Dự án cao tốc Bến Lức - Long Thành khó thông xe vào cuối năm 2018 do vướng mặt bằng thi công
Tổng Công ty đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) cho biết: 5 gói thầu phần vốn ngân hàng ADB phía Tây thuộc dự án cao tốc Bến Lức - Long Thành tiến độ vẫn trong tầm kiểm soát. Tuy nhiên, tình trạng vướng mắc giải phóng mặt bằng (GPMB) vẫn đang là trở ngại lớn nhất đến tiến độ theo kế hoạch thông xe kỹ thuật vào cuối năm 2018.
Đến nay trong 5 gói thầu, riêng gói thầu A3 đã cơ bản hoàn thành; các gói thầu A1, A2-2 vẫn đang vướng mặt bằng. Trong đó, vướng nhiều nhất tập trung ở gói thầu A2-2 với 22 hộ trên tuyến chính và các nút giao trên địa bàn TP.HCM chưa di dời.
Như vậy, cả 2 gói thầu A2-2 và A4 được xác định tiến độ đang bị chậm. Riêng gói thầu A4 khối lượng thực hiện còn rất nhiều nhưng nhà thầu chưa huy động đầy đủ thiết bị nguyên nhân chính do trục trặc về phương án tài chính.
Đối với các gói thầu phần vốn ADB phía Đông (khởi công tháng 11/2017) việc bàn giao mặt bằng có chuyển biến tích cực nhưng vẫn vướng tại nhiều vị trí dẫn đến việc triển khai 3 gói thầu tiến độ chưa đạt kế hoạch đề ra.
Cụ thể, gói thầu A5 vướng 3 hộ (đạt 98,2%), diện tích bàn giao cho nhà thầu gói thầu A6 đạt 85,62%. Tại gói thầu A7 đã bàn giao được 65/268 hộ, nhưng diện tích mặt bằng bị vướng tập trung khu vực nút giao QL51 khiến nhà thầu không có đường công vụ để vận chuyển, tập kết thiết bị máy móc.
Theo Ban quản lý dự án, tiến độ tổng thể dự án đến nay đã đạt 66,56% tổng giá trị xây lắp các gói thầu đã triển khai. Công tác giải ngân các gói thầu đã triển khai xây lắp đạt hơn 9.475 tỷ đồng tương đương 63,72% giá trị xây lắp của dự án.
Về vướng mắc giải phóng mặt bằng, thời gian qua VEC đã chỉ đạo Ban QLDA các đường cao tốc phía Nam (SEPMU), tư vấn giám sát và nhà thầu làm việc với địa phương, rà soát thống kê các vị trí còn vướng mặt bằng để có cơ sở báo cáo, kiến nghị UBND tỉnh Đồng Nai xem xét, giải quyết.
Dự án dài gần 60km khởi công từ năm 2014 và dự kiến hoàn thành toàn tuyến vào năm 2020, được thiết kế theo tiêu chuẩn đường cao tốc loại A với 4 làn xe, 2 làn dừng khẩn cấp, vận tốc thiết kế 100km/giờ.
Do dự án đi qua vùng địa chất, thủy văn phức tạp với nhiều sông ngòi, sình lầy nên phải thực hiện đến hơn 20km cầu và cầu cạn. Dự án do Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) làm chủ đầu tư
Đặc biệt, trong dự án phải thực hiện 2 cầu dây văng lớn là cầu Bình Khánh vượt sông Soài Rạp và cầu Phước Khánh vượt sông Lòng Tàu, mỗi cầu dài khoảng 3km. Hai cây cầu này có độ tĩnh không thông thuyền là 55m cho tàu biển có trọng tải đến 50.000 tấn lưu thông, được coi là lớn nhất Việt Nam hiện nay.