Drone đã làm được gì cho nông dân và nông nghiệp Việt Nam
Câu chuyện nông dân từ nghi ngờ về tính hiệu quả khi sử dụng máy bay không người lái (drone) để bảo vệ thực vật cho đến tin tưởng sử dụng, vẫn luôn được nhắc đến thường xuyên tại vựa lúa lớn nhất Đồng Bằng Sông Cửu Long trong thời gian gần đây.
Năm 2018, AgriDrone cung cấp cho nông dân các thiết bị công nghệ nông nghiệp chính xác như máy bay không người lái bảo vệ thực vật và các giải pháp tổng thể cho nông nghiệp thông minh. Drone đang còn là một khái niệm khá xa lạ vào thời điểm này.
Thế nhưng, niềm tin về tương lai của máy bay không người lái là mục tiêu mà AgriDrone quyết tâm theo đuổi, khi họ nhìn thấy những người nông dân đang mang những bình phun nặng nhọc trên lưng, gồng mình đi về phía trước cánh đồng trong bao la của thuốc phun bảo vệ thực vật. Sự quyết tâm của AgriDrone là đưa nông dân bước sang canh tác nông nghiệp an toàn hơn.
Nguyễn Văn Thiên Vũ, đồng sáng lập và CEO của AgriDrone đã nói ngay khi đặt chân đến Đồng bằng Sông Cửu Long: "Thị trường quá lớn, thất bại hay không là do mình, thời điểm bắt đầu, tôi một mình rong ruổi trên những con đường ghồ ghề của cánh đồng miền Tây. Tôi phân tích thị trường. Không có lý do gì để thất bại, lúc đó là đúng thời điểm rồi. Đúng công nghệ, đi tiên phong chiếm lĩnh thị trường. Không riêng gì mảng nông nghiệp mà còn mảng nông nghiệp khác."
Thách thức lớn nhất là làm sao thay đổi hành vi của con người, vốn đã quen với những hoạt động canh tác truyền thống. Sự chấp nhận của người nông dân đối với công nghệ này lúc đó rất là nhỏ. Chưa kể, vào thời điểm đó, công nghệ này đem lại cảm giác quá khác biệt.
Không nói mà làm, để xua tan những mối lo ngại và thắc mắc của bà con nông dân, AgriDrone bắt đầu làm các chương trình phun thử nghiệm miễn phí. AgriDrone đã mang những chiếc máy bay phun thuốc không người lái phun thử nghiệm trên 2 ha ruộng và mời bà con đến chứng kiến. Một tay cầm máy bay đứng từ xa điều khiển, một tay hướng dẫn bà con về những tính năng, sự ưu việt của máy bay phun thuốc.
Hành trình kéo dài bắt đầu từ 2 ha cho đến 60 ha rồi 300 ha. Qua vụ Đông Xuân năm mở đường, AgriDrone đã phun thử nghiệm lên đến 1,400 ha. Một con số khởi đầu khó tin. Họ đã vui mừng khi giúp được những người nông dân thoát được cảnh phun thuốc trong làn thuốc dày đặc, bảo vệ được phần nào sức khỏe của họ.
Từ đó trở về sau, AgriDrone hay bà con nông dân, những người tiếp xúc và đã tin về tính hiệu nghiệm của máy bay phun thuốc, đã lấy vụ Đông Xuân làm kiểm chứng. Kiểm chứng về tỷ lệ thất thoát thuốc khi phun xuống ruộng, tỷ lệ lợi nhuận khi phun với máy bay so với thuê nhân công phun tay. Điển hình, đã có 1 nông dân có 20 ha ruộng sau mùa phun thử nghiệm với máy bay phun thuốc đã tiết kiệm lại được khoảng 18 – 25 triệu so với khi phun bình thủ công. Hiệu quả thì rất tốt vì dập được dịch bệnh nhanh chóng, bởi Đông Xuân là vụ có mùa dịch nhiều nhất trong các mùa lúa quanh năm.
Tin tưởng hoàn toàn vào máy bay phun thuốc là kết quả mà AgriDrone nhận lại được lúc bấy giờ sau sự kiên trì đưa công nghệ về với nông nghiệp. "Bây giờ bà con chỉ có gọi phun thôi, chứ không có thắc mắc về hiệu quả hay hỏi thêm về vấn đề nào nữa." Ông Lâm Thanh Tú, trưởng một trạm phun dịch vụ khu vực miền Tây, chia sẻ.
Đặc biệt, Thiên Vũ nhấn mạnh thêm rằng: "Vào thời điểm đó, những cánh đồng nhỏ lẻ, 5 công, 7 công hay 1 ha mình cũng phải phun hết. Cứ có người kêu là phun, phun miễn phí, phun thử nghiệm. Đến giai đoạn qua một vụ, khi người nông dân thấy hiệu quả rõ rệt. Mọi thứ mới lan tỏa từ từ."
Tính đến năm 2020, AgriDrone không chỉ đưa máy bay không người lái đến các vùng nông nghiệp lớn ở Khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, mà còn xây dựng các trung tâm đào tạo, bán hàng, dịch vụ và cơ sở thử nghiệm ở hơn 29 tỉnh thành như Long An, Đồng Tháp, Kiên Giang, An Giang, Sóc Trăng, Huế... Đồng nghĩa với việc, tại 29 vùng làm nông khắp Việt Nam, AgriDrone sẽ giúp cho bà con nơi đây thoát được cảnh độc hại của thuốc bảo vệ thực vật. Sự xuất hiện của máy bay nông nghiệp thông minh và tự động đã giải quyết chính xác và hiệu quả những khó khăn của việc sử dụng thuốc trừ sâu thủ công, đồng thời mang lại những khả năng mới cho sự phát triển của nông nghiệp chính xác ở Việt Nam.
CEO Thiên Vũ nói rằng anh phải tham gia với một thái độ khiêm tốn vì anh là một người thuần về kỹ thuật, không biết gì về nông nghiệp. Do đó, anh đã tập trung nghiên cứu nhu cầu máy bay phun thuốc trong nông nghiệp. Để làm sao mỗi người làm nông đều sẽ không còn cảnh đi sau những làn phun thuốc bảo vệ thực vật.
Điều đó đã trở thành hiện thực khi Thiên Vũ đang dần được bà con yêu mến khi đưa được giải pháp làm nông an toàn và có cả lợi nhuận.
AgriDrone đã cùng nông dân làm việc cùng nhau trên các cánh đồng để tìm cách tối ưu công thức thuốc, phun trên các loại cây trồng khác nhau, thử nghiệm thành công máy bay bón phân và rải hạt trên cây trồng.