MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Dragon Capital "chốt lời" cổ phiếu HSG, Koji "thay máu" cổ đông lớn

Dragon Capital "chốt lời" cổ phiếu HSG, Koji "thay máu" cổ đông lớn

Quỹ ngoại Dragon Capital và người nhà ông Lê Phước Vũ, Chủ tịch Tập đoàn Hoa Sen bán ra cổ phiếu HSG trong bối cảnh thị giá tăng gấp đôi kể từ đáy hồi tháng 11/2022.

Sau mua gom, Dragon Capital bắt đầu bán ra cổ phiếu HSG

Nhóm quỹ liên quan tới Dragon Capital mới đây bán ra tổng cộng 780.000 cổ phiếu HSG của Công ty CP Tập đoàn Hoa Sen, qua đó giảm sở hữu từ 10,1%, về còn 9,97% vốn điều lệ.

Cụ thể, quỹ Norges Bank thực hiện bán ra 750.000 cổ phiếu và quỹ KB Vietnam Focus Balanced Fund thực hiện bán ra 30.000 cổ phiếu, trong phiên giao dịch 7/9.

Diễn biến bán ra này trái ngược với động thái liên tục mua vào cổ phiếu HSG trong hai tháng gần đây của nhóm quỹ Dragon Capital. Mới đây nhất, ngày 31/8, nhóm này mua vào 1 triệu cổ phiếu. Tính chung từ giữa tháng 7 đến phiên 31/8, Dragon Capital đã mua ròng tổng cộng gần 20 triệu cổ phiếu HSG, nâng sở hữu từ 6,86% lên 10,1% (62,21 triệu cổ phiếu).

Cùng chiều bán ra, mới đây, ông Nguyễn Văn Chiến, em rể của ông Lê Phước Vũ, Chủ tịch Tập đoàn Hoa Sen đăng ký bán toàn bộ hơn 10,7 triệu cổ phiếu HSG đang nắm giữ, qua đó giảm tỷ lệ sở hữu từ 1,74% về 0%. Giao dịch dự kiến diễn ra từ ngày 14/9-13/10 bằng phương pháp khớp lệnh và thỏa thuận.

Trước đó, ông Đinh Viết Duy, Thành viên HĐQT Tập đoàn Hoa Sen cũng đã bán thành công 24.500 cổ phiếu trong tổng số 37.212 cổ phiếu sở hữu, qua đó giảm tỷ lệ nắm giữ từ 0,006 % xuống 0,002%. Giao dịch được thực hiện từ ngày 4/8-30/8 bằng phương pháp khớp lệnh.

Trên thị trường, cổ phiếu HSG đang giao dịch ở vùng giá 21.000 đồng, tăng 16% trong vòng một tháng qua và tăng hơn 200% so với vùng đáy tháng 11/2022.

Thị giá giảm sâu, Koji "thay máu" cổ đông lớn

Trong thông báo mới đây, Công ty CP Đầu tư tài sản Koji (mã KPF) thông báo giao dịch làm thay đổi cơ cấu cổ đông lớn. Theo đó, một cá nhân có tên Nguyễn Như Khánh đã trở thành cổ đông lớn của công ty sau khi được sang tay 6,1 triệu cổ phiếu vào ngày 8/9/2023.

Cùng ngày, một cá nhân khác là ông Tạ Sơn Tùng cũng đã mua thành công hơn 6 triệu cổ phiếu tương ứng tỷ lệ sở hữu 9,93% và chính thức trở thành cổ đông lớn của KPF.

Trước ngày giao dịch, cả hai cá nhân trên đều không sở hữu cổ phiếu KPF nào.

Theo dữ liệu, tại ngày 8/9/2023, có hai giao dịch thỏa thuận được thực hiện với tổng số cổ phần là 12,1 triệu đơn vị có tổng giá trị giao dịch gần 88 tỷ đồng, tương ứng trung bình 7.250 đồng/cổ phiếu.

Trong đó, bà Lê Thị Như Thanh, cổ đông lớn của KPF đã bán toàn bộ gần 6,1 triệu cổ phiếu KPF đang nắm giữ. Số lượng này đúng bằng số cổ phiếu cổ đông Khánh nhận chuyển nhượng.

Cũng trong hai ngày 7 và 8/9, ông Nguyễn Quang Huy, Thành viên HĐQT KPF đã bán hết hơn 6 triệu cổ phiếu KPF và rời ghế cổ đông lớn của công ty.

Động thái sang tay cổ phiếu của các cổ đông lớn KPF diễn ra trong bối cảnh giá cổ phiếu này giảm gần 52% kể từ đầu 2023.

Chứng khoán APG thoái sạch vốn tại Angimex

Công ty CP Chứng khoán APG (mã APG) đã bán ra toàn bộ gần 1,5 triệu cổ phiếu AGM của Công ty CP Xuất nhập khẩu An Giang (Angimex) để giảm sở hữu từ 8,17%, về còn 0% vốn điều lệ.

Việc thoái sạch vốn của APG tại AGM diễn ra ngay trước thời điểm cổ phiếu AGM bị đình chỉ giao dịch. Cụ thể, Sở Giao dịch Chứng khoán TP.Hồ Chí Minh (HOSE) có quyết định chuyển cổ phiếu AGM chuyển từ diện hạn chế sang diện đình chỉ giao dịch kể từ ngày 18/9/2023. Nguyên nhân vì AGM tiếp tục vi phạm quy định công bố thông tin, chưa công bố báo cáo tài chính bán niên 2023.

Ngoài ra, cổ phiếu AGM cũng đang trong diện cảnh báo do lỗ lũy kế tại ngày 31/12/2022 trên BCTC hợp nhất kiểm toán 2022 gần 71 tỷ đồng.

Về diễn biến giá cổ phiếu, kể từ khi nhận quyết định đình chỉ giao dịch, cổ phiếu AGM đã giảm sàn 5 phiên liên tiếp từ ngày 11 - 15/9.

Phó Tổng Giám đốc Chứng khoán Vietcap muốn bán 5,4 triệu cổ phiếu VCI

Ông Đinh Quang Hoàn, Phó Tổng Giám đốc Chứng khoán Vietcap (mã VCI) đăng ký bán ra hơn 5,4 triệu cổ phiếu VCI trong thời gian giao dịch dự kiến từ ngày 20/9 đến 19/10/2023, theo phương thức thỏa thuận hoặc khớp lệnh. Mục đích giao dịch là vì nhu cầu cá nhân.

Nếu giao dịch thành công, ông Hoàn sẽ giảm sở hữu tại VCI còn hơn 100 nghìn cổ phiếu, tương ứng tỷ lệ 0,02% vốn. Tạm tính theo thị giá VCI hiện tại, vị Phó Tổng Giám đốc Vietcap có thể thu về khoảng 261 tỷ đồng nếu hoàn tất giao dịch.

Trên thị trường, cổ phiếu VCI tăng tích cực kể từ thời điểm chạm đáy ngắn hạn hồi tháng 11/2022. Thị giá VCI đã tăng một mạch gần 200% trong vòng 10 tháng qua từ mức 16.900 đồng/cổ phiếu (chốt phiên 15/11/2022) lên 50.500 đồng/cổ phiếu (phiên 12/9/2023) trước khi có sự điều chỉnh trong vài phiên gần đây.

SK Group có thể thoái khoản đầu tư 500 triệu USD vào Masan

Tờ The Korea Economic Daily mới đây đưa tin, nhóm các đầu tư của Hàn Quốc bao gồm SK Group và National Pension Sevice (NPS) có khả năng chỉ thu hồi được tiền vốn khi thực hiện quyền chọn bán cổ phiếu khi thoái vốn khỏi Tập đoàn Masan (Masan Group, mã MSN).

SK của Hàn Quốc có điều khoản thoái vốn với số tiền gốc 470 triệu USD thông qua quyền chọn bán khi trở thành cổ đông của Masan Group vào năm 2018. Nhà đầu tư Hàn Quốc đã từng chi ra 530 tỷ won (khoảng gần 11.000 tỷ đồng) để mua 9,5% vốn của Masan Group. Trong đó, doanh nghiệp Việt Nam nhận được cam kết đầu tư 270 tỷ won từ SK, 160 tỷ won từ NPS và 100 tỷ won từ IMM Investment Corp.

Hiện tại, SK Investment Vina I đang sở hữu 131,9 triệu cổ phiếu MSN, tương đương 9,22% vốn của Masan Group.

Thời hạn quyền chọn bán là một năm kể từ tháng 10/2023. Giá thực hiện có thể tương tự như cổ phiếu MSN ở hiện tại, đóng cửa ở mức 81.500 đồng (3,4 USD) vào ngày 6/9. Các nguồn tin cho biết tập đoàn SK có thể sẽ thực hiện quyền bán vì cam kết của họ đối với các khoản đầu tư ở Đông Nam Á không còn mạnh mẽ như trước.

Theo Hoàng Hà

Thị Trường Tài Chính Tiền Tệ

Trở lên trên