Dự án 6.000 tỷ liên doanh với Trung Quốc: Đàm phán sửa lại hợp đồng
Dự án khai thác mỏ sắt Quý Xa và nhà máy gang thép Lào Cai liên doanh với Trung Quốc thua lỗ hơn 1.000 tỷ. Đây là 1 trong 12 dự án thua lỗ lớn của ngành công thương.
- 24-02-2017Tới tháng 6/2018 phải xử lý xong dự án thua lỗ kéo dài, trình đề án lập Siêu uỷ ban trong quý 1
- 10-02-2017Xử lý 12 dự án thua lỗ hàng nghìn tỉ đồng: Không thể để thất thoát tài sản quốc gia!
- 18-01-2017Bộ Công Thương nan giải “cứu” các dự án thua lỗ
Mới đây, Văn phòng Chính phủ đã có văn bản truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng liên quan đến các khó khăn, vướng mắc tại Dự án khai thác mỏ sắt Quý Xa và nhà máy gang thép Lào Cai liên doanh với Trung Quốc. Đây là 1 trong 12 dự án thua lỗ ngành công thương .
Tại văn bản này, Văn phòng Chính phủ cho hay Phó Thủ tướng đã giao Bộ Công Thương phối hợp với các bộ ngành liên quan chỉ đạo các bên liên doanh đàm phán và sửa đổi lại Hợp đồng liên doanh phù hợp với Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp hiện hành. Trong đó, có tính đến việc bổ sung các cổ đông có năng lực, đồng thời chỉ đạo các cổ đông của VTM góp vốn để đầu tư hoàn chỉnh dự án trong Quý II/2017.
Dự án nhà máy gang thép Lào Cai. Ảnh: L.Bằng
Trong Hợp đồng liên doanh với Trung Quốc tại dự án này đang có những yếu tố gây khó khăn cho hoạt động điều hành sản xuất kinh doanh.
Cụ thể, Công ty TNHH Khoáng sản và Luyện kim Việt - Trung (VTM) được thành lập năm 2006, là công ty liên doanh giữa Tổng Công ty Thép Việt Nam, Công ty Khoáng sản Lào Cai và Công ty TNHH Khống chế cổ phần Gang thép Côn Minh, Trung Quốc.
Phía Việt Nam chiếm đa số vốn với 55,7 triệu USD, phía Trung Quốc góp 45% (45,5 triệu USD), còn lại là vốn vay ngân hàng. Dự án có 2 hợp phần gồm Dự án khai thác mỏ sắt Quý Xa và Dự án nhà máy gang thép Lào Cai.
Lãnh đạo Tổng công ty Thép Việt Nam (VNsteel) - đơn vị đã rót gần 1.000 tỷ vào liên doanh này cho hay, điều lệ của Công ty TNHH Khoáng sản và Luyện Kim Việt Trung có nêu: Các khoản đầu tư nội bộ có giá trị lớn hơn 100.000 USD đều phải theo cơ chế đồng thuận thay vì cơ chế tỷ lệ cổ đông, có nghĩa Hội đồng quản trị công ty muốn làm gì thì phải được toàn bộ thành viên hội đồng quản trị chấp thuận.
Cho nên, dù đóng góp nhiều vốn hơn (Việt Nam 55%, Trung Quốc 45%), số thành viên HĐQT nhiều hơn (Việt Nam 4, Trung Quốc 3) nhưng phía Việt Nam không được toàn quyền tự quyết hoạt động của công ty mà phụ thuộc vào việc cổ đông phía Trung Quốc đồng ý hay không.
Theo báo cáo của VTM, ngay sau khi đi vào hoạt động, tháng 12/2014, VTM đã lỗ 91 tỷ đồng. Năm 2015 và năm 2016, do tiếp tục chịu ảnh hưởng của thị trường thép Trung Quốc nên VTM phải bán phôi thép theo giá thị trường ở mức thấp hơn giá thành, quặng sắt Quý Xa không tiêu thụ được theo kế hoạch, dẫn đến lỗ lũy kế đến hết năm tài chính 2016 lên tới 1.077 tỷ đồng.
Trao đổi với phóng viên, một lãnh đạo của Tổng công ty Thép Việt Nam cho hay, theo báo cáo nghiên cứu khả thi 2 năm đầu dự án được lỗ 550 tỷ nhưng giờ lỗ hơn 1.000 tỷ. Như vậy, tới thời điểm hiện tại, VTM đã lỗ vượt kế hoạch là 522 tỷ đồng.
Ông Bùi Thanh Bình, Tổng giám đốc Công ty TNHH Khoáng sản và Luyện kim Việt Trung (VTM) cho biết tình hình nhà máy đang tốt dần lên. Nhà máy đang hoạt động 100% công suất, sản phẩm tiêu thụ tốt. Đến 2020 nhà máy có thể hết lỗ lũy kế.
Vietnamnet