Giảm 1.300 điểm, Dow Jones hướng đến phiên giảm mạnh nhất từ tháng 3 vì bóng ma Covid-19 trở lại
Cả 3 chỉ số chính của chứng khoán Mỹ đều đang hứng chịu những cú sụt giảm nghiêm trọng khi nền kinh tế lớn nhất thế giới lo sợ về làn sóng Covid-19 thứ 2.
- 11-06-2020Chứng khoán tương lai Mỹ tiếp tục chìm trong sắc đỏ, Dow Jones có lúc mất hơn 560 điểm
- 11-06-2020Nghịch lý mới trên thị trường chứng khoán Mỹ: Để cổ phiếu tăng phi mã, hãy nộp đơn... xin phá sản?
- 10-06-2020Bloomberg: Bong bóng chứng khoán đã bắt đầu được thổi phồng khi vốn hoá thị trường chạm mốc 21 nghìn tỷ USD!
- 10-06-2020"Đuổi" các công ty Trung Quốc khỏi sàn giao dịch chứng khoán Mỹ, phố Wall mới là nạn nhân
- 09-06-2020Cao nhất kể từ 2000, chỉ số này cảnh báo chứng khoán Mỹ sắp rơi vào kịch bản tiêu cực
Chứng khoán Mỹ đang chứng kiến một phiên giao dịch sóng gió khi hàng loạt chỉ số giảm điểm nghiêm trọng ngay trong đầu phiên giao dịch 11/6. Chưa dấu hiệu nào cho thấy cú giảm của chứng khoán Mỹ sắp dừng lại.
Tính tới 23h30 theo giờ Hà Nội, mức giảm của Dow Jones đã là 1.300 điểm, tương đương 4,8%. Trong khi đó, S&P 500 cũng giảm 4% trong khi Nasdaq mất 3,2%. Trong khi đó, S&P 500 VIX, chỉ số được sử dụng để đo nỗi sợ hãi của các nhà đầu tư đã tăng 11,57%.
Nguyên nhân của cú sập trên thị trường chứng khoán Mỹ chính là sự bùng phát trở lại của virus corona ở một số bang nước Mỹ, những nơi vừa mới mở cửa trở lại sau nhiều tuần phong tỏa để ngăn chặn dịch bệnh. Cú tăng gần đây của chứng khoán Mỹ bắt nguồn từ hy vọng nền kinh tế Mỹ sớm mở cửa trở lại và phục hồi sau đại dịch.
Những nạn nhân lớn nhất trong cú giảm ngày hôm nay là các cổ phiếu hàng không như United Airlines, Delta, American và Southwest. Các cổ phiếu này đều mất hơn 10% giá trị. Cổ phiếu các doanh nghiệp kinh doanh du thuyền trên biển như Carnival Corp. và Norwegian Cruise Line cũng mất tới 14% giá trị. Cổ phiếu của Gap và Kohl cũng mất hơn 9% mỗi cổ.
Quan ngại về làn sóng Covid-19 thứ 2 bùng lên trở Mỹ dẫn tới việc chậm trễ mở cửa trở lại nền kinh tế, là nguyên nhân chính khiến các nhà đầu tư bán tháo. Hiện tại, bang Texas của Mỹ đã có 3 ngày liên tiếp phá kỷ lục về số ca mắc Covidp19 phải nhập viện. Nhiều địa phương khác ở California cũng có số ca mắc Covid-19 mới lập kỷ lục.
Dennis DeBusschere, nhà nghiên cứu vĩ mô của EvercoreISI, nói rằng: "Chính sách tiền tệ thân thiện của FED không thể bù đắp được cho làn sóng Covid-19 thứ 2 nếu nó nghiêm trọng. Với hàng loạt ca mắc mới kỷ lục ở nhiều bang, các nhà đầu tư lo ngại những cuộc biểu tình đòi quyền bình đẳng cho người da màu là nguyên nhân khiến số ca mắc mới tăng vọt".
Đi cùng với diễn biến dịch bệnh phức tạp ở Mỹ, nền kinh tế Mỹ đứng trước nguy cơ suy thoái sâu sắc trong khi tình trạng bết bát của doanh nghiệp kéo dài. Trong suốt thời gian qua, niềm tin nền kinh tế Mỹ sớm hồi phục trở lại sau đại dịch là lý do khiến chứng khoán Mỹ không chỉ trở về mốc trước dịch mà còn khiến Nasdaq phá đỉnh lịch sử, lần đầu tiên vượt 10.000 điểm.
Việc nước Mỹ trở lại tình trạng đóng cửa để ngăn Covid-19 lây lan sẽ là thảm họa mà không ai có thể lường hết những tác động. Bản thân Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin cũng phải nhấn mạnh rằng: "Chúng ta không thể đóng cửa nền kinh tế một lần nữa". Ông Mnuchin cũng nói rằng đóng cửa nền kinh tế không phải lựa chọn khả thi. Tuy nhiên, không phải vì thế mà người Mỹ đỡ đau đầu trong nỗ lực chống dịch.
"Chúng ta không thể đóng cửa nền kinh tế một lần nữa. Tôi nghĩ rằng, chúng ta đều biết việc đóng cửa nền kinh tế sẽ mang đến những thiệt hại nghiêm trọng đến mức độ nào. Và không chỉ thiệt hại về kinh tế, chúng ta sẽ có một thiệt hại toàn diện", ông Mnuchin nhấn mạnh.
Việc đóng cửa nền kinh tế Mỹ lần thứ 2 chắc chắn sẽ khiến niềm tin của các nhà đầu tư sụp đổ, kéo theo cú bán tháo trên thị trường chứng khoán. Nếu kịch bản này xảy ra, không ai biết được đâu sẽ là đáy của chứng khoán Mỹ lần này.