Đột phá hạ tầng giao thông trọng điểm
Xây dựng hạ tầng giao thông vận tải với phương châm "đi trước mở đường" được xem là mũi nhọn đột phá và là ưu tiên hàng đầu của Đảng và Nhà nước.
- 01-05-2022Hà Nội đẩy nhanh các dự án giao thông quan trọng
- 17-04-20224 dự án giao thông quan trọng sẽ thay đổi diện mạo huyện Hóc Môn và Củ Chi
- 16-04-2022Tỉnh tăng trưởng quý 1 cao nhất cả nước sẽ rót 52.000 tỷ đầu tư vào phát triển hạ tầng giao thông
Các dự án giao thông trọng điểm năm 2022
Trong cơ sở hạ tầng, hạ tầng giao thông có vai trò then chốt, được ví như mạch máu của nền kinh tế. Bởi đường đi đến đâu thì người dân, địa phương nơi đó phát triển đến đấy, "đại lộ, đại phú". Vì vậy, xây dựng hạ tầng giao thông vận tải với phương châm "đi trước mở đường" và được xem là mũi nhọn đột phá, ưu tiên hàng đầu của Đảng và Nhà nước.
Các siêu dự án phát triển hạ tầng giao thông như dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam , sân bay Long Thành, hệ thống giao thông tại Tây Nguyên, Đông Nam Bộ, Tây Nam Bộ… được kỳ vọng sẽ tạo nên những bước đột phá về phát triển hạ tầng giao thông trong những năm tới.
Cục Quản lý xây dựng và chất lượng công trình giao thông, Bộ Giao thông Vận tải cho biết, sẽ có 26 dự án giao thông trọng điểm trải dài từ Bắc đến Nam, lần lượt hoàn thành trong năm 2022. Trong đó có 9 dự án sẽ hoàn thành trước cuối năm, nằm dọc trên các quốc lộ đi qua các địa phương như: Lào Cai, Thanh Hoá, Hoà Bình, Hải Phòng, Kon Tum... Tiếp đó là 16 dự án sẽ phải hoàn thành vào những tháng cuối năm. Trong đó, trọng điểm là 3 dự án thành phần của cao tốc Bắc - Nam.
Cũng tại kỳ họp thứ 3, Chính phủ cũng đã trình Quốc hội xem xét, quyết định chủ trương đầu tư các dự án Vành đai 4 vùng thủ đô Hà Nội, vành đai 3 TP Hồ Chí Minh. Đây là hai dự án có vai trò rất quan trọng trong việc mở ra không gian phát triển cho hai thành phố lớn nhất của cả nước.
Các địa phương phải chủ động thực hiện các công việc trên đoạn có dự án đi qua, đẩy nhanh tiến độ khảo sát, thiết kế, lập dự án đầu tư, kêu gọi đầu tư theo phương thức PPP có hỗ trợ từ ngân sách nhà nước.
Sẽ có 26 dự án giao thông trọng điểm trải dài từ Bắc đến Nam, lần lượt hoàn thành trong năm 2022. Ảnh minh họa - Ảnh: TTXVN.
Giải phóng mặt bằng là then chốt
Công tác cắm cọc giải phóng mặt bằng cho dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025 sẽ hoàn thành trong tháng 6 năm nay. Đây là yêu cầu của Chính phủ đối với Bộ Giao thông Vận tải và 12 địa phương có dự án đi qua. Bởi lẽ việc hoàn thành sớm hay chậm công tác này sẽ tác động đến hàng loạt các phần việc tiếp theo, từ khảo sát, kiểm đếm, đền bù cho các hộ dân cũng như xây dựng các khu tái định cư, tạo mặt bằng sạch để sớm triển khai dự án.
Ngay sau khi có chủ trương đầu tư dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025. Các địa phương đã bắt tay ngay vào công tác giải phóng mặt bằng. Với chiều dài lớn nhất hơn 100km nhưng tỉnh Hà Tĩnh vẫn đặt quyết tâm sẽ hoàn thành công tác cắm mốc giải phóng mặt bằng sớm hơn với yêu cầu khoảng 1 tháng.
Ông Hoàng Ly Tâm - Ban Quản lý dự án Thăng Long, Bộ Giao thông vận tải cho biết: "Qua 2 đợt có thiết kế cơ bản đã cắm được 31 km, 60 km còn lại chúng tôi sẽ bàn giao trong tháng 5".
"Giao cho các xã phối hợp với đơn vị tư vấn để giải quyết ngay những phát sinh trong quá trình cắm cọc nhằm đẩy nhanh tiến độ", ông Phạm Thanh Linh - Phòng Kinh tế, UBND huyện Thạch Hà, Hà Tĩnh cho hay.
Hiện Hà Tĩnh đã thành lập ban chỉ đạo cấp tỉnh, hội đồng bồi thường, giải phóng mặt bằng cấp ở huyện và các tổ công tác ở cấp xã. Ban Thường vụ Tỉnh ủy cũng đã ban hành chỉ thị cho riêng công tác giải phóng mặt bằng đường cao tốc.
Công tác cắm cọc giải phóng mặt bằng cho dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025 sẽ hoàn thành trong tháng 6 năm nay. Ảnh minh họa - Ảnh: VGP
Cho đến thời điểm này, Bộ Giao thông Vận tải đã hoàn thành công tác lập hồ sơ chuyển đổi mục đích sử dụng rừng, đất rừng và đất trồng lúa nước hai vụ trở lên. Công tác khảo sát hiện trường đang triển khai lập báo cáo nghiên cứu khả thi.
Ông Nguyễn Thế Minh - Phó Cục trưởng Cục Quản lý xây dựng và chất lượng công trình giao thông cho biết: "Hoàn thành việc này chúng tôi chắc chắn sẽ phê duyệt được các dự án đầu tư từ 30/5 - 30/6 theo đúng yêu cầu của Nghị quyết của Chính phủ".
Theo kế hoạch, đến ngày 20/11 các địa phương sẽ hoàn thành bàn giao ít nhất 70% mặt bằng. Như vậy, đầu tháng 12 năm nay Bộ Giao thông vận tải sẽ tiến hành khởi công các dự án đầu tiên của công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía đông giai đoạn 2021 - 2025.
Bám sát tiến độ dự án Cảng hàng không Quốc tế Long Thành
Không chỉ có đại dự án cao tốc đường bộ Bắc - Nam, Việt Nam cũng đang xây dựng một cảng hàng không quốc tế lớn trong khu vực - Cảng hàng không quốc tế Long Thành. Từ năm 2015, công trình này đã Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư xây dựng, với mục tiêu xây dựng sân bay đạt chuẩn 4F, là điểm trung chuyển hàng không quốc tế của khu vực châu Á. Công suất 100 triệu khách/năm và 5 triệu tấn hàng hóa/năm.
Cảng hàng không quốc tế Long Thành dự kiến sẽ đưa vào khai thác trong năm 2025. Với quy mô tầm cỡ khu vực đây sẽ là công trình lịch sử, mở ra cơ hội cho sự phát triển kinh tế không chỉ của khu vực phía Nam nói riêng mà cả nước nói chung.
Công trường xây dựng Cảng hàng không Quốc tế Long Thành có 1.211 nhân sự đang làm việc; 907 đầu máy, trang thiết bị thi công, tiếp tục tổ chức thi công thành 32 dây chuyền. Tính đến ngày 24/4, mặt bằng vẫn còn hiện trạng "xôi đỗ". Một số dây chuyền còn hoạt động 1 ca, cầm chừng đợi mặt bằng.
Lũy kế khối lượng đào đắp trong tháng 4 đã đạt và phấn đấu vượt kế hoạch thêm 1 triệu khối. Tất cả đều sẽ tranh thủ để làm trước mùa mưa các công trình quan trọng.
Dự kiến sân bay Long Thành hoàn thành vào năm 2025. (Ảnh minh họa - Ảnh: Dân trí)
Trong lần kiểm tra, thị sát cuối tháng 4, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành cũng yêu cầu UBND tỉnh Đồng Nai phải bàn giao toàn bộ mặt bằng cho dự án vào ngày 30/6. Các nhà thầu khẳng định sẽ đẩy nhanh thi công, bám sát tiến độ dự án.
Bộ Giao thông Vận tải cũng sẽ cử ngay các cán bộ phụ trách thẩm định vào công trường để thẩm định ngay tại hiện trường, thay vì đợi hoàn chỉnh hồ sơ báo cáo. Bởi giai đoạn 1 của dự án sẽ chỉ còn 4 năm với khối lượng công trình rất lớn, số vốn tới hơn 109.000 tỷ đồng cùng các yêu cầu về kỹ thuật cao, kiến trúc tầm cỡ.
Trong năm nay, dự kiến ACV sẽ giải ngân khoảng 8.500 tỷ đồng cho dự án thành phần 3 của dự án Cảng hàng không Quốc tế Long Thành. Giá trị giải ngân sẽ tăng dần lên trong các năm tiếp và đạt giá trị lớn nhất vào năm 2024 - 2025, dự kiến trên 25.000 tỷ đồng.
Có thể thấy sân bay Long Thành nằm ở một vị trí lý tưởng trên bản đồ hàng không quốc tế, với phần lớn các đường bay từ Tây sang Đông. Cảng hàng không quốc tế Long Thành được cho là có vị trí thuận lợi nhất so với tất cả các cảng trung chuyển hàng không quốc tế trong khu vực.
Cùng với đó, dự án cao tốc Bắc - Nam hoàn thành, Việt Nam sẽ có được tuyến đường cao tốc tốt nhất đi qua nhiều địa phương, chạy dọc theo chiều dài đất nước, kết nối rất nhiều cảng biển, cảng hàng không lớn từ Bắc đến Nam.
Các dự án cao tốc Tây Nguyên, Đông Nam Bộ, Tây Nam Bộ, Vành đai 3, 4 cũng đang được khơi thông với nguồn lực dồi dào. Tất cả sẽ tạo đột phá, phát triển có tính đồng bộ hiện đại, tạo một bộ măt mới cho hạ tầng giao thông quốc gia ngay trong năm nay.
VTV.VN