MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Đột phá nhà ở xã hội

31-03-2023 - 15:45 PM | Bất động sản

Đột phá nhà ở xã hội

Bộ Xây dựng đặt mục tiêu từ nay đến năm 2030 phát triển 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội (NƠXH) cho công nhân, người thu nhập thấp. Động thái này được nhiều người đồng tình, ủng hộ. Tuy nhiên, theo các chuyên gia trong ngành, còn nhiều nút thắt liên quan đến vốn, thủ tục hành chính... phải sớm được tháo gỡ mới có thể đột phát tốc độ phát triển NƠXH.

Đột phá nhà ở xã hội - Ảnh 1.

Dù có nhiều chính sách hỗ trợ nhưng việc phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân vẫn gặp không ít khó khăn. Ảnh: Quang Vinh.

Bà Lê Thị Hằng (quê Thanh Hóa) với thâm niên 20 năm làm việc tại Khu chế xuất Tân Thuận, quận 7, TPHCM tâm sự: “Hiện tôi đang ở nhà trọ mái tôn xập xệ, nóng nực, vì vậy tôi mong có cơ hội sớm được tiếp cận nhà ở xã hội”.

Rào cản lãi vay

Theo bà Hằng, giá nhà ở tăng chóng mặt, trong khi thu nhập của công nhân thấp. “Mức lương hiện tại của tôi là 8 triệu đồng/tháng, trong khi giá cả tiêu dùng lại tăng cao. Công nhân chúng tôi rất mong giá nhà giảm xuống, kéo dài thời gian cho vay mua nhà, giảm lãi suất xuống và đẩy nhanh thủ tục cho vay. Rất mong chính sách gần gũi hơn để công nhân ổn định cuộc sống” – bà Hằng bày tỏ. Khi được hỏi về diện tích và giá nhà ở xã hội (NƠXH) mà công nhân có thể mua được thì ở mức bao nhiêu, bà Hằng cho rằng, cần một căn hộ 40 – 50m2 với giá 1 tỷ đồng và đóng trước khoảng 20%, được trả hàng tháng 3 – 4 triệu đồng/ tháng, như vậy công nhân mới có thể gánh được.

Mặc dù rất chia sẻ với những mong mỏi của người dân về một căn hộ NƠXH, song ông Lê Hữu Nghĩa – Giám đốc Công ty Bất động sản Lê Thành (đơn vị chuyên làm NƠXH) cho biết, doanh nghiệp (DN) không thể đáp ứng nổi khi mà còn quá nhiều rào cản để DN đầu tư vào lĩnh vực này. Đơn cử vấn đề vốn. “Nghe nhiều về các gói cho vay ưu đãi như gói 110.000 tỷ đồng, gói 120.000 tỷ đồng nhưng toàn nghe trên báo chí chứ thực tế chưa thấy đâu. Trong khi đó, lãi suất cho vay xây dựng NƠXH cao, tới 12%, DN nào gánh nổi” - ông Nghĩa phân trần.

Trong khi đó, ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TPHCM cho rằng, cần nhanh chóng triển khai đề án 1 triệu căn NƠXH với gói tín dụng 110.000 tỷ đồng, lãi suất 4,8 – 5%. Gói hỗ trợ cần có điều kiện tương tự như gói 30.000 tỷ đồng trước đó. Thời gian kéo dài đến 25 năm để người mua nhà và DN dễ tính toán. Đồng tình với việc cần có sự đột phá về vốn, ông Trương Anh Tuấn (Hiệp hội Bất động sản Việt Nam) nói: “Công nhân không thể mua nhà với lãi vay hiện nay. Với lãi suất 4,8 – 5% thì người thu nhập thấp còn gánh được”.

Liên quan đến giải quyết vốn cho NƠXH, ông Huỳnh Văn Thuận - Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội cho hay, nguồn vốn cho vay chương trình nhà ở trong năm 2022 và 2023 không thiếu. Thực hiện Nghị quyết số 11/NQ-CP, Ngân hàng Chính sách xã hội được giao tổng số 15.000 tỷ đồng để cho vay chương trình NƠXH bằng nguồn vốn phát hành trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh. Số vốn còn lại để cho vay trong năm 2023 là gần 11.000 tỷ đồng. Danh sách các địa phương gửi về thì nhu cầu vốn chỉ hơn 4.300 tỷ đồng, như vậy còn gần 7.000 tỷ đồng. Lý giải tình trạng “ế” vốn này, ông Thuận nêu: Thứ nhất, nguồn cung NƠXH tại các địa phương còn khan hiếm. Thứ hai, nhiều đối tượng có nhu cầu nhưng qua rà soát không đủ điều kiện vay vốn. Thứ ba, một số dự án NƠXH chủ đầu tư đã thế chấp để vay vốn ngân hàng thương mại thực hiện dự án, khi bán cho người mua nhà chưa giải chấp nên khi các hộ này làm thủ tục vay vốn thì không được.

Đột phá nhà ở xã hội - Ảnh 2.

Đang có sự chênh lớn về cung cầu nhà ở dành cho người thu nhập thấp. Ảnh: Quang Vinh.

Số liệu báo cáo của Bộ Xây dựng năm 2022 cho thấy, nhu cầu NƠXH cho người thu nhập thấp, công nhân ở khu công nghiệp trong giai đoạn 2021 - 2030 là khoảng 2,6 triệu căn hộ. Trong đó, từ năm 2021 - 2025 là khoảng 1,3 triệu căn. Tuy nhiên, việc phát triển NƠXH, nhà ở công nhân đến nay đạt kết quả rất thấp so với mục tiêu đề ra. Cụ thể, hiện mới đạt 5,2/12,5 triệu m2, tương đương khoảng 41,6% của “Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030” do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 30/11/2011. Dù có nhiều chính sách hỗ trợ nhưng việc phát triển NƠXH, nhà ở cho công nhân vẫn gặp khó khăn.

Rút ngắn thủ tục đầu tư

Không chỉ khó khăn về vốn, việc phát triển NƠXH còn gian nan với thủ tục hành chính. Ông Lê Hữu Nghĩa thông tin, DN của ông mất 4 năm để xin điều chỉnh từ 12 tầng lên 14 tầng. Phải đến năm nay khi TPHCM thực hiện tháo gỡ, đẩy nhanh tiến độ của nhiều dự án thì các sở, ngành mới vào cuộc.

“Chưa hết, thủ tục chấp thuận đầu tư phải xin ý kiến 10 sở, ngành, có khi 6 tháng, rất mất thời gian thì làm sao DN có thể phát triển được NƠXH” - ông Nghĩa tâm tư và cho rằng, nhiều khi lãnh đạo TPHCM, sở, ngành rất quyết tâm nhưng lại chậm ở những người trực tiếp xử lý hồ sơ của DN.

Liên quan đến thủ tục xây dựng NƠXH, ông Ngô Quang Phúc - Tổng Giám đốc Phú Đông Group cho biết, cơ hội tiếp cận thông tin làm NƠXH còn hạn chế. Còn DN tự đi phát triển quỹ đất cho phân khúc này thì không đơn giản vì thủ tục khó hơn cả nhà ở thương mại.

Ông Phạm Đăng Hồ - Trưởng phòng Phát triển nhà và thị trường bất động sản, Sở Xây dựng TPHCM thừa nhận, có nhiều vướng mắc trong phát triển NƠXH tại thành phố. Trong đó lĩnh vực này chịu tác động của 6 luật nên ảnh hưởng đến quá trình phát triển dự án NƠXH. “Dự án NƠXH được miễn tiền sử dụng đất nhưng phải làm thủ tục thanh toán xong mới được miễn. Ngoài ra, còn phải kiểm tra đối tượng được mua NƠXH, thẩm định giá bán. Những việc này khiến kéo dài thời gian làm thủ tục, không hấp dẫn nhà đầu tư” - ông Hồ nói và cho biết, trên cơ sở rà soát các vướng mắc, thành phố đã hệ thống lại và ban hành quy trình thủ tục làm dự án NƠXH để rõ ràng các bước giúp thành phố kiểm soát tiến độ, nhà đầu tư biết lộ trình, quy chế phối hợp giữa các sở, ban, ngành.

Ông Hà Quang Hưng - Phó Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) nhận định, có một số nhóm nguyên nhân chính ảnh hưởng phát triển NƠXH. Đó là cơ chế chính sách; quỹ đất; nguồn vốn; trình tự thủ tục đầu tư; nguyên tắc xác định giá bán, xác định đối tượng mua, thuê mua và vấn đề thanh tra, kiểm tra. Theo ông Hưng, những nội dung này đã được Bộ Xây dựng tổng kết đánh giá và điều chỉnh trong dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) để trình Quốc hội. Đối với mục tiêu 1 triệu căn NƠXH, ông Hưng cho rằng, vấn đề đầu tiên là hoàn thiện thể chế chính sách. Riêng về trình tự thủ tục đầu tư dự án NƠXH, vướng mắc, thậm chí nhiều thủ tục hơn dự án thương mại, ông Hưng lại cho rằng, NƠXH đang được nhiều ưu đãi hơn. Đơn cử, NƠXH được miễn tính tiền sử dụng đất, như vậy là thuận lợi cho chủ đầu tư.

TS Cấn Văn Lực – Thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách tài chính – tiền tệ Quốc gia:

Một chính sách kinh tế nhân văn

Chính sách phát triển NƠXH là chính sách kinh tế nhân văn mang tính chất ổn định an sinh xã hội, không phải từ thiện. Không phải bây giờ mới làm NƠXH, thị trường NƠXH đã sôi động trở lại trong 2 năm qua. Tuy nhiên cũng còn nhiều điều cần phải bàn khi việc đầu tư gặp không ít khó khăn thách thức. Dự báo, nguồn cung NƠXH giai đoạn 2012 – 2030 tiếp tục thiếu hụt so với nhu cầu. Thời gian qua kế hoạch phát triển NƠXH mới đạt 62%.

TS Bùi Tôn Hiến – Viện trưởng Viện Khoa học Lao động và Xã hội (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội):

Huy động các doanh nghiệp, tập đoàn cùng tham gia

Nghị quyết 15 của Trung ương Đảng tập trung đảm bảo an sinh xã hội cho người dân, nhà ở cho người lao động ở các khu công nghiệp, khu chế xuất. Chính sách này rất quan tâm đến công nhân, người thu nhập thấp. Mục tiêu phát triển 1 triệu căn NƠXH không thể áp dụng giống nhau cho tất cả các địa phương, phải có sự khác biệt và mô hình nhà ở cho thuê hay bán cũng phải khác nhau. Muốn xây dựng 1 triệu căn NƠXH phải huy động vai trò đóng góp của doanh nghiệp, tập đoàn hướng đến chăm lo cho người lao động.

Ông Lễ Văn Nghĩa – Trưởng Ban Quản lý Dự án Thiết chế Công đoàn, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam:

Tổng Liên đoàn muốn đứng ra xây dựng nhà ở cho công nhân

Trong quá trình triển khai các thiết chế công đoàn kết hợp với phát triển nhà ở cho công nhân gặp nhiều vướng mắc. Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã đứng ra làm các thiết chế văn hóa để có nơi cho người lao động vui chơi, hoạt động thể thao và kết hợp với nhà đầu tư làm dự án nhà ở giúp công nhân ổn định chỗ ở, nâng cao đời sống. Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã làm việc với Bộ Xây dựng để thống nhất cho Tổng Liên đoàn Lao động đứng ra xây dựng nhà ở cho công nhân. Trong khi chờ có hành lang pháp lý, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam mong Quốc hội ban hành nghị quyết riêng để thực hiện ngay nhằm đẩy nhanh tiến độ làm dự án nhà ở cho công nhân, người lao động.

Thanh Giang

Đại đoàn kết

Trở lên trên