Dự án đường sắt hơn 9 tỷ USD TP.HCM - Cần Thơ đang được nghiên cứu đầu tư dự kiến sẽ đi qua những tỉnh, thành nào?
Theo dự thảo báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, dự tuyến đường sắt Thành phố Hồ Chí Minh - Cần Thơ có tổng vốn đầu tư sơ bộ trên 9 tỷ USD, đi qua 6 tỉnh, thành.
- 19-03-2023Việt Nam đã nhận bao nhiêu vốn FDI từ Mỹ trước khi tiếp đón phái đoàn 50 công ty của quốc gia này?
- 15-03-2023Sắp đón công dân thứ 100 triệu vào tháng 4, dân số Việt Nam sẽ đứng thứ bao nhiêu trong khu vực?
Theo dự thảo báo cáo nghiên cứu tiền khả thi của BQL dự án đường sắt, tuyến đường sắt Thành phố Hồ Chí Minh - Cần Thơ, đoạn tuyến qua địa bàn thành phố có chiều dài khoảng 174km, đường khổ đôi 1.435mm, tốc độ thiết kế khoảng 190km/h cho tàu khách và 120km/h cho tàu hàng. Tổng vốn đầu tư sơ bộ của dự án trên 9 tỷ USD.
Theo phương án nghiên cứu tiền khả thi, tuyến đường sắt có điểm đầu là ga An Bình (Bình Dương), điểm cuối là ga Cái Răng. Toàn tuyến có 13 nhà ga, đi qua 6 tỉnh, thành gồm Bình Dương, TP.HCM, Long An, Tiền Giang, Vĩnh Long và Cần Thơ.
Về phương án đầu tư, tư vấn nghiên cứu đề xuất đầu tư dự án theo hình thức PPP: Nhà nước thanh toán tiền giải phóng mặt bằng, nhà đầu tư PPP huy động vốn xây dựng hạ tầng, thử nghiệm và bàn giao lại cho Nhà nước, đây là hình thức BTL.
Về mô hình quản lý khai thác, nhà đầu tư thành lập Công ty cổ phần Vận tải đường sắt TP.HCM - Cần Thơ để đầu tư phương tiện, tổ chức vận hành khai thác và bảo dưỡng hạ tầng, phương tiện và trả phí thuê cơ sở hạ tầng cho Công ty đầu tư và quản lý hạ tầng đường sắt (của nhà nước). Trong giai đoạn sau tiếp tục nghiên cứu đề xuất thêm các mô hình phù hợp với mô hình đầu tư.
Mới đây, Bộ Giao thông Vận tải vừa có Thông báo số 78/TB- BGTVT thông báo kết luận của Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Danh Huy về công tác chuẩn bị đầu tư Dự án tuyến đường sắt TP.HCM - Cần Thơ.
Theo đó, lãnh đạo Bộ Giao thông vận tải đánh giá, dự án tuyến đường sắt TP.HCM - Cần Thơ là dự án khó, quy mô lớn, tính chất kỹ thuật phức tạp, thuộc tiêu chí dự án quan trọng quốc gia, vì vậy, cần nghiên cứu cẩn trọng, kỹ lưỡng và đánh giá đầy đủ các yếu tố theo quy định của pháp luật về đầu tư công và đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP).
Để hoàn thiện dự án, lãnh đạo Bộ GTVT yêu cầu Ban quản lý dự án đường sắt, tư vấn rà soát, làm rõ số liệu dự báo nhu cầu vận tải bảo đảm tính khoa học, thống nhất với số liệu trên hành lang vận tải TP.HCM - TP. Cần Thơ.
Thứ trưởng Nguyễn Danh Huy lưu ý, việc xem xét dự án tuyến đường sắt TP.HCM - Cần Thơ cần phải được đặt trong bài toán tổng thể của quy hoạch, đầu tư mạng lưới đường sắt quốc gia, kết nối với tuyến đường sắt Bắc - Nam, đường sắt xuyên Á và đường sắt kết nối với cảng Cái Mép - Thị Vải.
Cùng với đó, Thứ trưởng yêu cầu Ban Quản lý dự án đường sắt, tư vấn phân tích ưu, nhược điểm cho việc lựa chọn công nghệ, tiêu chuẩn kỹ thuật, tốc độ thiết kế và cần đồng bộ với việc đầu tư, khai thác với các tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam, Biên Hòa - Vũng Tàu, đường sắt xuyên Á, bảo đảm kết nối thuận tiện. Đồng thời, lãnh đạo Bộ Giao thông vận tải yêu cầu Ban quản lý dự án đường sắt phải chỉ đạo tư vấn thiết kế tiếp thu, hoàn thiện Hồ sơ chủ trương đầu tư dự án, trình Bộ trong tháng 3/2023.
Vụ Kế hoạch - Đầu tư rà soát, tham mưu lấy ý kiến chính thức của các địa phương, cơ quan có liên quan, Hiệp hội sông Mê Kông làm cơ sở triển khai các bước tiếp theo.
Nhịp sống kinh tế