Dự án công – tư thu phí vượt dự toán phải chia lại cho nhà nước
Theo đề xuất của Bộ Tài chính, với các dự án hợp tác công – tư (PPP), trong đó có các dự án BOT giao thông, nếu thu phí vượt phương án tài chính sẽ phải chia lại một phần vượt cho Nhà nước. Nếu thu thấp hơn sẽ được nhà nước chia sẻ phần bị hụt thu.
- 17-03-2021APCI 2020: Nhóm thủ tục đầu tư đi "thụt lùi" cho thấy cải cách cần bền bỉ
- 17-03-2021Việt Nam lọt top 10 thị trường hàng không lớn nhất thế giới
- 17-03-2021Bộ trưởng Mai Tiến Dũng: Nếu hải quan làm hậu kiểm làm không tốt thì doanh nghiệp sẽ lo lắng hơn tiền kiểm
Bộ Tài chính vừa trình Chính phủ Dự thảo Nghị định quy định cơ chế quản lý tài chính dự án đầu tư theo phương thức đối tác công – tư (PPP), hướng dẫn triển khai Luật PPP.
Theo đó, dự thảo Nghị định áp dụng cơ chế chia sẻ phần doanh thu tăng hoặc giảm so với phương án tài chính trong hợp đồng. Cụ thể, khi doanh thu thực tế của dự án cao hơn 125% doanh thu trong phương án tài chính, doanh nghiệp dự án phải chia sẻ cho nhà nước 50% số tiền vượt trên 125% này.
Khi doanh thu thực tế dự án thấp hơn 75% mức doanh thu trong phương án tài chính, nhà nước chia sẻ 50% phần hụt thu thực tế so với mức 75% này.
Điều kiện dự án được áp dụng cơ chế chia sẻ phần tăng, giảm doanh thu được quy định cụ thể tại Luật PPP.
Dự thảo Nghị định cũng quy định cụ thể cách thức hạch toán phần doanh thu chia sẻ giữa các bên đối với doanh nghiệp dự án PPP, ngân sách nhà nước; trình tự, thủ tục nhà đầu tư nộp phần chia sẻ với nhà nước khi dự án vượt thu, và nhà nước bố trí ngân sách để trả nhà đầu tư khi dự án hụt thu.
Một trong những nội dung mới của dự thảo Nghị định là quy định về phát hành trái phiếu doanh nghiệp để thực hiện dự án. Trong đó, nêu rõ các điều kiện phát hành, đối tượng phát hành, phương án phát hành; chế độ công bố thông tin phát hành trái phiếu doanh nghiệp; nghĩa vụ của các bên liên quan đối với nhà đầu tư trái phiếu khi hợp đồng PPP chấm dứt trước thời hạn...
Quy định mới cho phép doanh nghiệp dự án có thể thu được nhiều lợi nhuận hơn nếu thực hiện dự án hiệu quả hơn so với phương án tài chính quy định tại hợp đồng dự án. Ngược lại, lợi nhuận của doanh nghiệp dự án cũng có thể bị giảm nếu doanh nghiệp dự án không quản lý dự án hiệu quả như dự kiến ban đầu.
Ngoài ra, Dự thảo Nghị định cũng bao gồm một số nội dung chính như: hướng dẫn lập phương án tài chính của dự án PPP; Huy động, quản lý, thanh toán, sử dụng các vốn thực hiện dự án PPP; Quyết toán vốn đầu tư công trình, hệ thống cơ sở hạ tầng...
Theo Tiền Phong