Dow Jones giảm 666 điểm, chứng khoán Mỹ rung lắc
Nhà đầu tư không còn chỗ để trú ẩn khi tất cả 11 nhóm ngành trong chỉ số S&P 500 đều giảm điểm mạnh.
- 26-01-2018Bí quyết "đãi cát tìm vàng" để tìm ra cổ phiếu tốt của huyền thoại Peter Lynch
- 21-12-2017Dow Jones dưới thời ông Trump tăng mạnh nhất trong lịch sử đảng Cộng hòa
- 01-12-2017Dow Jones đóng cửa trên 24.000 điểm lần đầu tiên trong lịch sử nhờ kỳ vọng cải cách thuế
TTCK Mỹ vừa có một phiên rung lắc mạnh với chỉ số công nghiệp Dow Jones giảm tới 666 điểm – mạnh nhất kể từ tháng 1/2016. Cơn bán tháo trên thị trường trái phiếu đã lan sang cả cổ phiếu do nhà đầu tư lo ngại Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) sẽ đẩy mạnh tốc độ tăng lãi suất.
Kết thúc phiên hôm qua (2/2), Dow Jones giảm 668,64 điểm, đóng cửa ở mức 25.518 điểm – thấp nhất kể từ ngày 10/1. S&P 500 và Nasdaq cũng giảm 2.1%. Nhà đầu tư không còn chỗ để trú ẩn khi tất cả 11 nhóm ngành trong chỉ số S&P 500 đều giảm điểm mạnh. Nhóm năng lượng giảm 4,1% do các báo cáo kết quả kinh doanh gây thất vọng và giá dầu giảm; trong khi cơn bán tháo các cổ phiếu công nghệ càng trở nên tồi tệ hơn. Cổ phiếu Amazon lập đỉnh không thể cứu nổi chỉ số này khi mà Apple chạm đáy thấp nhất kể từ tháng 10.
Tổng cộng S&P 500 giảm 3,9% trong tuần, đánh dấu cú điều chỉnh đầu tiên ít nhất trong 404 ngày. Nasdaq giảm 3,7% trong tuần qua, mạnh nhất kể từ tháng 2/2006.
Lợi suất trái phiếu Mỹ kỳ hạn 10 năm nhảy vọt lên trên 2,85%, lần đầu tiên kể từ tháng 1/2014.
Hôm qua báo cáo việc làm được công bố cho thấy thị trường lao động tiếp tục khởi sắc trong tháng 1, tiền lương cũng tăng mạnh nhất kể từ khi suy thoái kết thúc. Sự vững vàng của nền kinh tế tiếp tục giúp thị trường đạt trạng thái toàn dụng lao động trong tháng trước. Những số liệu này thể hiện nền kinh tế lớn nhất thế giới đang rất khỏe mạnh, nhưng lại khiến các nhà đầu tư trên cả thị trường trái phiếu và cổ phiếu lo lắng bởi dự đoán Fed sẽ đẩy mạnh lộ trình thắt chặt chính sách tiền tệ.
Lực bán trên cả 2 thị trường càng dâng cao hơn sau khi Chủ tịch Fed Dallas Robert Kaplan cho biết có thể Fed sẽ cần nâng lãi suất nhiều hơn 3 lần trong năm 2018 để hạ nhiệt nền kinh tế. "Gần đây lợi suất trái phiếu đã tăng, ở khắp mọi nơi đều có dấu hiệu của lạm phát. Nhiều yếu tố đang xuất hiện. Và sau đó báo cáo việc làm như một giọt nước làm tràn ly. Đó là những gì đã diễn ra ngày hôm nay", Jim Paulsen – chiến lược gia của Leuthold Weeden – nói.
Châu Âu cũng bị bao trùm bởi cơn bán tháo trên thị trường trái phiếu, trong khi thị trường cổ phiếu thì có ngày giảm thứ 5 liên tiếp để có chuỗi giảm dài nhất kể từ tháng 11 năm ngoái. Chỉ số Stoxx Europe 600 giảm 1,4% trong phiên hôm qua và 3,1% trong cả tuần. Lợi suất trái phiếu kỳ hạn 10 năm do Chính phủ Đức phát hành tăng lên mức cao nhất trong 2 năm trở lại đây.