Dự án cao tốc qua Phú Yên "rất trì trệ"
Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải bức xúc vì tiến độ xây dựng đường cao tốc qua Phú Yên quá chậm
Đến nay, mặt bằng để có thể thi công cao tốc Bắc - Nam đoạn qua Phú Yên chỉ đạt 39% trong khi giá vật liệu tăng cao gấp nhiều lần
- 28-02-2023Lương 50 triệu đồng/tháng, đóng thuế thu nhập cá nhân bao nhiêu?
- 28-02-2023Điểm đặc biệt của cảng biển vừa đón 'siêu tàu' du lịch thuộc top 10 thế giới
Ngày 28-2, đoàn công tác của Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) do Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng dẫn đầu cùng các nhà thầu làm việc tại tỉnh Phú Yên để thúc đẩy công tác giải phóng mặt bằng, tái định cư và thi công dự án cao tốc Bắc - Nam qua Phú Yên.
Dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025 qua Phú Yên có tổng chiều dài hơn 90 km, gồm 2 dự án thành phần, do Ban Quản lý dự án 85 và Ban Quản lý dự án 7 thuộc Bộ GTVT làm chủ đầu tư, với tổng mức đầu tư 20.848 tỉ đồng từ nguồn vốn ngân sách nhà nước.
Theo UBND tỉnh Phú Yên, đến nay tỉnh này đã giải phóng, bàn giao mặt bằng cho chủ đầu tư hơn 73,5 km, đạt trên 81%. Tuy nhiên, mặt bằng bàn giao để có thể thi công chỉ đạt 39%. Lý do là các đoạn được bàn giao nằm xen với những đoạn chưa giải phóng được hoặc không có đường tập kết phương tiện, vật tư. "Việc giải ngân để đền bù cho dân thì cao nhưng việc chi trả còn chậm nên khi thi công người dân ra ngăn cản. Chúng tôi triển khai 16 mũi thi công nhưng hiện chỉ thực hiện được 7 mũi" - đại diện Ban Quản lý dự án 7 nói.
Trong khi đó, việc xây dựng 12 khu tái định cư (TĐC) cho gần 380 hộ dân bị ảnh hưởng chỗ ở cũng đang bị chậm. Hiện nay, chỉ mới 5/12 khu TĐC được duyệt thiết kế, còn lại vẫn đang trình.
Theo các huyện, thị xã ở Phú Yên cần thu hồi đất để triển khai cao tốc, vướng mắc lớn nhất hiện nay là ở khâu quy chủ cho diện tích đất bị thu hồi. Nhiều diện tích đất thuộc địa phương quản lý, nhưng người dân sản xuất trên đất ấy đã lâu. Theo quy định thì những diện tích này không được bồi thường nhưng không bồi thường thì người dân không chấp nhận giao mặt bằng.
Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng đánh giá Phú Yên là địa phương chậm nhất trong cả nước về công tác giải phóng mặt bằng để thi công cao tốc Bắc Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025. "Dự án cao tốc Bắc - Nam qua Phú Yên rất trì trệ. Tôi đã làm việc với nhiều địa phương nhưng chưa bao giờ bức xúc như hôm nay. Phú Yên phải đẩy nhanh việc chi trả đền bù cho dân, phải bảo đảm đến ngày 30-6, bàn giao 100% mặt bằng để thi công. Về TĐC, nếu chưa đưa người dân về kịp trong các khu TĐC thì cần hỗ trợ tạm cư cho dân" - Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng nói.
Nói về giá vật liệu xây dựng thông thường, Bộ trường Nguyễn Văn Thắng tỏ ra bức xúc. "Vì sao giá vật liệu công bố ở Phú Yên cao hơn nhiều các địa phương khác? Đấy là chưa nói giá bên ngoài còn cao hơn nữa. Niêm yết 1 giá nhưng khi bán thì giá cao hơn gấp đôi, gấp ba" - Bộ trưởng Bộ GTVT nói.
Bộ trưởng Bộ GTVT đề nghị tỉnh Phú Yên nên chủ động cầm trịch. Vẫn là thỏa thuận giữa nhà thầu với chủ mỏ vật liệu nhưng tỉnh cần làm trọng tài trung gian để có 1 mức giá hợp lý. "Khung giá có rồi, đồng ý lên 1,5 lần là quá rồi, chứ không thể lên gấp 3, 4, 5 lần. Tôi thấy người dân mình không đến nỗi đâu. Những chỗ nâng giá là có vấn đề hết, có lợi ích nhóm ở đó đấy" - Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng nói.
Về vấn đề này, ông Tạ Anh Tuấn, Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên, thừa nhận vật liệu ở Phú Yên không thiếu nhưng lại cao hơn nhiều so với các địa phương khác. Điều này không chỉ xảy ra khi cao tốc triển khai mà có từ trước đó. "Hiện chúng tôi đang lập đoàn thanh tra để làm rõ việc này. Trong trường hợp sai phải xử lý. Theo quy định của Luật Đất đai, trường hợp không thuộc đối tượng thu hồi thì nhà thầu phải thỏa thuận với dân nhưng phải có giá hợp lý. Tuần tới, chúng tôi sẽ mời những người dân có mỏ vật liệu làm việc với các nhà thầu để thống nhất" - ông Tạ Anh Tuấn cho hay.
Người lao động