Đột biến quỹ TVGF
Học viện chứng khoán DOBF vừa thống kê tình hình hoạt động nửa đầu năm 2017 của các quỹ đầu tư trên thị trường chứng khoán Việt Nam.
TVGF dẫn đầu
Trong 56 quỹ đầu tư chứng khoán, tính cả quỹ nội và ngoại, có 29 quỹ đầu tư đã chiến thắng thị trường, bao gồm 10 quỹ nội và 19 quỹ ngoại đã đạt mức tăng trưởng tài sản ròng (NAV) vượt trội hơn đà tăng của chỉ số VNIndex (16,8%).
Như vậy, có đến 59% tổng số quỹ nội đã chiến thắng thị trường, trong khi con số này ở quỹ ngoại là khoảng 48%. Top 3 quỹ đầu tư nội tăng trưởng NAV mạnh nhất thuộc về Qũy đầu tư tăng trưởng Thiên Việt (TVGF, tăng 37,6%) quỹ ETF SSIAM HNX30 (EISSHN30, tăng 27,3%) và quỹ đầu tư cổ phiếu hàng đầu VCBF (VCBF-BCF, tăng 24,9%)...
Quỹ TVGF được quản lý bới Công ty CP Quản lý quỹ Thiên Việt (TVAM) – thuộc 99% sở hữu của Công ty CP Chứng khoán Thiên Việt (TVS), đội ngũ đầu tư của TVAM cũng chính là đội ngũ đã quản lý danh mục đầu tư của TVS và đem lại mức lợi nhuận kép trung bình trên 20% trong suốt 6 năm qua.
Vào tháng 5/2016, TVAM ra mắt quỹ TVGF, với thời gian hoạt động là 3 năm, huy động được 150 tỉ đồng. So sánh chung, TVGF có quy mô vốn ở mức trung bình, tuy nhiên vẫn tạo ấn tượng đặc biệt khi đạt mức tăng trưởng 37,6% trong nửa đầu năm nay. Mức tăng này vượt xa đà tăng của chỉ số VNIndex, HNXIndex cũng như mức tăng NAV của các quỹ nội và ngoại, theo thống kê của DOBF.
Đa phần các quỹ nội địa hiện nay đều hoạt động theo hình thức quỹ mở. Trong khi đó, TVGF là quỹ nội địa dạng đóng, với chứng chỉ quỹ đã được niêm yết tại sàn chứng khoán TPHCM (HOSE), mã chứng khoán FUCTVGF1(vào tháng 12.2016) nên nhà đầu tư hoàn toàn có thể giao dịch chứng chỉ quỹ TVGF thông qua việc mua bán trên sàn.
Cần nhấn mạnh rằng, với ưu thế của quỹ đóng là có nguồn vốn ổn định trong suốt thời gian hoạt động, nên có thể chủ động trong chiến lược đầu tư, do đó thường sẽ duy trì mức lợi suất tăng trưởng cao hơn so với quỹ mở trong cả quá trình hoạt động. Hiện tại, trên thị trường chứng khoán Việt Nam, ngoài quỹ TVGF vẫn còn quỹ VEIL của Dragon Capital, VOF của VinaCapital, Vietnam Phoenix Fund của Duxton AM Pte…là quỹ đóng.
Vì sao TVGF vượt trội?
Ngay từ khi thành lập, quỹ TVGF đã đề ra chiến lược đầu tư giá tri, đa dạng vào cổ phiếu niêm yết, sắp niêm yết trên thị trường chứng khoán. Qũy bắt đầu giải ngân khi VNIndex ở mức 612 điểm (tháng 5.2016). Đến cuối quý II/2017, theo báo cáo bán niên, sau 13 tháng hoạt động, NAV của quỹ TVGF đạt 207 tỉ đồng, tương ứng NAV/chứng chỉ quỹ là 13.800 đồng. Như vậy, kể từ khi thành lập đến cuối quý II/2017, TVGF đã tăng trưởng 38% so với mức tăng xấp xỉ 27% của VNIndex và 22% của HNX-Index.
Các quỹ đầu tư nội có tăng trưởng NAV vượt trên VNIndex (tính trong 6 tháng 2017)
Nhìn vào danh mục đầu tư, đến cuối tháng 6.2017, TVGF đang nắm giữ 15 cổ phiếu. Trong đó, TVGF đầu tư mạnh nhất vào mảng công nghệ, với cổ phiếu FPT chiếm 15,57% tổng NAV. Kế đó là dịch vụ hậu cần với cổ phiếu VSC của Viconship (chiếm 9% NAV), ngân hàng (với cổ phiếu ACB, 7,38% NAV), khu công nghiệp (KBC của Kinh Bắc, chiếm 7,2% NAV), ngành hóa chất ( CSV của Hóa chất cơ bản miền Nam, chiếm 6,34% NAV). Ngoài ra, TVGF cũng đầu tư vào lĩnh vực dịch vụ tài chính (HCM), bất động sản (LDG)…
Như đã đề cập, danh mục trên được TVGF giải ngân vào thời điểm tháng 5.2016 và hiện tại quỹ đã có những thương vụ đầu tư hiệu quả cao như HCM, CSV, TCM, HPG, LDG, FPT. Đáng chú ý, quỹ TVGF đã luôn duy trì được tỷ lệ tiền mặt ở mức 20% trong suốt thời gian đầu tư.
Trong thời gian tới, Quỹ dự tính sẽ tiếp tục tìm kiếm cơ hội đầu tư vào những cổ phiếu có định giá thấp hơn trung bình ngành, tài sản có chất lượng, thuộc những ngành nghề có thông tin vĩ mô hỗ trợ và có tiềm năng tăng trưởng lợi nhuận trên 20%.
Tại ngày 07/09/2017, giá thị trường của chứng chỉ quỹ FUCTVGF1 đã đạt mức 13.200 đồng/chứng chỉ quỹ, tăng 16,8% so với thời điểm cuối quý II.2017 và cũng thu hẹp dần khoảng cách với giá trị NAV/chứng chỉ quỹ của TVGF.