MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Đột quỵ không còn là bệnh "trời kêu ai nấy dạ": Cách để phòng ngừa 80% nguy cơ đột quỵ

07-11-2021 - 22:01 PM | Sống

Đột quỵ không còn là bệnh "trời kêu ai nấy dạ": Cách để phòng ngừa 80% nguy cơ đột quỵ

Đột quỵ là nguyên nhân gây tử vong đứng hàng thứ 3 sau tim mạch và ung thư. Đột quỵ có thể xảy ra ở bất kỳ thời điểm nào, với bất kỳ ai nhưng căn bệnh này lại có thể tầm soát sớm.

Không còn là bệnh "trời kêu ai nấy dạ"

Anh Nguyễn M. C 30 tuổi ở TP. Cần Thơ đột quỵ não nhưng không biết bệnh và đi chữa lòng vòng. Tới khi vào Bệnh viện Đột quỵ thì bác sĩ không thể can thiệp được não bị tổn thương 1 phần bên phải. Bác sĩ phải mổ não cứu sống anh.

Khi điều trị hồi phục, anh C. cho biết trước 1 tháng bị đột quỵ anh thấy có dấu hiệu tê tay, chóng mặt lặp đi lặp lại nhiều lần nhưng không biết rõ dấu hiệu đột quỵ nên không đi khám sớm.

Các bác sĩ cho biết trường hợp của anh C. nếu tầm soát sớm khi có dấu hiệu thiếu máu thoáng qua gây tê chân tay thì bác sĩ có thể tìm nguyên nhân. Lúc đó, nếu bác sĩ thấy hẹp mạch thì đặt stent có thể phòng được đột quỵ.

Trường hợp của anh H.N.Q. 44 tuổi quê Hậu Giang đến BV Đột quỵ và tim mạch Cần Thơ vì thường xuyên đau đầu nhưng đi khám vài nơi không rõ nguyên nhân. Khi chụp CT não bác sĩ phát hiện não của anh Q. có túi phình trong mạch máu.

Đột quỵ không còn là bệnh trời kêu ai nấy dạ: Cách để phòng ngừa 80% nguy cơ đột quỵ - Ảnh 1.

Tổn thương khi tầm soát đột quỵ thể hiện qua phim chụp giúp người bệnh tránh nguy cơ đột quỵ trong tương lai.

Theo TS Trần Chí Cường – Chủ tịch Hội can thiệp thần kinh TP.HCM cho biết đột quỵ hiện nay đang mang lại áp lực rất lớn. Í ai nghĩ rằng đột quỵ có thể xảy ra ở tuổi 2x, 3x, thậm chí là 8 tuổi. Những người có thói quen hút thuốc lá, uống nhiều rượu bia, dị dạng mạch máu não bẩm sinh, là nguyên nhân chủ yếu gây đột quỵ trẻ đáng báo động hiện nay. Tỷ lệ dân số có nguy cơ đột quỵ khoảng 20%. Nhưng đột quỵ không còn là căn bệnh "trời kêu ai nấy dạ"mà ngược lại có thể tầm soát trước.

4 nhóm người cần tầm soát

TS Cường cho biết tầm soát đột quỵ chính là cách duy nhất giúp bạn đánh giá được khả năng nguy cơ đột quỵ trong tương lai.

TS Cường cho biết 4 nhóm người cần tầm soát đột quỵ:

Thứ nhất, người đã từng đột quỵ cần tầm soát để đề phòng cơn đột quỵ tái phát. Bởi vì có nghiên cứu người đã từng đột quỵ nguy cơ tái phát cao hơn người chưa bị đột quỵ. Tuy nhiên, trong cộng đồng người dân nghĩ rằng đã từng đột quỵ sẽ không bị đột quỵ lại nữa. Đây là quan điểm sai lầm vì đột quỵ lần 2 sẽ nguy hiểm hơn lần 1 rất nhiều.

Thứ hai, những người thường xuyên có cơn thiếu máu não thoáng qua như ngất xỉu, mất ý thức thoáng qua, tự nhiên rơi dép, cầm gì đó rơi... nhưng sau đó phục hồi loại.

Thứ ba, người có những cơn đau đầu dữ dội, động kinh cần tầm soát đột quỵ để tìm nguyên nhân tiềm ẩn như dị dạng mạch máu não, tắc mạch máu vì tìm sớm nguyên nhân sẽ giúp bệnh nhân được điều trị, kiểm soát được cơn đột quỵ. Bệnh nhân sẽ được theo dõi và giảm nguy cơ đột quỵ trong tương lai.

Thứ tư, người có người thân từng bị đột quỵ, người có các bệnh lý đái tháo đường, tăng huyết áp, người từ 50 tuổi trở lên, thường xuyên hút thuốc lá..,

TS Cường chia sẻ đột quỵ có thể tầm soát bằng chụp cộng hưởng, thời gian tầm soát cũng không tốn nhiều thời gian. Bệnh nhân có thể siêu âm tim, mạch cảnh, test gắng sức, đánh giá tổng quát để tầm soát đột quỵ. Nếu tầm soát đánh giá tốt thì phòng được 80% đột quỵ trong tương lai.

Trong đột quỵ, TS Cường cho biết việc nhận biết sớm các dấu hiệu đột quỵ với các triệu chứng như mặt méo, yếu liệt tay chân, nói khó có thể giúp bệnh nhân được cấp cứu sớm nhất.  Bạn cần đưa ngay bệnh nhân đến bệnh viện có điều trị đột quỵ gần nhất, trước 4,5h là tối ưu. Đối với bệnh đột quỵ, TS Cường nhấn mạnh thời gian là yếu tố quyết định kết quả điều trị vì vậy bệnh nhân cần phát hiện sớm và cấp cứu nhanh.

Theo Ngọc Anh

Doanh nghiệp và Tiếp thị

Trở lên trên