"Đốt vàng mã nhà lầu, xe hơi, người đẹp..., hương linh có dùng đâu"
"Đốt vàng mã, cúng mâm cỗ chỉ là vật tượng trưng để thể hiện tấm lòng. Mình cúng dĩa xôi, quả, chén nước hay bất cứ thứ gì thì thần linh, hương linh đâu có ăn", Thượng tọa Thích Huệ Vinh bày tỏ.
Cái gì không đúng thì bỏ dần
Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam vừa có công văn do Hòa thượng Thích Thanh Nhiều, Phó Chủ tịch Thường trực gửi Ban Trị sự GHPGVN các tỉnh, thành phố về việc tăng cường nét đẹp văn hóa truyền thống tộc tại các cơ sở thờ tự Phật giáo.
Trong đó, Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam đề nghị các phật tử loại bỏ tục đốt vàng mã tại các cơ sở thờ tự Phật giáo.
Trao đổi về vấn đề này, Đại đức Thích Thế Tường - trụ trì Sơn Trà Tịnh Viên (Đà Nẵng) nhận định vấn đề đốt vàng mã thuộc về lĩnh vực văn hóa của toàn dân.
Trên tinh thần của Phật giáo thì Phật dạy không được đốt vàng mã. Tuy nhiên, điều này đã tồn tại cả ngàn năm nay nên tục này rất khó bỏ.
Đại đức Thích Thế Tường khẳng định không thể cấm tục đốt vàng mã
"Mình là người con của Phật, cái gì không đúng thì bỏ dần để trở nên tốt đẹp hơn, không để lãng phí, ảnh hưởng đến môi trường… Mặc dù vậy, muốn bỏ văn hóa, phong tục kéo dài cả ngàn năm nay là rất khó.
Mình biết cái việc mình làm đúng hay sai thôi còn chuyện Giáo hội có công văn yêu cầu, khuyên chứ không phải là luật để bắt buộc Phật tử, người dân làm theo. Việc đốt hay không không thể dùng luật để áp dụng được", Thầy Tường nhận định.
Thầy Tường bày tỏ quan điểm không phản đối cũng không đồng ý với việc đốt vàng mã vì đây là nhận thức của mỗi người.
Tuy nhiên, ông thừa nhận tình trạng đốt vàng mã đang biến tướng khi có người đốt nhà lầu, xe hơi, người mẫu… trong các buổi lễ cúng bái.
"Tâm họ tưởng là đúng thì họ làm theo, còn tâm họ không tưởng thì họ không làm. Do vậy, việc này rất khó bỏ và không thể cấm tuyệt đối.
Người Phật tử cũng có rất nhiều thành phần từ nông dân, công nhân, trí thức, tiểu thương… nên không thể cùng nhận thức. Họ sử dụng tấm lòng của mình để thành lễ chứ không cấm được. Người tu sĩ phải khuyên bỏ dần dần họ mới thấm nhuần được", Thầy Tường nói.
Đốt vàng mã chỉ để tượng trưng, thần linh không hưởng
Thượng tọa Thích Huệ Vinh, Trưởng ban Văn hóa Giáo hội Phật giáo Đà Nẵng – trụ trì chùa Quan thế âm Non Nước (quận Ngũ Hành Sơn), cho biết hiện tại thì Giáo hội Phật giáo Đà Nẵng vẫn chưa nhận được công văn từ Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Tuy nhiên, chắc chắn rằng việc nầy cần được ủng hộ nhưng phải có biện pháp từ từ.
Thầy Vinh cho rằng việc đốt vàng mã là sự tượng trưng một cái gì đó để cúng kiếng nên rất vô cùng. Nhưng xã hội ngày nay quá lạm dụng vấn đề này.
Ô tô vàng mã được dùng để đốt trong việc cúng bái
"Chúng ta cúng một dĩa trái cây, bình nước thì cũng giống việc đốt hàng thùng vàng mã. Đó chỉ là một vật tượng trưng thể hiện cho tấm lòng. Chúng ta mượn hình thức để nói lên tấm lòng với thế giới tâm linh. Nhưng khi người ta quá sa đà vào thì cứ tưởng đó là thật.
Việc đốt vàng mã đang biến tướng nên Giáo hội mới đưa ra lời kêu gọi vì nó quá lãng phí của cải và gây ô nhiễm môi trường.
Mình cúng dĩa xôi, quả, chén nước hay bất cứ thứ gì thì thần linh, hương linh đâu có ăn đâu. Công văn của Giáo hội đưa ra nhằm để vấn đề đốt vàng mã bớt cực đoan", Thượng tọa Thích Huệ Vinh bày tỏ.
Theo Thượng tọa Vinh, người Phật tử nên đốt vàng mã, nhà lầu, người đẹp… tượng trưng thôi. Số tiền mua những thứ đó nên để anh cứu nhân độ thế, giúp đỡ người nghèo thì tốt hơn.
"Việc đốt vàng mã quá đà như hiện nay một phần cũng do một số ngôi chùa không hướng dẫn Phật tử hiểu tường tận ý nghĩa. Do vậy, dân chúng cứ hiểu rằng đốt càng nhiều, càng thật thì càng giá trị, thể hiện sự thành tâm", Thượng tọa Vinh nói.
Trí Thức trẻ