MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Dow Jones trải qua cú sập tồi tệ nhất năm 2021, có lúc 1.000 điểm bị thổi bay, giá dầu giảm 10%

26-11-2021 - 23:20 PM | Tài chính quốc tế

Dow Jones trải qua cú sập tồi tệ nhất năm 2021, có lúc 1.000 điểm bị thổi bay, giá dầu giảm 10%

Trở lại sau 1 ngày nghỉ lễ, Dow Jones có lúc đã rơi hơn 1.000 điểm khi các nhà đầu tư lo ngại về biến thể Covid-19 mới được cho là có thể kháng vắc xin.

Đêm 26/11 theo giờ Hà Nội, Dow Jones đã ghi nhận mức giảm lên tới 1.000 điểm, tương đương khoảng 2,8% giá trị bị thổi bay. Đây là mức giảm tồi tệ nhất của chỉ số này trong năm 2021 tính tới thời điểm hiện tại. Ngay sau khi thị trường mở cửa trở lại, Dow Jones đã hứng chịu mức giảm mạnh.

Tuy nhiên, tới cuối phiên giao dịch, Dow Jones chỉ còn giảm 905 điểm, tương đương 2,53%.

S&P 500 và Nasdaq cũng chịu chung số phận khi hứng chịu mức giảm lần lượt là 2,3 và 2,2%. Mức giảm này tiếp tục được duy trì tới cuối phiên. S&P 500 VIX, chỉ số vốn được sử dụng để đo nỗi sợ hãi của các nhà đầu tư, đã tăng 8,54 điểm, tương đương 46%. Kết phiên, chỉ số này tăng hơn 10 điểm, tương đương 54%.

Phiên giao dịch ngày hôm nay sẽ đóng cửa sớm vào đầu giờ chiều theo giờ ET, tức rạng sáng theo giờ Hà Nội, khi người Mỹ nghỉ hậu lễ Tạ ơn.

"Thứ 6 là ngày sau Lễ Tạ ơn. Có lẽ, không nhiều người thực hiện giao dịch tại nơi làm việc của họ trong ngày mà thị trường đóng cửa sớm hơn này. Chính vì vậy, việc thanh khoản thấp có thể tạo đà cho cú giảm giá. Tuy nhiên, tôi cho rằng đây là cơ hội mua vào. Cần nghĩ tới dài hạn", Ajene Oden của BNY Mellon Investor Solutions nhận định.

Giống phần còn lại của thế giới, chứng khoán Mỹ đang phản ứng rất tiêu cực với thông tin xuất hiện biến thể Covid-19 mới với hàng loạt đột biến trên protein gai, giúp chúng có khả năng lẩn tránh hệ miễn dịch của cơ thể và cả vắc xin phòng Covid-19. Tuy nhiên, mọi thông tin về virus vẫn đang được các nhà khoa học tìm hiểu. Cuộc họp của WHO đang là tâm điểm chú ý của thế giới.

Trong khi đó, sắc đỏ cũng bao trùm gần như toàn bộ các thị trường chứng khoán châu Âu, vốn đang bước vào những giờ giao dịch cuối cùng. Stoxx 600 vẫn đang duy trì mức giảm khoảng 3,2%, không được cải thiện nhiều so với đầu phiên.

Trong diễn biến khác, giá dầu vừa có một phiên giao dịch tồi tệ nhất trong năm 2021. Giá nó cũng đã sụt xuống mức thấp nhất 2 tháng qua. Dầu của Mỹ giảm 9,2%, tương đương 7,23 USD, xuống còn 71,16 USD/thùng. Trong khi đó, dầu Brent trên toàn cầu cũng giảm 8% xuống còn 75,57 USD/thùng.

Việc du lịch chịu thiệt hại bởi đại dịch cùng với nguy cơ tái phong tỏa tác động nghiêm trọng tới giá dầu, nhất là sau khi các nước xuất khẩu dầu mỏ đạt được thỏa thuận gia tăng nguồn cung.

"Dường như biến thể Covid-19 mới được phát hiện ở Nam Phi đang tàn phá cả thị trường. Thị trường dầu mỏ chắc chắn không cần một mối đe dọa mới đối với sự phục hồi của ngành hàng không", John Kilduff, đối tác của Again Capital, cho biết. Ngoài Anh, hiện đã có thêm Đức ban hành các lệnh giới hạn đi lại với một số quốc gia xuất hiện biến chủng mới.

Chỉ vài ngày trước, Chính quyền Tổng thống Joe Biden cũng đã công bố xả kho dự trữ chiến lược 50 triệu thùng dầu. Động thái này là một phần trong nỗ lực toàn cầu của các quốc gia tiêu thụ năng lượng nhằm làm dịu đà tăng của giá dầu trong năm 2021. Ấn Độ, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và Anh cũng đã tuyên bố xả kho dự trữ.

Cú bán tháo đang diễn ra trên thị trường dầu mỏ bắt nguồn từ những lo ngại dư thừa nguồn cung trong đầu năm 2022, thời điểm mà lượng dầu dự trữ chiến lược được xả ra thị trường. Ngoài ra, việc đại dịch Covid-19 tái bùng phát với số ca mắc mới tăng cao cùng sự hiện diện của biến thể mới khiến những lo lắng với thị trường tài chính nói chung và thị trường dầu mỏ nói riêng, gia tăng đáng kể.

Trong khi đó, OPEC và các đồng minh xuất khẩu dầu mỏ dự kiến nhóm họp vào ngày 2/12 để thảo luận chính sách khai thác dầu cho tháng 1 và sau đó. Nhóm đã đồng ý nới lỏng thỏa thuận cắt giảm sản lượng lịch sử mà họ đạt được đồng thuận vào tháng 4/2020, khi đại dịch Covid-19 giáng 1 đòn mạnh vào nhu cầu toàn cầu.

Linh Anh

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên