Dự án cao tốc Bắc - Nam: Cơ hội nào cho nhà đầu tư nội?
Về dự án xây dựng cao tốc Bắc - Nam, TS. Trần Đình Thiên nhìn nhận: "Nếu Chính phủ đủ lòng tin cộng thêm sự hỗ trợ thì doanh nghiệp tư nhân Việt Nam hoàn toàn có thể làm được".
- 17-05-2019Thi công cao tốc Bắc - Nam chủ yếu sẽ là nhà đầu tư nước ngoài và Trung Quốc?
- 13-05-2019Chào thầu quốc tế tìm nhà đầu tư cao tốc Bắc - Nam
- 09-05-2019Dự án đường cao tốc Bắc - Nam: Cửa hẹp cho nhà đầu tư trong nước
Như BizLIVE đưa tin, mới đây Bộ Giao thông Vận tải chính thức mời thầu 8 dự án đầu tư theo hình thức PPP trên tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 1 (2017 - 2020), bao gồm: đoạn Nghi Sơn - Diễn Châu, đoạn Mai Sơn - Quốc lộ 45, đoạn Quốc lộ 45 - Nghi Sơn, đoạn Diễn Châu - Bãi Vọt, đoạn Nha Trang - Cam Lâm, đoạn Cam Lâm - Vĩnh Hảo, đoạn Vĩnh Hảo - Phan Thiết và đoạn Phan Thiết - Dầu Giây.
Bộ Giao thông Vận tải cho biết, sơ bộ tổng mức đầu tư là 118.716 tỷ đồng phương thức đầu tư dựa theo hình thức đầu tư công và đối tác công tư (PPP).
Trao đổi với BizLIVE về dự án này, TS. Trần Đình Thiên - nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho hay: Đây là một dự án lớn đầu tư theo hình thức đối tác công tư PPP, chỉ riêng yếu tố này đã là một điều hấp dẫn.
Bởi lẽ, công thức đổi đất lấy hạ tầng thì bây giờ hạn chế rồi, trạm thu phí gần đây cũng nảy sinh rất nhiều vấn đề, thế cho nên cách tiếp cận về hình thức đầu tư các dự án cao tốc phải được tính toán rất kỹ lưỡng, điều kiện chặt chẽ, chứ không thể dễ dãi rồi làm cho xã hội bất bình và gây ảnh hưởng đến nhà đầu tư.
Vậy theo ông những điểm cần cân nhắc trong dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 1 (2017 - 2020) là gì?
Yếu tố đầu tiên là phải công khai, minh bạch, chi phí đầu tư… để tính toán thời hạn thu phí, giá phí, tần suất các phương tiện vận tải đi qua. Mặc dù, đây là chỉ là dự toán nhưng cũng cần công khai để xã hội biết, có căn cứ để thấy đây là mức độ hợp lý.
Thứ hai là, ngay lập tức phải áp dụng trạm thu phí không dừng để tăng tính minh bạch và giảm lãng phí thời gian cho người lưu thông.
Thứ ba là, phải có cách tiếp cận và chia sẻ giữa nhà nước và doanh nghiệp, bởi đối với bất kỳ doanh nghiệp nào họ cũng muốn thu hồi vốn nhanh nên sẽ muốn tăng mức phí một lần, đơn giá thu phí lên nhưng nhà nước phải có những điều kiện để đảm bảo lợi ích cho nhà đầu tư và cả lợi ích của người dân.
Tôi đề xuất nên để “trải” thời gian thu phí ra dài hơn, trong đó, nhà đầu tư thu phí trong gian đoạn đầu, nhà nước thu giai đoạn sau và nên kéo dài thời gian thu phí để giảm đơn giá thu phí nhằm đảm bảo lợi ích giữa các bên.
Nhà nước chịu thiệt, thu hồi vốn sau nhưng đạt được lợi ích phát triển xã hội.
Tuy nhiên, để đạt được phương án này thì phải đạt được thoả thuận được với cả ba phía: nhà nước, nhà đầu tư, người dân. Mặc dù không có phương án nào là tuyệt đối nhưng sẽ có phương án tối ưu.
Điểm mới của dự án lần này so với các dự án PPP trước đây là nhà nước sẽ chịu trách nhiệm về giải phóng mặt bằng cho nhà đầu tư và nhà đầu tư được phép thay đổi biện pháp thiết kế thi công để “lời ăn, lỗ chịu”, những điểm mới này sẽ mang lại lợi ích gì cho nhà đầu tư?
Tôi rất đồng tình với phương án nhà nước chịu trách nhiệm giải phóng mặt bằng, giao "mặt bằng sạch" cho nhà đầu tư.
Tuy nhiên, cam kết giải phóng mặt bằng phải đi liền với chế tài phạt nếu giải phóng mặt bằng chậm gây thiệt hại cho nhà đầu tư. Không thể đổ cho nguyên nhân khách quan và không ai đứng ra chịu trách nhiệm cả. Phải tính toán đến tất cả các điều kiện rồi mới đưa ra cam kết.
Phương án cho phép nhà đầu tư thay đổi biện pháp thiết kế thi công để “lời ăn, lỗ chịu” là phương án rất hay, nhưng ngay từ thoả thuận ban đầu phải “chốt chặt” lại để đảm bảo chất lượng đầu ra, đáp ứng các yêu cầu kỹ thuật.
Đồng thời, thoả thuận này phải đảm bảo được tính hợp lý, đúng đắn, nghiêm minh. Như vậy, nhà đầu tư sẽ có phấn đấu để thu về lợi ích cho họ khi mọi điều kiện cam kết đã rõ ràng, có thể cải tiến để nâng cao năng suất.
Để làm được việc này cần đảm bảo yếu tố đầu tiên là phải đấu thầu công khai, đồng thời có các điều khoản chặt chẽ để tránh trường hợp nhà đầu tư “làm xiếc” dự án qua mặt cơ quan giám sát.
Ngoài ra, nên có cơ chế khuyến khích người thắng. Nhà nước có thể trao giải cho các nhà đầu tư đảm bảo được chất lượng công trình, thời gian thi công, mức độ an toàn cao nhằm khuyến khích các nhà đầu tư làm ăn chân chính. Với cam kết đảm bảo về các yếu tố về chất lượng từ doanh nghiệp, nhà nước cũng nên hỗ trợ cho họ về vốn, chính sách…
Phương pháp “khuyến khích người thắng” rất có ý nghĩa khi doanh nghiệp đảm bảo chất lượng đầu ra đáp ứng các yêu cầu kỹ thuật đi liền với tiêu chuẩn đánh giá và giám sát từ nhà nước. Đặc biệt, phải có chế tài rõ ràng, cụ thể trên hợp đồng, nếu doanh nghiệp làm sai gây hại cho nhân dân, cho nhà nước thì cần phải chịu trách nhiệm. Ngược lại nếu Nhà nước làm tổn hại doanh nghiệp thì cũng phải chịu phạt.
Yêu cầu năng lực kinh nghiệm của Dự án đầu tư cao tốc Bắc - Nam là chủ đầu tư phải từng có những dự án quy mô lớn tương đương với các dự án mời thầu đợt sơ tuyển này. Trong khi từ trước đến nay, Việt Nam hiếm có dự án nào có quy mô lớn như dự án cao tốc Bắc – Nam. Như vậy, sẽ rất ít nhà đầu tư nội có thể đáp ứng điều kiện này, ông đánh giá như thế nào về vấn đề này?
Doanh nghiệp tư nhân Việt Nam có quá trình đi lên không dài, nên không có nhiều tập đoàn mạnh như nước ngoài. Cho nên cần tạo điều kiện tối đa cho nhà đầu tư Việt Nam tham gia và đưa ra các điều kiện cam kết để các nhà đầu tư trong nước có thể thực hiện được, nhất là yêu cầu về chất lượng và thời hạn.
Không phải cứ thuê nhà đầu tư nước ngoài là “ngon” cả, nhìn vào dự án đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông là một ví dụ điển hình.
Trong khi đó, nhiều tập đoàn tư nhân của Việt Nam thực hiện dự án rất tốt, như các dự án sân bay Cam Ranh, Vân Đồn.
Với điều kiện về năng lực kinh nghiệm, dù các doanh nghiệp nội khó đáp ứng nhưng khi họ đã làm dự án họ sẽ thuê chuyên gia từ nước ngoài chứ không nhất thiết đòi hỏi phải có kinh nghiệm.
Đừng nên đặt điều kiện năng lực kinh nghiệm quá khó khăn, cái gì không làm được thì đi thuê nhưng ràng buộc bằng các điều kiện rất chặt chẽ còn về vốn, thì các doanh nghiệp trong nước có thể liên doanh lại để đáp ứng yêu cầu về vốn.
Nhìn vào các quốc gia khác như Hàn Quốc chẳng hạn, từ được kinh tế tư nhân còn rất “non trẻ” họ đã dựa vào sức mạnh nội tại và đưa ra các cam kết rất nghiệt ngã để doanh nghiệp tư nhân buộc phải phát triển, đáp ứng yêu cầu cao hơn và lớn mạnh như hiện nay.
Cần đặt niềm tin vào các tập đoàn tư nhân. Tuy nhiên, không ưu đãi theo kiểu xin cho, hạ lãi suất xuống theo kiểu phi thị trường, làm méo mó thị trường mà học tập Hàn Quốc hình thành nên các doanh nghiệp tư nhân dẫn đầu nhằm phát triển cả về công nghiệp, hạ tầng, nông nghiệp…
Nếu Chính phủ đủ lòng tin cộng thêm sự hỗ trợ thì doanh nghiệp tư nhân Việt Nam hoàn toàn có thể làm được.
Xin cảm ơn ông.
BizLive