Dự án đường sắt đô thị Hà Nội: Không vội được đâu?
Là những dự án trọng điểm, được khởi công để tăng năng lực cho vận tải công cộng nhằm giải tỏa ùn tắc, tuy nhiên sau gần 10 năm triển khai, 2 dự án đường sắt đô thị (ĐSĐT) tại Hà Nội hết đội giá, lại vỡ tiến độ.
- 15-06-2018TP.HCM đề xuất phân cấp phê duyệt dự án đường sắt đô thị
- 07-06-2018Tuyến ngầm nghìn tỉ đường sắt đô thị Nhổn – ga Hà Nội cố gắng đảm bảo tiến độ hoàn thành năm 2022
- 07-06-2018Hà Nội sẽ có tuyến đường sắt đô thị số 8 dài 37km nối hai đầu thành phố
Được khởi công năm 2011 và có tiến độ hoàn thành vào tháng 6/2014 nhưng đến nay dự án ĐSĐT Cát Linh - Hà Đông vẫn đang trong tình trạng thi công dang dở. Ghi nhận trên toàn tuyến trong những ngày qua, PV nhận thấy, tuy hệ thống đường ray để chạy tàu trên cao đã xong, 12 ga đón trả khách vẫn trong tình trạng thi công ngổn ngang.
Hầu hết các nhà ga đang phải quây rào kín bốn xung quanh. Ga Thanh Xuân, Thượng Đình, Phùng Khoang… vẫn chưa hoàn thành hệ thống cầu thang lên xuống. Ban Quản lý dự án đường sắt, Bộ GTVT (chủ đầu tư) cho biết, hiện dự án đã thi công xong phần xây dựng cơ bản, nhà thầu đang hoàn thiện các gói xây lắp thiết bị để chuẩn bị đưa tàu vào hoạt động.
Ban Quản lý dự án đường sắt cho rằng, toàn bộ dự án đã thi công xong trên 95% khối lượng, riêng đường ray đã xây dựng hoàn chỉnh và các đoàn tàu khi nhập về đã chạy thử an toàn. Ban cho biết thêm, theo phương án vận hành các đoàn tàu đã được Ban trình Bộ GTVT thì vào cuối năm nay, tuyến sẽ vận hành kỹ thuật, sang đầu năm 2019 sẽ đi vào phục vụ. Kể từ thời điểm được phê duyệt hoàn thành tháng 6/2014, đến nay, dự án ĐSĐT Nhổn - ga Hà Nội đã 6 lần điều chỉnh lùi tiến độ, theo ghi nhận của PV.
Ban Quản lý dự án đường sắt cho biết, theo quyết định phê duyệt ban đầu của Bộ GTVT, dự án có tổng mức đầu tư 552 triệu USD (trong đó, vay ODA của Chính phủ Trung Quốc là 419 triệu USD), tuy nhiên đến nay dự án đã đội giá lên 891,92 triệu USD (tăng thêm 339 triệu USD, tương đương 40%).
Tương tự, dự án ĐSĐT Nhổn - ga Hà Nội được khởi công năm 2010 và dự kiến hoàn thành quý III/2014, tuy nhiên đến nay dự án mới thi công được hơn 40% khối lượng công việc, tiến độ hoàn thành dự án cũng chưa thể xác định được.
Thanh tra cần vào cuộc
Đề cập nguyên nhân khiến dự án ĐSĐT Nhổn - ga Hà Nội bị kéo dài thời gian thi công, lãnh đạo Ban Quản lý dự án đường sắt đô thị Hà Nội (chủ đầu tư) cho rằng, công tác GPMB do các quận huyện liên quan hoàn thành chậm, giải ngân vốn ODA hàng năm không được bố trí đủ, dẫn đến chậm trễ thanh toán cho các nhà thầu, tiến độ thi công bị ảnh hưởng…
Lãnh đạo Ban Quản lý dự án đường sắt đô thị Hà Nội thừa nhận, năng lực và kinh nghiệm quản lý thực hiện dự án của chủ đầu tư đối với các dự án lớn và phức tạp còn hạn chế; công tác quản lý hợp đồng với tư vấn Systra còn nhiều bất cập. “Systra là tư vấn lớn nhiều kinh nghiệm về đường sắt đô thị nhưng thiếu kinh nghiệm về hệ thống quản lý, quy trình thủ tục ở Việt Nam, dẫn đến trong quá trình thực hiện còn nhiều vướng mắc”, ông Nguyễn Cao Minh, Trưởng Ban Quản lý dự án đường sắt đô thị Hà Nội lý giải.
Ông Minh cho biết, với trên hơn 50% khối lượng công việc còn lại, Ban vừa đề xuất với UBND thành phố Hà Nội về thời gian hoàn thành dự án là cuối năm 2022 (chậm 8 năm so với thời gian phê duyệt ban đầu).
Bên cạnh đó, theo tìm hiểu của PV Tiền Phong, từ tổng mức đầu tư ban đầu là 783 triệu euro (tương đương 18.408 tỷ VNĐ, chủ yếu vốn vay ODA của Pháp) đến nay đội giá lên lên 1.176 triệu euro (tương đương 32.900 tỷ đồng), tăng thêm 393 triệu euro (tương đương 14.502 tỷ đồng - 33,3%).
Trước việc các dự án ĐSĐT liên tục vỡ tiến độ, đội giá cao, nhiều chuyên gia cho rằng, cần thanh tra tổng thể để kiểm soát lại thi công, chi phí vốn. Có ý kiến cho rằng, hai dự án đường sắt đô thị Hà Nội hiện nay cơ bản không còn vướng mắc gì về mặt bằng nhưng dự án ĐSĐT Cát Linh - Hà Đông đến năm 2019 mới khai thác thương mại và ĐSĐT Nhổn - ga Hà Nội đến cuối năm 2022 mới hoàn thành là không bình thường. Các dự án xây dựng hạ tầng cơ bản như BT, BOT khi có các vấn đề tăng vốn, chậm tiến độ, vừa qua Thanh tra Chính phủ đều vào cuộc và làm rõ, chấn chỉnh nhiều nội dung. Với các dự án ĐSĐT, Chính phủ cần chỉ đạo thanh kiểm tra, đưa ra các giải pháp can thiệp, chấn chỉnh.
Tiền phong