lệ Eximbank) được trao tay qua phương thức thỏa thuận, với tổng giá trị giao dịch lên tới 3.421 tỷ đồng; trong đó, phần lớn các cổ phiếu EIB được giao dịch tại mức giá 25.500 đồng/cổ phiếu.
Giao dịch thỏa thuận EIB tăng vọt phiên 13/1 đến từ hoạt động sang tay cổ phiếu của khối ngoại cho các nhà đầu tư trong nước. Theo đó, khối ngoại đã bán ròng hơn 132,8 triệu cổ phiếu EIB, giá trị gần 3.420 tỷ đồng.
Thông tin về cổ đông bán ra lượng cổ phiếu trên chưa được công khai, song với tỷ lệ sở hữu nước ngoài tại Eximbank trước phiên giao dịch ở mức 18,95% thì nhiều khả năng Sumitomo Mitsui Banking Corporation (SMBC), cổ đông nước ngoài nắm giữ 15% tại ngân hàng này đã thoái vốn trong phiên cuối tuần vừa qua.
Trước đó, ngày 18/3/2022, định chế tài chính đến từ Nhật Bản đã chính thức có văn bản thông báo về việc chấm dứt thỏa thuận liên minh chiến lược với Eximbank.
NHNN ngày 18/10/2022 cũng đã có văn bản "chấp thuận việc bán, chuyển nhượng toàn bộ cổ phần EIB do SMBC sở hữu ở Eximbank"
Mặt khác, ông Võ Quang Hiển, đại diện tại Eximbank theo ủy quyền của SMBC cũng thông báo không còn là thành viên HĐQT tại nhà băng này từ tháng 9/2022. Với động thái này, các giao dịch mua/bán cổ phiếu EIB của SMBC không cần đăng ký trước, như đối với trường hợp người có liên quan.
Eximbank và SMBC đã tham gia vào liên minh chiến lược từ năm 2007, và sau đó SMBC đã mua lại 15% vốn cổ phần của ngân hàng. Cả hai đã tham gia hợp tác trong nhiều hoạt động tại Việt Nam. "Tuy nhiên, những thay đổi quan trọng trong môi trường kinh doanh đã dẫn đến việc cả 2 bên đồng ý ngưng liên minh", SMBC cho biết.
Ngoài phiên 13/1, cổ phiếu Eximbank cũng chứng kiến giao dịch thỏa thuận nhộn nhịp trong những ngày trước đó. Tính chung tuần qua, đã có tổng cộng 174,7 triệu cổ phiếu EIB được sang tay theo hình thức này, giá trị hơn 4.526 tỷ đồng.
Tuần qua cũng chứng kiến giao dịch thỏa thuận lớn tại cổ phiếu LPB của LienVietPostBank với hơn gần 104,5 triệu đơn vị, giá trị hơn 1.504 tỷ đồng. Trong đó, phần lớn số cổ phiếu này được nhà đầu tư trong nước sang tay lẫn nhau trong phiên 10/1 và 12/1.
Riêng phiên 12/1 chứng kiến 65,4 triệu cổ phiếu LPB được mua bán thỏa thuận với giá trị gần 1.000 tỷ đồng. Đây là giá trị thỏa thuận cao nhất tại LPB trong hơn hai năm qua.
Số cổ phiếu này tương đương 3,8% vốn cổ phần của LienVietPostBank và chiếm phân nửa tổng giá trị giao dịch thỏa thuận trên sàn TP HCM trong phiên 12/1. Tất cả lệnh thỏa thuận đều giao dịch thành công ở giá tham chiếu 14.450 đồng.
Trước đó, thị trường cũng liên tục ghi nhận những phiên giao dịch thỏa thuận sôi động tại cổ phiếu LienVietPostBank trong tháng 11 và 12/2022, với khối lượng lên tới hàng chục triệu đơn vị/phiên.
Bên cạnh EIB và LPB, hoạt động thỏa thuận cũng diễn ra nhộn nhịp tại nhiều mã ngân hàng trong tuần qua như SHB (20,5 triệu cp, giá trị 216 tỷ đồng), ACB (20,2 triệu cp, giá trị 491 tỷ đồng), VPB (14,8 triệu cp, giá trị 277 tỷ đồng),…
Về diễn biến giá, cổ phiếu ngân hàng diễn biến phân hóa trong tuần qua với 14/27 mã tăng giá, 10 mã giảm và 3 mã đứng tham chiếu.
Trong đó, VIB là mã tăng mạnh nhất toàn ngành với mức +7%, kết tuần tại 22.050 đồng/cp. Xếp sau là ACB, STB, MSB với mức tăng dao động từ 3 - 4,5%.
Ở chiều ngược lại, EIB là mã giảm sâu nhất ngành khi mất 8,4% giá trị, xuống còn 25.750 đồng/cp.
Nhịp sống Thị trường