MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Dự án cảng Long Bình hơn 5 năm ‘giậm chân tại chỗ’ vẫn chưa biết ngày thực hiện

11-08-2021 - 07:45 AM | Bất động sản

Dự án cảng Long Bình hơn 5 năm ‘giậm chân tại chỗ’ vẫn chưa biết ngày thực hiện

Sau hơn 5 năm thực hiện, dự án xây dựng cảng Long Bình vẫn đang “giậm chân tại chỗ”, chờ phê duyệt đồ án quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2.000, cũng như thực hiện các bước thủ tục lựa chọn nhà đầu tư, còn ngày thi công dự án thì đến nay vẫn là một ẩn số.

Cảng Trường Thọ quá tải

Cụm cảng Trường Thọ nằm trên địa bàn quận Thủ Đức cũ (nay là TP. Thủ Đức), có diện tích 63ha. Thời gian qua, cụm cảng này đã quá tải năng lực bốc dỡ hàng hóa, do lượng xe đầu kéo ra vào đây liên tục, gây ùn tắc và mất an toàn giao thông nghiêm trọng.

Đặc biệt, ở thời điểm hiện tại, dù bị ảnh hưởng của dịch COVID-19 nhưng, hàng loạt lượt xe container vẫn không ngừng hoạt động, liên tục nối đuôi nhau từng hàng dài ra vào cảng Trường Thọ để giao nhận hàng.

Theo Sở GTVT TP.HCM, trong giai đoạn bình thường, mỗi ngày/đêm có khoảng 2.000 - 2.500 lượt xe ra vào cảng Trường Thọ khi giờ cao điểm, dọc xa lộ Hà Nội, ngã tư Bình Thái, ngã tư MK, đường số 1 và số 2 luôn có rất nhiều xe tải, xe container lưu thông, gây kẹt cứng do phải xếp hàng dài để chờ ra vào cảng.

Dự án cảng Long Bình hơn 5 năm ‘giậm chân tại chỗ’ vẫn chưa biết ngày thực hiện - Ảnh 1.

Cụm cảng Trường Thọ có diện tích hơn 63 ha với 3 mặt giáp sông Sài Gòn. Cụm này bao gồm 6 cảng nhỏ như: Phước Long, Phước Long 3, Transimex, Phúc Long, Sotrans... và một số nhà máy thép, trộn bê tông. Ảnh: cungcau.vn

 

Việc sản lượng hàng hóa tại cảng Trường Thọ liên tục tăng trong những năm gần đây (khoảng 15 triệu tấn/năm) là một trong những nguyên nhân chính khiến lượng xe ra vào cảng ngày càng lớn, trong khi công suất hoạt động của cảng đã vượt quá mức quy đến năm 2020.

Mặt khác, theo định hướng quy hoạch xây dựng khu đô thị phía Đông TP.HCM, phường Trường Thọ sẽ là trung tâm của TP. Thủ Đức. Do đó, việc tồn tại một cảng hàng hóa lớn như vậy là không phù hợp, nên UBND TP.HCM đã yêu cầu TP. Thủ Đức khẩn trương xúc tiến thủ tục đầu tư xây dựng khu đô thị Trường Thọ và để thực hiện nhiệm vụ này, TP. Thủ Đức cần khẩn trương di dời cảng Trường Thọ hiện hữu.

Hơn 5 năm “giậm chân tại chỗ”

Trước thực trạng quá tải của cảng Trường Thọ, từ năm 2015, trên cơ sở đề xuất dự án Xây dựng cụm cảng trung chuyển - ICD mới tại phường Long Bình, quận 9 (nay là TP. Thủ Đức) để di dời Khu cảng Trường Thọ theo hình thức BT của liên danh Công ty CP Đức Khải - Công ty CP Địa ốc Tân Hoàng - Công ty CP Địa ốc Tam Bình, UBND TP.HCM đã có công văn số 7633 đề xuất Thủ tướng Chính phủ xem xét, chấp thuận Chủ trương đầu tư dự án.

Ngay sau khi nhận được chấp thuận của Thủ Tướng Chính Phủ tại văn bản số 211 do Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải ký ngày 3/2/2016, đến đầu tháng 1/2017, UBND TP.HCM đã ban hành Quyết định số 05/QĐ-UBND duyệt Đề xuất dự án Xây dựng cụm cảng trung chuyển - ICD mới tại phường Long Bình, quận 9 theo hình thức PPP (Hợp đồng BT).

Mục tiêu dự án nhằm phục vụ việc di dời các đơn vị, doanh nghiệp đang hoạt động tại khu vực cảng Trường Thọ, quận Thủ Đức nhằm giải quyết tình trạng ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường trong nội đô, cũng như thực hiện chủ trương chỉnh trang và phát triển đô thị của TP.HCM giai đoạn 2015-2020.

Theo đó, quy mô đầu tư về bến cảng sẽ có số lượng 12 bến cảng, với chiều 126m, chiều rộng 25m, chiều sâu trước bến là 7,7 m, bề rộng khu nước 60m, đường kính khu quay trở 450m và tổng chiều dài bến là 1.200m.

Còn về kho – bãi, trong đó, diện tích kho cần thiết là 29.965 m2, diện tích bãi container cần thiết là 282.825 m2. Ngoài ra còn có các công trình phụ trợ khác như hệ thống văn phòng, nhà điều hành, hệ thống an ninh, phòng cháy chữa cháy, cứu hộ cứu nạn, cấp thoát nước, trạm cân, điện và thông tin liên lạc.

Địa điểm xây dựng dự án tại phường Long Bình, quận 9, TP.HCM trên diện tích khu đất dự kiến là 62,2531 ha, với tổng vốn đầu tư khoảng 5.800 tỷ đồng. Thời gian thực hiện dự án ban đầu dự kiến từ năm 2016-2019.

Dự án cảng Long Bình hơn 5 năm ‘giậm chân tại chỗ’ vẫn chưa biết ngày thực hiện - Ảnh 2.

Hiện khu vực xây dựng cảng Long Bình vẫn chỉ là bãi đất trống, chưa có dấu hiệu giải phóng mặt bằng. Ảnh: LT

 Tuy nhiên, sau nhiều lần lùi thời gian di dời cảng Trường Thọ, thì dự án cảng Long Bình cũng theo đó “giậm chân tại chỗ” và đến nay vẫn chỉ dừng lại ở bước chờ phê duyệt đồ án quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2.000 tại khu vực có liên quan đến dự án, cũng như thực hiện các bước thủ tục lựa chọn nhà đầu tư theo đúng quy định.

Trước đó, dự án được giao cho liên danh Công ty CP Đức Khải - Công ty CP Địa ốc Tân Hoàng - Công ty CP Địa ốc Tam Bình thực hiện theo hình thức hợp đồng BT, liên đến năng lực của chủ đầu tư dự án, trước đó Nhadautu.vn đã có bài viết Dự án cảng ICD Long Bình 'trễ hẹn' đến bao giờ? đề cập đến vấn đề này.

Quay trở lại với việc khi nào dự án được xây dựng, lần gần đây nhất, phía Sở GTVT TP.HCM tiếp tục kiến nghị với UBND TP.HCM cho phép kéo dài thời gian hoạt động của các cảng thủy nội địa khu Trường Thọ đến năm 2022 để chờ cụm cảng Long Bình hoàn thiện, trong khi việc thực hiện khởi công dự án lại không được đề cập.

Có thể thấy, trong bối cảnh hiện nay, trước ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 khiến mọi hoạt động phải dừng lại, do đó, dự án có thể thực hiện hay không còn phụ thuộc vào việc kiểm soát dịch bệnh, cũng như tháo gỡ những khó khăn về cơ chế, chính sách trong thời gian qua đang bị vướng thì khi đó dự án mới có thể triển khai, tuy nhiên, móc thời gian cụ thể hiện vẫn là một “ẩn số”.

"Trước mắt cần hoàn thiện hạ tầng giao thông"

Trao đổi với Nhadautu.vn , Kiến Trúc sư (KTS) Ngô Viết Nam Sơn cho rằng, bất cập lớn nhất hiện nay không chỉ ở cảng Trường Thọ mà còn các cảng khác trên địa bàn TP.HCM như cảng Cát Lái, Sài Gòn,… là hạ tầng giao thông đường bộ chưa đảm bảo, dẫn đến ách tắc cục bộ khi các xe container ra vào các cảng.


photo-2

Trong tương lai có dời cảng Trường Thọ hay không thì việc nâng cấp, phát triển hệ thống giao thông ra, vào cảng là điểm mà TP.HCM cần lưu ý.

KTS. Ngô Viết Nam Sơn

“Nếu cơ sở hạ tầng giao thông được xây dựng đồng bộ kết nối tốt hơn, thì việc chưa thể dời cảng Trường Thọ trước mắt sẽ giúp giảm nhẹ được tình trạng ách tắc các xe container đan xen với xe cá nhân trên một trục lộ rất quan trọng là xa lộ Hà Nội, mặt khác, sau khi di dời rồi phát triển khu đô thị tại khu vực này cũng sẽ trở nên dễ dàng hơn”, KTS. Ngô Viết Nam Sơn lý giải.

Trong khi đó, nói về nguyên nhân khiến dự án cảng Long Bình chậm triển khai trong thời gian qua, vị KTS này cho rằng, lý do chính vẫn là nguồn vốn để thực hiện dự án, vì không có vốn thì không thể giải phóng mặt bằng, không thể đầu tư hạ tầng, nên đây là nút thắt cần phải tháo gỡ đầu tiên.

Thứ hai là do ảnh hưởng của dịch COVID-19 từ thời điểm năm 2020 đến nay, khiến nhiều dự án chưa thể thi công, tuy nhiên đây chỉ là yếu tố khách quan, tác động rất nhỏ đến các dự án. Còn vấn đề quan trọng vẫn là những quyết sách của thành phố như, hoàn tất các quy hoạch sớm, giải quyết các thủ tục hành chính, lựa chọn nhà đầu tư đủ năng lực để đẩy nhanh tiến độ dự án,…

“Tóm lại, để đẩy nhanh tiến độ, cũng như phát triển cảng Long Bình trong tương lai, theo tôi TP.HCM nên đặt việc phát triển cảng nằm trong tổng thể quy hoạch logistics của vùng đô thị thành phố, trong đó TP.HCM là trung tâm. Bên cạnh đó, hệ thống cảng trên địa bàn thành phố phải đảm bảo sự phối hợp, kết nối qua lại với nhau thông quan mạng lưới giao thông. Đặc biệt, đối với vị trí cảng Long Bình mới cần phải được quy hoạch bài bản và có sự tương quan trong quy hoạch logistics chung. Một mặt đảm bảo được việc vận chuyển hàng hóa nhanh chóng, an toàn, một mặt cần tách biệt với vận tải dân dụng để an toàn cho người dân tránh tình trạng ách tắc, ùn ứ,...”, KTS Ngô Viết Nam Sơn nói.

Theo Lý Tuấn

Nhà đầu tư

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên