"ĐT Việt Nam không kém cạnh gì Trung Quốc, nhưng trận thua này cũng là bài học đau đớn"
Khoảnh khắc Tiến Linh gỡ hòa 2-2 cho tuyển Việt Nam ở phút 90, các CĐV có lẽ tin rằng chúng ta sẽ giành điểm. Tuy nhiên bi kịch lại xảy đến đúng vào phút đá bù giờ cuối cùng.
- 08-10-2021Thống kê sau thất bại đáng tiếc của ĐT Việt Nam: Hoàng Đức và màn trình diễn kinh ngạc
- 03-07-2021Mong ĐT Việt Nam được đá vòng loại World Cup trên sân nhà, VFF đề xuất cơ chế đặc biệt
- 02-07-2021"Nếu được đá ở Mỹ Đình, không chỉ Trung Quốc, Oman mà cả Nhật, Úc cũng gặp khó với ĐT Việt Nam"
TUYỂN VIỆT NAM ĐÃ CHƠI SÒNG PHẲNG VỚI TRUNG QUỐC
"Đây là trận đấu mà tôi rất tiếc. Cả tôi và mọi người đều dự đoán ít nhất chúng ta sẽ có được một trận hòa, nhưng đáng tiếc rằng sự sơ sẩy ở những phút cuối cùng đã khiến tuyển Việt Nam thua trận", chuyên gia Vũ Mạnh Hải mở đầu cuộc trao đổi với chúng tôi.
Ông nói tiếp: "Điều này thể hiện rằng bản lĩnh trận mạc của các tuyển thủ Việt Nam trong trận đấu này vẫn chưa tương xứng với nỗ lực của họ. Nếu họ thận trọng hơn ở những phút cuối thì đối thủ không thể có cơ hội như vậy được.
Bàn thua không từ việc bị phản công, đối phương có quân số nhiều hơn ta, mà tình huống để thua lại giống y hệt lần thủng lưới trước đó. Chúng ta đã thiếu tỉnh táo ở những phút cuối cùng, dường như thỏa mãn sau bàn thắng 2-2 và thiếu đi sự thận trọng cần thiết.
Nhưng dù sao tôi cho rằng đây vẫn là một trận đấu đáng khen của tuyển Việt Nam. Các cầu thủ đã chơi một cách sòng phẳng với Trung Quốc , không kém cạnh gì cả. Đó là sự tiến bộ rất lớn vì bao nhiêu năm nay tuyển Trung Quốc đều hơn Việt Nam. Chúng ta chưa bao giờ thắng được đội bóng này cả, thậm chí còn thua đậm.
Bởi thế trận đấu này cho thấy sự tiến bộ của tuyển Việt Nam. Các cầu thủ chơi đầy đáng khen. Thực sự rất đáng tiếc khi ở những phút cuối, chúng ta thiếu một cầu thủ đủ bản lĩnh để chỉ huy các đồng đội giữ được sự thận trọng cần thiết. Chỉ còn ít phút nữa thôi mà lại để đối phương lên một đường bóng và ghi bàn theo cách na ná tình huống trước đó chúng ta từng để thua. Đây là trận đấu khiến tuyển Việt Nam rút ra những một bài học đắt giá và đau đớn".
Wu Lei (giữa) khiến hàng thủ Việt Nam gặp rất nhiều khó khăn.
Ở trận đấu này, HLV Park Hang-seo đã rút Tiến Dũng ra sân và đưa vào Thanh Bình ở phút 72. Khi đó, tuyển Việt Nam đang bị dẫn 1-0. Chỉ 3 phút sau khi có mặt trên sân, Thanh Bình liên tiếp để Wu Lei có 2 pha thoát xuống đánh đầu cận thành. Và một trong số đó đã trở thành bàn thắng.
Đến phút 90 5, thêm một lần nữa trung vệ sinh năm 2000 không thể theo kèm Wu Lei và tuyển Trung Quốc đã có được bàn thắng ấn định tỉ số 3-2.
Tuy vậy, chuyên gia Vũ Mạnh Hải cho rằng không nên đổ hết trách nhiệm cho Thanh Bình hay việc thay người của HLV Park. Ông phân tích:
"Khi đưa một cầu thủ trẻ vào sân thì rõ ràng chúng ta phải chấp nhận đánh đổi chuyện đó. Trong hoàn cảnh Văn Thanh và nhiều cầu thủ khác đều mệt mỏi khi phải hoạt động quá nhiều thì việc đưa Thanh Bình vào là phương án có thể hiểu được.
Và tôi cho rằng sai lầm trong bàn thua cũng chẳng phải của riêng Thanh Bình mà cả hàng thủ đều có lỗi. Nếu tuyển Việt Nam thận trọng rút về, kèm người sát sao, chỉ đạo tuyến trên áp sát để đối phương không có cơ hột tạt bóng thì tình huống đó cũng không xảy ra. Vì vậy tôi cho rằng không nên trách Thanh Bình".
Trận gặp Trung Quốc mới là lần thứ hai Thanh Bình được ra sân trong màu áo tuyển Việt Nam.
CÔNG PHƯỢNG VÀ SỰ KHÁC BIỆT KHI TUYỂN VIỆT NAM CHỦ ĐỘNG CHƠI TẤN CÔNG
Ở trận đấu này, phải tới phút 84 Công Phượng mới được HLV Park Hang-seo tung vào sân. Dù chỉ có ít phút để thể hiện nhưng tiền đạo này cũng mang tới những sự đột biến nhất định cho hàng công tuyển Việt Nam.
"Từ khi Công Phượng vào sân, thế trận của tuyển Việt Nam đã khác đi rất nhiều. Các cầu thủ chơi ăn ý hơn, có nhiều người để phối hợp hơn. Nhờ thế mà thế trận tấn công của đội cũng trở nên sắc sảo hơn. Tuyển Việt Nam khi ấy chơi hợp lý hơn với phong cách của chúng ta, chơi ngắn, nhỏ, ban bật tốt.
Ví dụ như bàn thắng của Tiến Linh chính là tình huống mang dấu ấn đậm nét của lối đá này. Các cầu thủ phối hợp trong không gian hẹp với những đường chuyền ngắn và đã mang lại hiệu quả. Cũng hơi tiếc là Công Phượng vào sân khá muộn, chỉ có mặt trên sân được hơn 10 phút", chuyên gia Vũ Mạnh Hải nhận xét.
HLV Park Hang-seo liệu có nên trao nhiều cơ hội hơn cho Công Phượng?
Cũng theo đánh giá của cựu danh thủ Thể Công, tuyển Việt Nam đã chơi rất hay khi chủ động dồn lực lượng lên tấn công. Ông nói:
"Sau khi thua 0-2, tưởng như chúng ta sẽ trắng tay trước Trung Quốc nhưng các cầu thủ Việt Nam đã kiên cường để gỡ lại 2 bàn. Đó là sự nỗ lực rất lớn và chính là ý chí, tinh thần của người Việt Nam. Đội tuyển của chúng ta thua nhưng không bỏ cuộc, nỗ lực chiến đấu dù thời gian đã gần về cuối. Thực sự đáng khen.
Và phải nói rằng trong những phút cuối hiệp 2, tuyển Việt Nam chơi hay hơn hẳn so với Trung Quốc, dồn ép được đối thủ. Thậm chí lúc đội gỡ hòa 2-2, tôi còn nghĨ chúng ta có thể giành được chiến thắng.
Điều quan trọng nằm ở việc đội đã có được sự tự tin để tạo nên được một kết quả khả quan. Tuy nhiên rất đáng tiếc mọi thứ lại mất đi ở phút cuối. Tôi nghĩ đó là vấn đề bản lĩnh. Các cầu thủ cần thi đấu thêm nhiều để tích lũy bản lĩnh, đồng thời có sự chỉ đạo sắc sảo từ HLV để thành công".
Tiến Linh và đồng đội ăn mừng bàn gỡ hòa 2-2.
Phân tích kỹ hơn về điều này, chuyên gia Vũ Mạnh Hải cho rằng: "Trong 10 năm trở lại đây, bóng đá Trung Quốc đang trên xuống dốc. Ở đội tuyển này không có ai đạt được tầm cỡ ngôi sao kiểu như Son Heung-min của Hàn Quốc hay Minamino của Nhật Bản. Trong trận đấu này, kỹ thuật và chiến thuật của tuyển Trung Quốc cũng không hề hơn Việt Nam.
Vì thế tôi nghĩ khoảng cách giữa bóng đá Việt Nam và Trung Quốc đã được rút ngắn rất nhiều. Hai đội gặp nhau là 5 ăn 5 thua thôi. Trận thua này đến từ sai lầm đáng tiếc thôi.
Trận đấu này tuyển Việt Nam thua bởi sự thiếu tỉnh táo ở những giây phút cuối cùng. Điều này cần phải có một cầu thủ bản lĩnh trận mạc, có kinh nghiệm để chỉ bảo đồng đội phải cẩn trọng như thế nào sau khi chúng ta gỡ hòa được 2-2. Đội bạn dẫn 2-0 rồi bị gỡ lại thì đương nhiên sau đó họ phải dồn lên, không còn con đường nào khác ngoài việc dâng lên tấn công.
Tuy nhiên chúng ta lại "say đòn", cũng dâng lên tấn công, không về kịp, tạo nên một thế trận mà đối phương có thể tấn công với quân số đông không kém cầu thủ phòng ngự của Việt Nam. Khi đường bóng tạt vào thì không ai biết phải kèm ai, Tấn Trường cũng không biết phải ra vào thế nào".
Duy Mạnh và nhiều đồng đội không giấu được sự thất vọng bởi bàn thua phút cuối.
Ông nói tiếp: "Rõ ràng việc gỡ được 2-2 là tốt, nhưng nếu muốn thắng lợi thì chúng ta phải chắc chắn chứ không thể nào phiêu lưu. Tôi cảm giác như có vẻ các cầu thủ có tâm lý thỏa mãn sau bàn gỡ hòa, nghĩ rằng có thể thắng được nữa. Điều này phải cân bằng giữa sự quyết tâm, tự tin, nỗ lực và thấy được năng lực của mình đã đến giới hạn rồi
Tuy nhiên nói gì thì nói, tôi vẫn cho rằng đây là một trận đấu đáng khen. Tuyển Việt Nam chơi tốt, đá sòng phẳng với Trung Quốc. Chúng ta không phòng ngự phản công mà chơi sòng phẳng từ đầu đến cuối, không hề phải đá kiểu phòng ngự chịu trận. Thậm chí tuyển Việt Nam còn sút nhiều hơn.
Dù vậy cũng phải nói rằng ở hiệp 1, hàng tiền đạo của chúng ta chơi thiếu hiệu quả, dường như dứt điểm chỉ để kết thúc pha bóng vì không biết phải chuyền cho ai.
Khi không có những cá nhân như Công Phượng, Đức Chinh, đội tuyển Việt Nam gặp không ít khó khăn khi tấn công và tôi cho rằng đây là điều HLV Park Hang-seo cũng cần xem xét lại. Trận đấu này thực sự là bài học đắt giá cho tuyển Việt Nam", chuyên gia Vũ Mạnh Hải kết lại.
Pháp luật và bạn đọc