Dragon Capital: Định giá vẫn hấp dẫn, cổ phiếu tiếp tục là kênh thay thế lý tưởng cho gửi tiết kiệm
Dragon Capital cho rằng cổ phiếu tiếp tục là kênh đầu tư thay thế hấp dẫn cho tiền gửi có kỳ hạn khi lãi suất trung bình của tiền gửi 12 tháng hiện tại đã về 4,7%, so với mức đỉnh trên 10%.
Trong báo cáo mới đây, Dragon Capital đánh giá bối cảnh vĩ mô có nhiều điểm sáng. Xuất khẩu 2 tháng đầu năm đạt 59,3 tỷ USD, tương đương mức tăng 19,2% so với cùng kỳ, trong khi nhập khẩu đạt 54,5 tỷ tương đương mức tăng 18%. Đặc biệt, hoạt động thương mại đối với các quốc gia mà Việt Nam nâng cấp quan hệ ngoại giao trong thời gian gần đây đã ghi nhận sự tăng trưởng đáng kể.
Sự tăng trưởng của xuất khẩu đã phản ánh hiệu quả của chính sách tiền tệ nới lỏng trong việc hỗ trợ nền kinh tế. Lãi suất cố định 2 năm đầu đối với các khoản vay mới hiện tại chỉ khoảng 6-8%/năm, giảm gần một nửa so với thời điểm năm trước, ở mức 12-14%/năm.
Một xu hướng tích cực khác là xuất khẩu của các doanh nghiệp nội địa đang có mức tăng trưởng vượt trội hơn với các doanh nghiệp FDI (33,3% so với 14,7%), bao gồm cả xuất khẩu dầu thô. Điều này thể hiện sự cải thiện rõ rệt trong năng lực và khả năng thích ứng với thị trường của các doanh nghiệp Việt Nam.
Về thị trường chứng khoán, sau đà hồi phục tích cực về chỉ số và thanh khoản, Dragon Capital cho rằng cổ phiếu tiếp tục là kênh đầu tư thay thế hấp dẫn cho tiền gửi có kỳ hạn khi lãi suất trung bình của tiền gửi 12 tháng hiện tại đã về 4,7%, so với mức đỉnh trên 10%.
Dòng tiền được ghi nhận chảy vào lĩnh vực Công nghệ thông tin (+13,1%), Xuất nhập khẩu ( +10,9%), Nguyên vật liệu (+9,6%) và Ngân hàng (+9,1%). Các doanh nghiệp xuất khẩu như công ty may mặc TNG báo cáo rằng họ đang bắt đầu tái tuyển dụng do lượng đơn hàng đầy đến quý 3 năm 2024, trong khi đó Doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản Vĩnh Hoàn (VHC) được hưởng lợi bởi những tin tức liên quan đến việc giá bán cá tăng cũng như tình trạng bất ổn trong khâu vận chuyển trên biển Đỏ không ảnh hưởng quá lớn đến doanh nghiệp.
Lĩnh vực nguyên vật liệu, dẫn đầu bởi Tập đoàn Hòa Phát, được thúc đẩy mạnh mẽ sau khi Bộ Tài chính báo cáo chi tiêu đầu tư và phát triển trong nước tăng 21,8% so với cùng kỳ năm ngoái, lên 2,4 tỷ USD trong hai tháng đầu năm 2024. Sự thúc đẩy này của Chính phủ được kỳ vọng sẽ tạo động lực cho ngành nguyên vật liệu, đồng thời kích thích nhu cầu từ các dự án cơ sở hạ tầng.
Tuy nhiên, khối ngoại bán ròng khiến cho đà tăng của thị trường chậm lại. Việc khối ngoại liên tục bán ròng hơn tỷ USD từ tháng 4/2023 cho thấy những bất ổn kinh tế toàn cầu đang ảnh hưởng đến tâm lý của nhà đầu tư và sự ổn định của thị trường. Tuy nhiên, xu hướng bán ròng của khối ngoại gần đây đang cho thấy dấu hiểu cải thiện khi giảm xuống còn khoảng 100 triệu USD so với đỉnh điểm tháng 12 năm 2023 với hơn 400 triệu USD chảy ra khỏi thị trường.
"Định giá của VN-Index vẫn hấp dẫn với tỷ lệ PE dự kiến cho năm 2024 là 10,6 lần đối với 80 doanh nghiệp hàng đầu, so với các nước khác trong khu vực ASEAN như Thái Lan ( 16,0 lần), Malaysia (14,1 lần), Indonesia (13 lần) và Philippines (12,6 lần)", báo cáo Dragon Capital nêu.
Theo Dragon Capital, vấn đề nâng hạng thị trường chỉ là bước khởi đầu. Tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ phát triển thị trường chứng khoán năm 2024 tổ chức mới đây, việc nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam lên thành thị trường mới nổi thứ cấp của FTSE đã được thảo luận sôi nổi. Phân tích của Dragon Capital cho thấy đang có khoảng 700-800 tỷ USD hiện đang được đầu tư vào phân khúc thị trường này.
"Nếu như Việt Nam có thể nâng hạng thị trường, tỷ trọng đầu tư có thể chiếm từ 0,2 – 0,24%, tương đương 1,3 -1,9 tỷ USD", nhóm phân tích cho biết.