MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Dự án Diamond Flower: Từ đất công thành đất ở, từ 6 tầng thành 39 tầng

28-06-2022 - 07:47 AM | Bất động sản

Dự án Diamond Flower Tower (Thanh Xuân) do Handico 6 làm chủ đầu tư.  Ảnh: Trọng Hiếu.

Dự án Diamond Flower Tower (Thanh Xuân) do Handico 6 làm chủ đầu tư. Ảnh: Trọng Hiếu.

Toà nhà Diamond Flower của CTCP Đầu tư và Phát triển nhà số 6 (Handico 6) là một trong những điển hình xấu về điều chỉnh quy hoạch bừa bãi, tầng cao tối đa từ 6 tầng thành 21, 30, 36 rồi thành 39 tầng.

Điều chỉnh tăng 33 tầng

Thanh tra Bộ Xây dựng mới đây đã ban hành kết luận Thanh tra số 39/KL-TTr thanh tra Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội, Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội; các chủ đầu tư dự án và tổ chức, cá nhân có liên quan trong công tác quy hoạch xây dựng, điều chỉnh quy hoạch xây dựng, quản lý xây dựng theo quy hoạch được duyệt tại khu vực hai bên tuyến đường Lê Văn Lương, Tố Hữu, Nguyễn Thanh Bình, khu đô thị Trung Hòa - Nhân Chính.

Đáng chú ý, kết luận thanh tra đã chỉ ra nhiều vi phạm về điều chỉnh quy hoạch tại dự án của CTCP Đầu tư và Phát triển nhà số 6 (Handico 6).

Handico 6 là chủ đầu tư 13,78 ha tại Khu đô thị Trung Hoà - Nhân Chính gồm một số lô đất, trong đó có ô đất 9.1-CC (ô C1) là lô góc tại ngã tư Lê Văn Lương - Hoàng Đạo Thúy. Tại ô đất này, Thanh tra Bộ Xây dựng đã chỉ ra UBND TP. Hà Nội 1 lần điều chỉnh quy hoạch; Sở Quy hoạch - Kiến trúc điều chỉnh 3 lần tổng mặt bằng, phương án kiến trúc sai quy định của pháp luật.

Theo đó, các đơn vị trên đã điều chỉnh chỉ tiêu: Hệ số sử dụng đất từ 1,24 lần thành 4,3 lần, thành 1,92 lần, thành 6 lần, rồi thành 13,4 lần; mật độ xây dựng từ 31% thành 39,2%, thành 31%, thành 40%, rồi thành 40,05%; tầng cao tối đa từ 6 tầng thành 21, 30, 36 rồi thành 39 tầng.

Điều chỉnh chức năng từ thương mại - dịch vụ công cộng điều chỉnh thành công cộng thành phố, thành trung tâm thương mại - dịch vụ cao cấp - nhà ở cho thuê rồi thành trung tâm thương mại - dịch vụ cao cấp - nhà ở, dân số tăng thêm 912 người.

Đáng chú ý, trong các lần điều chỉnh của Sở Quy hoạch - Kiến trúc vào các năm 2007, 2009, 2011 đều là điều chỉnh vượt thẩm quyền; không tính toán hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, giải pháp khắc phục vi phạm quy định của UBND TP. Hà Nội, Bộ Xây dựng, Luật Quy hoạch Đô thị 2009.

 Dự án Diamond Flower: Từ đất công thành đất ở, từ 6 tầng thành 39 tầng - Ảnh 1.

UBND TP. Hà Nội đã cho phép Handico 6 chuyển mục đích sử dụng dự án từ đất công thành đất ở, đa chức năng. Ảnh: Trọng Hiếu.

 Từ đất công thành đất ở, đa chức năng

Đặc biệt, tại dự án này, UBND TP. Hà Nội đã cho phép Handico 6 chuyển mục đích sử dụng 5.230 m2 đất ô C1 từ Trung tâm thương mại - Dịch vụ công cộng sang Trung tâm thương mại - Dịch vụ công cộng và nhà ở cho thuê (thuê đất 50 năm); sau đó tiếp tục điều chỉnh 2.088 m2 để xây dựng công trình Trung tâm thương mại, dịch vụ công cộng và nhà ở, giao đất có thu tiền sử dụng đất, thời hạn sử dụng đất lâu dài.

Thanh tra Bộ Xây dựng cho biết, các điều chỉnh trên không thuộc các trường hợp được điều chỉnh, điều chỉnh không đánh giá mức độ ảnh hưởng do tăng mật độ dân số gây áp lực hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, vi phạm Điều 47, Điều 48 luật Quy hoạch đô thị 2009.

Trên cơ sở đó, Thanh tra Bộ Xây dựng xác định trách nhiệm thuộc về UBND TP. Hà Nội, Sở Quy hoạch - Kiến trúc; đồng thời, yêu cầu các đơn vị này theo thẩm quyền kiểm điểm, xử lý trách nhiệm cá nhân có vi phạm.

Thanh tra Bộ Xây dựng cũng cho biết, các hành vi vi phạm của chủ đầu tư đã được Thanh tra Sở Xây dựng kiểm tra, quyết định xử phạt, báo cáo UBND TP. Hà Nội nhưng đến thời điểm thanh tra (tháng 9/2020) chưa xử lý triệt để.

UBND quận Thanh Xuân, Đội quản lý Trật tự Xây dựng Đô thị quận Thanh Xuân, UBND phường Nhân Chính không xử lý vi phạm trật tự xây dựng vi phạm khoản 2 điểm b khoản 2 Điều 3 Quy chế ban hành theo Quyết định 09/2014/QĐ-UBND ngày 14/2/2014.

Thanh tra Bộ Xây dựng đề nghị UBND TP. Hà Nội, Sở Xây dựng, UBND quận Thanh Xuân theo thẩm quyền tổ chức kiểm điểm, xử lý trách nhiệm tổ chức cá nhân có vi phạm; đồng thời chỉ đạo các sở ngành, UBND quận Thanh Xuân xử lý dứt điểm các vi phạm tại dự án Diamond Flower Tower.

Sở hữu nhiều khu đất 'vàng'

Hiện nay, dự án chủ lực của Handico 6 là Green Diamond có diện tích đất 15.207m2 tại Hạ Long, gồm 447 căn hộ chung cư cao cấp, 13 căn shophouse 2 tầng và 66 căn shophouse, liền kề.

Bên cạnh đó, doanh nghiệp đang triển khai một số dự án ở Hà Nội như: Toà nhà 76 Nguyễn Chí Thanh có diện tích đất 1.100m2, vốn đầu tư 600 tỷ đồng; dự án 102 Nguyễn Khuyến có diện tích đất 592m2, vốn đầu tư 52 tỷ đồng; dự án lô C2 khu Trung Hoà Nhân Chính có diện tích 2.054m2, vốn đầu tư 400 tỷ đồng.

Giai đoạn tới, Handico 6 cho biết sẽ đầu tư vào dự án Khu biệt thự số 1 Cái Dăm, Hạ Long quy mô 6ha; Khu đô thị 104ha ở Phong Điền, Thừa Thiên Huế, Dự án Resort Phú Yên...

Theo tìm hiểu, Handico 6 có vốn điều lệ 144 tỷ đồng, trong đó Handico vẫn giữ 17,08%, Chủ tịch HĐQT Lê Quốc Bình có 23,7%, vợ ông Bình, bà Hoàng Thị Thuý Nga có 0,49%. Các lãnh đạo trong HĐQT, ban Tổng giám đốc, ban Kiểm soát sở hữu khoảng 7,91% cổ phần Handico6.

Tổng cộng, cổ đông lớn, lãnh đạo và người có liên quan sở hữu khoảng 49,18% cổ phần Handico6. Cơ cấu sở hữu thực tế có thể còn cô đặc hơn.

Ngoài ra, vào cuối 2021, CTCP Chứng Khoán Sài Gòn Hà Nội (SHS) cũng đã trở thành cổ đông lớn tại Handico 6 với việc nắm giữ hơn 5% vốn điều lệ của công ty này.

Theo Thanh Trần

Nhà đầu tư

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên