Dự án của Novaland đang gặp vướng mắc gì?
Tập đoàn Novaland là chủ đầu tư hàng chục dự án bất động sản ở khu vực phía Nam. Hiện tại, nhiều dự án của doanh nghiệp này đang phải xây dựng cầm chừng vì gặp nhiều vướng mắc về tính tiền sử dụng đất, điều chỉnh quy hoạch… khiến Chính phủ yêu cầu lập tổ công tác để tháo gỡ.
- 12-04-2023Vợ Chủ tịch Bùi Thành Nhơn bán xong hơn 3,6 triệu cổ phiếu Novaland
- 11-04-2023Novaland (NVL) “vui buồn” lẫn lộn: Được gia hạn trả lãi lô trái phiếu 1.000 tỷ thêm nửa tháng, cổ đông lớn lại bị “force sell” và không được chấp thuận gia hạn BCTC kiểm toán
- 10-04-2023HoSE "khước từ" đề nghị gia hạn công bố BCTC kiểm toán của Novaland, NovaGroup tiếp tục bị bán giải chấp cổ phiếu NVL
Tại Đồng Nai, Tập đoàn Novaland giới thiệu dự án Aqua City quy mô 1.000 ha ra thị trường vào tháng 6/2019, theo mô hình đô thị sinh thái thông minh ở TP Biên Hòa. Đến quý III/2022, Aqua City đã bàn giao nhà theo tiến độ cho khách hàng. Hiện tại, hàng loạt công trình, tiện ích quan trọng của đô thị đã được hoàn thiện, phục vụ nhu cầu an cư của người dân.
Tuy nhiên, giữa tháng 11/2022, Sở Xây dựng Đồng Nai ra văn bản huỷ quyết định đủ điều kiện bán hàng đối với 752 căn biệt thự thuộc phân khu I và V dự án Aqua City, với lý do chủ đầu tư chưa được ngân hàng bảo lãnh tài chính. Đáng nói, 752 căn biệt thự này trước đó đã được chính Sở Xây dựng Đồng Nai có văn bản chấp thuận đủ điều kiện bán nhà hình thành trong tương lai.
Ông Hồ Văn Hà, Giám đốc Sở Xây dựng Đồng Nai khẳng định, Aqua City xây dựng dự án với tiến độ khá tốt. Tuy nhiên, chủ đầu tư phải có trách nhiệm bổ sung chứng thư bảo lãnh ngân hàng, vì luật quy định.
Đại diện chủ đầu tư cho biết, các phân khu của dự án Aqua City đã thi công hoàn chỉnh với tỷ lệ hoàn thành từ 92 - 100%. Doanh nghiệp cam kết sẽ thực hiện các quy định của pháp luật về nhà ở, kinh doanh bất động sản đối với việc thực hiện nhà ở hình thành trong tương lai tại dự án để đảm bảo quyền lợi cho khách hàng.
Vướng mắc khác, đang khiến dự án Aqua City “đứng hình” là bất cập trong quy hoạch. Hiện tại, tỉnh Đồng Nai đang điều chỉnh quy hoạch của TP Biên Hòa. Tuy nhiên, quy hoạch lần này điều chỉnh khác với lúc dự án Aqua City được duyệt. Do đó, Novaland kiến nghị Chính phủ hỗ trợ tỉnh Đồng Nai hoàn thành đồ án điều chỉnh quy hoạch chung 1/5.000, để làm căn cứ điều chỉnh quy hoạch 1/500 của Khu đô thị Aqua City, từ đó giúp doanh nghiệp hoàn tất thủ tục pháp lý dự án.
Ở Bình Thuận, Tập đoàn Novaland có dự án NovaWorld Phan Thiết nằm trên mặt tiền đường Lạc Long Quân (xã Tiến Thành, TP. Phan Thiết). Dự án khởi công xây dựng năm 2019 trên quy mô 1.000 ha với hàng trăm tiện ích đẳng cấp.
Hiện tại, NovaWorld Phan Thiết đã bàn giao hàng nghìn sản phẩm cho khách hàng tại một số phân khu theo đúng tiến độ, đưa vào vận hành giai đoạn 1 với hệ tiện ích đa dạng phục vụ nhu cầu lưu trú, vui chơi giải trí như 2 khách sạn 4 - 5 sao, cụm sân golf PGA 36 hố, công viên giải trí Circus Land, quảng trường và công viên biển Bikini Beach, trung tâm thể thao phức hợp Sport Complex... Tuy nhiên, dự án đang gặp vướng mắc trong việc thẩm định giá đất.
Novaland đã đề nghị Bộ Tài chính đề cử một công ty giúp định giá tiền sử dụng đất dự án NovaWorld Phan Thiết. Do không có công ty thẩm định nào tham gia, Novaland không đóng được tiền sử dụng đất, không phát hành được hợp đồng mua bán, không làm được sổ đỏ cho khách hàng.
Ông Nguyễn Minh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận cho biết, dự án NovaWorld Phan Thiết đã có quy hoạch 1/500, giấy phép xây dựng… Tuy nhiên, dự án đang bị vướng việc tính tiền sử dụng đất. Vướng mắc này không chỉ riêng ở Bình Thuận mà nhiều tỉnh thành trong cả nước đều gặp. Ngoài Novaland, tỉnh Bình Thuận đang có hơn chục doanh nghiệp khác gặp vướng mắc về tính tiền sử dụng đất.
Với dự án NovaWorld Hồ Tràm (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu), Tập đoàn Novaland đang gặp khó về gia hạn chủ trương đầu tư, thời gian sử dụng đất cho các dự án đang triển khai. Ngoài ra, tập đoàn Novaland còn có 23 dự án đang gặp vướng mắc ở TPHCM, phần lớn là về tính tiền sử dụng đất để ra “sổ hồng” cho cư dân.
Trao đổi với Tiền Phong, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TPHCM cho biết, thực tế có khoảng 70% dự án bất động sản, nhà ở thương mại bị vướng mắc pháp lý. Đi đôi với tháo gỡ vướng mắc về thủ tục hành chính thì rất cần sớm khắc phục tâm lý sợ sai, sợ trách nhiệm, sợ rủi ro pháp lý trong một số cán bộ công chức dẫn đến đùn đẩy hồ sơ lòng vòng, không dám đề xuất, không dám quyết định.
Vừa qua, UBND TPHCM đã tổ chức nhiều cuộc họp tháo gỡ cho dự án The Water Bay (phường Bình Khánh, TP.Thủ Đức) và The Grand Manhattan (phường Cô Giang, quận 1). Trong đó, dự án The Water Bay có diện tích 30,2 ha đã nằm im từ năm 2017 do sai phạm trong quá trình chuyển mục đích sử dụng đất và tính tiền sử dụng đất. Đến nay, dự án The Water Bay đã có 3 block nhà, hạng mục hạ tầng và cảnh quan nội khu cùng phần móng của các block còn lại. Novaland cho biết đã đầu tư 6.000 tỷ đồng vào đây. Hiện nay, dự án cũng đã đủ điều kiện bán hàng nên doanh nghiệp mong muốn được tiếp tục phát triển dự án.
Để gỡ vướng tại dự án The Water Bay, Novaland đề xuất 2 phương án. Thứ nhất, doanh nghiệp tiếp tục triển khai phần dự án đã hoàn thành thi công và bàn giao lại phần dự án chưa thi công cùng các hạng mục thương mại dịch vụ để Nhà nước đấu giá. Thứ hai, Novaland tiếp tục thực hiện toàn bộ dự án với chức năng nhà ở tái định cư theo các hồ sơ pháp lý đã được phê duyệt. Tuy nhiên, UBND TPHCM cho rằng, giải quyết vướng mắc ở dự án The Water Bay cần xin ý kiến từ Chính phủ.
Dự án The Grand Manhattan đã thi công đến tầng 28 nhưng gặp vướng mắc ở khâu cấp giấy chứng nhận đầu tư và được hưởng ưu đãi miễn tiền sử dụng đất đối với toàn bộ diện tích đất được giao.
Về dự án này, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Bùi Xuân Cường đã giao Sở Xây dựng chủ trì, phối hợp với Sở TN&MT, UBND quận 1 và các cơ quan liên quan nghiên cứu ý kiến của Sở TN&MT tại công văn ngày 16/12/2022, ý kiến của UBND quận 1 ngày 13/2/2023 và rà soát các văn bản của các bộ, ngành liên quan. Sở Xây dựng cũng phải tổng hợp, phân loại các khó khăn vướng mắc, xác định cụ thể cơ quan có thẩm quyền giải quyết, thống nhất phương án xử lý, chuẩn bị nội dung họp chuyên đề và trình UBND TPHCM xem xét.
Tiền phong