Dự án bê bết hồi sinh
Các dự án sản xuất đạm, khai thác quặng sắt đã bắt đầu có chuyển biến theo hướng "sáng sủa" hơn.
Kết thúc năm 2017, việc triển khai Đề án xử lý các tồn tại, yếu kém tại một số dự án, doanh nghiệp chậm tiến độ, kém hiệu quả của ngành công thương (gọi tắt là Đề án) đã đạt được mục tiêu đề ra.
Trả hết nợ, giảm lỗ
Đối với nhóm dự án thuộc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), nhiều đơn vị đã chuẩn bị tích cực cho công tác vận hành trở lại. Chẳng hạn, với dự án Nhà máy Sản xuất nhiên liệu sinh học Quảng Ngãi, theo báo cáo mới nhất, chủ đầu tư là Công ty CP Nhiên liệu sinh học dầu khí miền Trung (BSR-BF) và các cổ đông đang hoàn thiện hợp đồng hợp tác kinh doanh với Công ty CP Xuất nhập khẩu tạp phẩm (Tocontap) để triển khai các công việc chuẩn bị khởi động vận hành lại nhà máy trong quý I/2018.
Công ty CP TNHH Nhiên liệu sinh học Phương Đông (OBF) - chủ đầu tư dự án Sản xuất nhiên liệu sinh học Bình Phước - cũng đang chuẩn bị cho việc khởi động lại nhà máy và dự kiến ngày 15-3 sẽ vận hành. "Về việc chuyển nhượng hoặc thoái vốn của PVOil (Tổng Công ty Dầu Việt Nam) khỏi dự án, hiện đã dự thảo sơ bộ chứng thư thẩm định giá và phương án thoái vốn. PVOil sẽ tiếp tục triển khai thực hiện sau khi nhà máy vận hành lại ổn định một thời gian và giá trị doanh nghiệp tăng lên" - báo cáo của Ban Chỉ đạo Đề án nêu rõ.
Một trong những dự án được cho là "thảm hại" nhất là dự án Nhà máy Sản xuất xơ sợi polyester Đình Vũ dù hiện trạng hết sức khó khăn nhưng công ty đang lên phương án tự vận hành phân xưởng DTY và dự kiến sẽ khởi động lại một phần phân xưởng này trong 6 tháng, kể từ ngày 20-3. Mục đích là để tạo tiền đề cho việc khôi phục vận hành sản xuất - kinh doanh nhà máy khi chọn được đối tác hợp tác vận hành toàn nhà máy.
Khởi sắc nhất là nhóm dự án sản xuất đạm thuộc Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem), điển hình là Nhà máy Đạm Ninh Bình. Ông Vũ Văn Nhẫn, giám đốc nhà máy, cho biết đơn vị đã tổ chức chạy lại máy sản xuất - kinh doanh đợt 1 từ ngày 19-1 đến 18-4-2017 và thành quả là đã tạo được dòng tiền luân chuyển, trả hết nợ đến hạn tại ngân hàng và hoàn trả đúng hạn cho Vinachem.
"Giá bán urê bình quân xấp xỉ 6 triệu đồng/tấn, cao hơn chi phí biến đổi bình quân (xấp xỉ 5,8 triệu đồng/tấn). Việc chạy máy trở lại đã làm giảm lỗ gần 270 tỉ đồng so với phương án ngừng máy" - ông Nhẫn thông tin.
Đặc biệt, dự án Khai thác và tuyển quặng sắt mỏ Quý Xa và dự án Nhà máy Gang thép Lào Cai đã hoàn thành sửa đổi hợp đồng liên doanh, điều lệ liên doanh. Dự án mỏ Quý Xa đã khai thác đạt 82% công suất, tiêu thụ được 2,58 triệu tấn quặng, có lãi hơn 423 tỉ đồng. Phấn đấu năm 2018, tổ chức khai thác và sản xuất phôi đều đạt 100% công suất thiết kế.
Thời điểm này, Nhà máy Đạm Ninh Bình đã có nhiều khởi sắc khi giảm lỗ hơn 270 tỉ đồng và trả được nợ ngân hàng Ảnh: HOÀI DƯƠNG
Còn nhiều việc phải làm
Ban Chỉ đạo Đề án cho biết tuy việc triển khai đề án bước đầu đạt được mục tiêu đề ra song vẫn còn nhiều nhiệm vụ phải làm để đạt được mục tiêu năm 2018 là sẽ xử lý căn bản các tồn tại, yếu kém của 12 đại dự án của ngành công thương.
Thay mặt Chính phủ, Ban Chỉ đạo giao nhiệm vụ cho PVN tiếp tục xử lý tranh chấp phát sinh với nhà thầu dự án Nhà máy Sản xuất xơ sợi polyester Đình Vũ là Công ty Xây dựng Hyundai của Hàn Quốc tại Trung tâm Trọng tài quốc tế và hoàn thành công tác thanh - quyết toán dự án. Ngoài ra, PVN phải thống nhất với các cổ đông và đối tác hợp tác về bố trí kinh phí để khởi động lại nhà máy; xây dựng kế hoạch và tổ chức công tác định giá tài sản để thực hiện phương án chuyển đổi sở hữu công ty.
PVN cũng phải "tăng tốc" xây dựng phương án thoái vốn khỏi dự án Nhà máy Nhiên liệu sinh học Phú Thọ và tiến hành đàm phán với các cổ đông khác hoặc tìm kiếm đối tác để chuyển nhượng. Cùng với đó, tìm kiếm đối tác hợp tác đầu tư hoàn thành dự án, đưa nhà máy vào sản xuất - kinh doanh trong trường hợp chưa thoái vốn được.
Trong khi đó, Tổng Công ty Thép Việt Nam (VNSteel) được giao nhiệm vụ tổ chức khai thác mỏ sắt Quý Xa đạt 100% công suất thiết kế là 3 triệu tấn/năm, phấn đấu tiêu thụ khoảng 2 triệu tấn/năm.
Với Nhà máy Đạm Ninh Bình, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết lãnh đạo bộ, lãnh đạo Vinachem đã làm việc cùng Tập đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) để ứng trước 40.000 tấn than giúp cho dự án. "Trong năm 2018, bộ và tập đoàn cũng sẽ tiếp tục gỡ dần bài toán về vốn, về công nghệ giúp nhà máy từng bước ổn định sản xuất" - Thứ trưởng Hải khẳng định.
Tuy nhiên, lãnh đạo Bộ Công Thương cũng lưu ý Nhà máy Đạm Ninh Bình chủ động xây dựng, phát triển thị trường đủ mạnh để giữ thị phần, phát triển thương hiệu, mở rộng và liên kết trong hệ thống phân phối; nghiên cứu chính sách về thuế để phòng vệ thương mại…
Không dùng tiền ngân sách cứu dự án!
Đây là quan điểm xuyên suốt quá trình giải quyết hậu quả của 12 dự án bê bết thuộc ngành công thương tiếp tục được Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nhấn mạnh lại trong buổi làm việc về các dự án này mới đây.
Tại buổi làm việc, Chủ tịch PVN Trần Sỹ Thanh cho rằng không dùng tiền ngân sách, kể cả tiền của PVN, để cứu các nhà máy thì sẽ khó. Vị chủ tịch đề nghị Ban Chỉ đạo Đề án cho phép PVN được dùng tiền của tập đoàn với tư cách là các nhà đầu tư để chi trả hoạt động của các nhà máy với thời gian thu hồi vốn được xác định rõ.
Tuy nhiên, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ khẳng định nguồn lực từ ngân sách, tín dụng nhà nước sẽ không có để cứu các dự án, nhà máy yếu kém này. Song, riêng với đề nghị của Chủ tịch PVN, Phó Thủ tướng cũng mở "cánh cửa" cho đơn vị này bằng cách yêu cầu Bộ Công Thương đề xuất tới Thường trực Chính phủ xem xét, làm rõ quy định việc đầu tư, kinh doanh vốn nhà nước tại doanh nghiệp.
Đặc biệt, Chính phủ yêu cầu Bộ Công an làm rõ các sai phạm, xem xét xử lý theo quy định của pháp luật đối với dự án Nhà máy Sản xuất nhiên liệu Phú Thọ, Nhà máy Sản xuất nhiên liệu sinh học Quảng Ngãi.
Người lao động