MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Dự án được đầu tư 41.799 tỷ đồng hồi sinh ngoạn mục sau 12 năm

Đến nay, việc hồi sinh dự án không những không phải sử dụng thêm vốn của Nhà nước, của Tập đoàn, mà ngược lại, có thể tiết kiệm hơn 200 tỷ đồng tổng mức đầu tư đã được phê duyệt.

Dự án Nhiệt điện Thái Bình 2 là một trong những dự án trọng điểm với quy mô lớn của ngành điện do Petrovietnam làm chủ đầu tư, được khởi công từ đầu năm 2011, tổng vốn đầu tư 41.799 tỷ đồng, công suất 1.200 MW.

Đã trải qua 12 năm đầu tư xây dựng với nhiều khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện, do nhiều nguyên nhân có giai đoạn dự án phải dừng triển khai trong thời gian dài; dự án này đã "hồi sinh".

Ngày 27/4 vừa qua, nhà máy đã chính thức được khánh thành. Đến nay, 2 tổ máy đã hoàn thành quá trình chạy thử nghiệm thu và đã phát điện, cung cấp cho hệ thống điện quốc gia trên 1 tỷ kWh.

Sau khi hoàn thành đưa vào vận hành, hàng năm Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2 sẽ cung cấp khoảng 7,2 tỷ kWh lên lưới điện quốc gia, với doanh thu khoảng 18.000 tỷ đồng/năm, sử dụng trực tiếp và gián tiếp trên 400 lao động tại địa phương, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia và phát triển kinh tế khu vực Đồng bằng Bắc Bộ nói chung, tỉnh Thái Bình nói riêng.

Được biết, khoảng 75% nhân lực của nhà máy trong quá trình xây dựng và vận hành là người địa phương. Dự án này đóng góp ngân sách địa phương khoảng 1.000 tỷ đồng mỗi năm khi chạy hết công suất.

Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, đây là sự kiện rất đáng mừng, bởi nhà máy có tổng đầu tư và công suất lớn, dự án đã kéo dài 12 năm, người dân có nhiều băn khoăn, trăn trở, lo lắng về dự án. Việc hồi sinh nhà máy được thực hiện trong điều kiện khó khăn, các quy định pháp luật còn nhiều chồng chéo, vướng mắc và chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh Covid-19.

Ngày 15/7/2021, khi Thủ tướng triệu tập lãnh đạo các bộ ngành, tỉnh Thái Bình và các chủ thể liên quan để bàn về phương hướng hồi sinh nhà máy cũng là thời điểm bùng phát dịch bệnh Covid-19 trên thế giới và tại Việt Nam.

Khi đó, các đại biểu đề nghị phải tăng thêm 4.800 tỷ đồng từ ngân sách cho dự án và cuối cùng, Thủ tướng kết luận, không dùng thêm ngân sách, mà phải cơ cấu lại trong tổng vốn đầu tư, vận dụng sáng tạo các quy định hiện hành, sử dụng nguồn vốn của Petrovietnam nếu còn thiếu vốn.

"Đến nay, việc hồi sinh dự án không những không phải sử dụng thêm vốn của Nhà nước, của Tập đoàn, mà ngược lại, có thể tiết kiệm hơn 200 tỷ đồng tổng mức đầu tư đã được phê duyệt", Thủ tướng nhấn mạnh.

Dự án được đầu tư 41.799 tỷ đồng hồi sinh ngoạn mục sau 12 năm - Ảnh 2.

Trước đó, năm 2011, Nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2 được khởi công và dự kiến khánh thành toàn bộ các tổ máy vào năm 2018. Tuy nhiên, khúc mắc về nguồn vốn, kỹ thuật, cũng như những sai phạm cá nhân của một số cán bộ trong tập đoàn PVN/dự án dẫn tới tiến độ bị đình hoãn nhiều lần.

Năm 2018, một mặt vừa xử lý những tồn đọng, PVN thay "tướng" công trường, hỗ trợ tối đa cho việc thi công dự án. Đến thời điểm đó, tiến độ tổng thể dự án đạt hơn 83% trong đó công tác thiết kế đạt 99,54%; công tác mua sắm thiết bị, vật tư đạt 91,5%; công tác gia công, chế tạo và vận chuyển đạt 93,56% và công tác thi công xây dựng đạt 78,45%.

Tuy nhiên, đang trong thời kỳ thuận lợi thì dịch Covid-19 diễn ra đã gây ảnh hưởng đến tiến độ hoàn thành dự án. Cùng với đó giá cả vật liệu, vật tư tăng đột biến ảnh hưởng tiến độ nhiều hạng mục, phát sinh các chi phí. Một số hạng mục đã xây dựng, lắp đặt được hơn 90%, nhưng không thể hoàn thiện, do thiếu kinh phí, thiết bị.

Trước tình hình này, tại cuộc họp Thường trực Chính phủ ngày 15/7/2021, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu phải sớm đưa dự án vào khai thác, sử dụng, tránh lãng phí nguồn lực của Nhà nước, tiền của công sức của nhân dân đã bỏ ra.

Cùng với những nỗ lực, vào cuộc của Chính phủ, các ban ngành, dự án đã hoàn thành và đi vào hoạt động, cũng là dự án đánh dấu sự trưởng thành của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam.

Theo Pha Lê

Nhịp sống thị trường

Trở lên trên