MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Dự án chưa thấy đâu, nhà đất đã tăng giá

20-09-2018 - 08:32 AM | Bất động sản

Trên thực tế, yếu tố hướng ra sông và mặt tiền đường lộ luôn là tiêu chí hàng đầu của các dự án bất động sản.

Vài năm trở lại đây, bất động sản (BĐS) luôn là mối quan tâm lớn của giới đầu tư. Giá nhà, đất được đo lường bằng nhiều yếu tố khác nhau như địa điểm, sự tiện ích,... Tuy nhiên, yếu tố liền kề hoặc gần các "siêu" dự án và đại lộ vẫn luôn là ưu tiên số một cho các nhà đầu tư BĐS.

Mới có thông tin dự án, giá đất đã tăng

Sau thời gian "nằm chờ" trên bàn giấy, dự án đại lộ ven sông do Tập đoàn Tuần Châu đề xuất bất ngờ nóng trở lại. Điều này nhận được sự quan tâm lớn của giới đầu tư BĐS. Tuy nhiên, thông tin dự án bao giờ triển khai và thực hiện vẫn là câu hỏi được quan tâm hàng đầu.

Anh Q., môi giới bán một miếng đất ở Nhuận Đức, huyện Củ Chi, cho biết dự án đại lộ ven sông luôn được giới kinh doanh nhà, đất chú ý vì đất vốn gần sông đã mát mẻ nếu dự án được triển khai thì giá nhà, đất sẽ tăng.

"Tuy nhiên, cũng chưa biết khi nào mới làm đường thành ra giá đất cũng ở tầm lưng lửng, không lên cao cũng không dừng ở mức cũ. Nhiều người muốn mua đón đầu nhưng cũng còn nhát tay vì thông tin chưa chính xác" - anh Q. nói.

Anh LAN, một người bán đất chính chủ ở khu vực cách cầu Bến Súc, huyện Củ Chi (điểm cuối của dự án), cho biết: "Giá đất ở đây mỗi năm chỉ nhích một chút. Nhưng từ khi có thông tin dự án đại lộ ven sông, thực chất có làm hay không thì không rõ nhưng đất bắt đầu có biến động. Hiện đất khu này vẫn tính theo mét dài, cuối năm ngoái là 125 triệu đồng/m, năm nay thì lên tới 150 triệu đồng/m. Thực sự nếu dự án này mở ra thì đất sẽ tính mét vuông chứ không còn tính mét dài nữa".

Chị S. đang dự định bán miếng đất ngay bờ bao sông Sài Gòn (khu vực dự án đi qua) cho biết hiện tại đường ở khu đất này chỉ là bờ mương có nhiều cây dừa, đất cuối năm ngoái chỉ gần 300.000 đồng/m2, hiện tại là 430.000 đồng/m2.

"Hiện đất chưa lên thổ cư. Nhưng nghe nói sắp làm đường ven sông, có đường chạy ngang qua là có thể lên thổ cư được" - chị S. thông tin.

Trên thực tế, yếu tố hướng ra sông luôn là tiêu chí hàng đầu của các dự án BĐS. Cuối tháng 10-2017, trong một nghiên cứu do trang chuyên nghiên cứu dữ liệu gachvang.comcông bố thì so với từ đầu năm 2017, sau khi dự án đại lộ ven sông công bố, giá đất khu vực dự án đi qua có giá tăng bình quân từ 16% đến gần 100%. Đất Củ Chi cũng lên cơn sốt thời điểm đó.

Tuy nhiên, để tránh tình trạng giá đất sốt ảo, người dân cần chú ý nhiều yếu tố trước khi quyết định mua đất. Về vấn đề này, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP.HCM, khuyến cáo: "Chúng tôi đã liên tục cảnh báo người dân, người dân cần tỉnh táo khi đứng trước thông tin mời chào từ các đầu nậu. Nếu phân lô thì phải có giấy đỏ, giấy hồng từng lô, đất nền thì miếng đất đó phải được duyệt dự án".

Dự án chưa thấy đâu, nhà đất đã tăng giá - Ảnh 1.

Phối cảnh siêu dự án đại lộ ven sông Sài Gòn do Tập đoàn Tuần Châu đề xuất.

Tiềm năng BĐS theo "siêu" đường, đại lộ là rất lớn

Ông Trần Khánh Quang, Tổng Giám đốc Công ty BĐS Việt An Hòa, phân tích: "Nhiều người đang theo dõi thông tin mới về dự án đường ven sông sẽ kết nối vào đường Bắc-Nam trong tương lai. Nếu dự án thuận lợi thì giá đất dọc dự án còn khả năng tăng nữa".

Theo anh Quang, với các dự án đại lộ lớn, cần tính thời gian chứ không tính khoảng cách. Ví dụ, đại lộ Võ Văn Kiệt về trung tâm TP mất 10 phút, đường Phạm Văn Đồng từ Thủ Đức về sân bay Tân Sơn Nhất cũng mất 10 phút và dự án đại lộ ven sông theo đề xuất này cũng sẽ tính theo thời gian để các dự án BĐS có thể phát triển theo.

Vì sao đại lộ ven sông thu hút các nhà đầu tư? Anh Ngô Quang Phúc, Tổng Giám đốc Công ty Phú Đông, cho rằng TP có những trục chính như Phạm Văn Đồng về hướng Đông, đại lộ Võ Văn Kiệt kết nối Đông Tây, Nguyễn Hữu Thọ về Nam Sài Gòn nên dự án đại lộ ven sông về phía Tây Bắc là ý tưởng tốt.

"Như đường Phạm Văn Đồng, giá đất lúc trước 20 triệu đồng/m2 thì hiện nay là 40-70 triệu đồng/m2, còn ở mặt tiền chắc cả trăm triệu đồng/m2 mà không còn quỹ đất để làm dự án. Hiện chỉ còn phía kết nối với Bình Dương, nếu sau này tỉnh di dời các khu công nghiệp hiện hữu ra ngoài thì mới có quỹ đất tiếp để phát triển. Tôi nghĩ nếu dự án đại lộ ven sông tiến triển thì chắc chắn thu hút các dự án BĐS" - anh Phúc nói.

Ông Phan Công Chánh, Tổng Giám đốc Công ty Phú Vinh, nêu trường hợp giá đất tăng khủng khiếp ở đại lộ Võ Văn Kiệt: Sau khi đại lộ hoàn thiện, giá nhà đất ven đường tăng 300%-400% so với trước. "Dọc theo trục đại lộ, mật độ dân cư khác nhau thì nhu cầu đầu tư BĐS khác nhau. Riêng dự án đại lộ ven sông dù có tiềm năng nhưng cần trả lời câu hỏi khi nào làm và khi nào hoàn thành" - ông Chánh nêu quan điểm.

Vài siêu dự án đại lộ ở TP.HCM

• Dự án đại lộ ven sông Sài Gòn do Tập đoàn Tuần Châu đề xuất thực hiện bằng hình thức BT đầu năm 2017, tổng mức đầu tư khoảng 63.500 tỉ đồng. Chiều dài khoảng 64 km, hướng tuyến trên sẽ tận dụng triệt để bãi bồi ven sông Sài Gòn. Dự tính chiều rộng mặt đường là sáu làn xe.

• Đường Phạm Văn Đồng được mệnh danh là con đường nội đô đẹp nhất TP, kết nối khu vực Đông Bắc với trung tâm TP. Ngay từ khi khai thác, tuyến đường này là bãi đáp của nhiều dự án BĐS cao cấp với hàng ngàn căn hộ được chào bán.

• Đại lộ Võ Văn Kiệt được đầu tư hoàn thiện vào năm 2009, kéo dài từ quận Bình Tân vào trung tâm TP. Đây là trục đường phát triển quan trọng bậc nhất TP, giá trị BĐS leo thang từng năm.

Theo Kiên Cường

Pháp Luật TPHCM

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên