MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Dự án hạ tầng Tràng An: Quy hoạch treo 10 năm, dân khổ vì "án binh bất động"

12-07-2016 - 14:19 PM | Bất động sản

Dự án nạo vét, xây kè bảo tồn cảnh quan sông Sào Khê; xây dựng cơ sở hạ tầng Khu du lịch sinh thái Tràng An đã thông báo GPMB 10 năm, nhưng đến nay nhiều người dân vùng dự án "án binh bất động" trong chính ngôi nhà của mình vì chưa biết sẽ đi hay ở

Theo báo cáo tại hội nghị kiểm điểm và bàn biện pháp đẩy nhanh tiến độ thực hiện công tác GPMB, hoàn ứng các dự án: Nạo vét, xây kè bảo tồn cảnh quan sông Sào Khê; xây dựng cơ sở hạ tầng Khu du lịch sinh thái Tràng An vào chiều 30/3/2016, do UBND tỉnh Ninh Bình tổ chức, dự án nạo vét, xây kè bảo tồn cảnh quan sông Sào Khê thuộc Khu di tích lịch sử văn hóa Cố đô Hoa Lư với tổng mức đầu tư trên 2.590 tỷ đồng, thời gian thực hiện từ năm 2005 - 2016.

Đến nay, khối lượng chính đã thực hiện được gồm: Nạo vét sông đạt 12/14 km, đang tiến hành thi công xây kè, đắp đường phòng hộ, xây dựng cống tưới tiêu, 3 cầu qua sông Sào Khê...

Nhiều ngôi nhà trong vùng dự án không thể cải tạo, xây sửa vì đã đo đạc kiểm đếm nhưng người dân chưa biết khi nào họ mới được di dời khi dự án treo đã kéo dài 10 năm

Đến nay, công tác giải phóng mặt bằng: Tổng diện tích cần thu hồi phục vụ thi công dự án là trên 176 ha, đã thu hồi được trên 101 ha, nhưng chưa đáp ứng được yêu cầu tiến độ thực hiện dự án. Thực hiện Thông báo số 74/TB-UBND ngày 24-12-2015 của UBND tỉnh, Ban quản lý dự án đã phối hợp với các địa phương và đơn vị liên quan thực hiện xong việc nghiệm thu khối lượng đã thi công; phối hợp với huyện Hoa Lư thống kê lại toàn bộ diện tích phải GPMB và các hộ phải di chuyển ra khu tái định cư; thực hiện hoàn ứng kinh phí GPMB trong tháng 3-2016.

Sau khi thông tin này được đưa tin trên báo điện tử Ninh Bình ngày 30/3/2016, đại diện một số hộ dân tại thôn Đông Thành, xã Trường Yên, huyện Hoa Lư, Ninh Bình đã chia sẻ ưu phiền về việc triển khai dự án sông Sào Khê đã để dân nghèo mông lung chờ đợi.

Một trong số những hộ dân nằm trong vùng đất thuộc diện phải di dời để phục vụ thực hiện dự án, Bà Giang Thị Tân, thôn Đông Thành, xã Trường Yên cho biết: Năm 2007, gia đình chúng tôi cùng một số hộ xung quanh nhận được thông báo sẽ Giải phóng mặt bằng một số hộ dân gần trạm bơm Minh Hoa và ngã ba Yên Trạch để phục vụ việc nạo vét, xây kè, bảo tồn cảnh quan sông Sào Khê. Sau thông báo đó là có cuộc họp dân cư và Hội đồng giải phóng mặt bằng huyện Hoa Lư cùng UBND xã Trường Yên đã tiến hành kiểm tra, kiểm kê chi tiết để xác định khối lượng đất đai tài sản trên đất bị dự án chiếm dụng để lập phương án đền bù, hộ trợ cho gia đình.

Thời điểm đó, do ông Vũ Văn Huận, Phó Chủ tịch UNBD huyện Hoa Lư làm trưởng nhóm; Ông Nguyễn Dũng Sỹ và Ông Nguyễn Minh Tương đại diện UBND xã phối hợp thực hiện kiểm kê. Biên bản kiểm kê đã được hai bên là chủ hộ và đại diện bộ phận kiểm đếm ký vào ngày 25/9/2007.

Sau từng đấy năm chờ đợi, thấp thỏm và bất an bởi không biết dự án có triển khai để gia đình xây dựng, sửa sang và yên tâm làm ăn trên mảnh đất của mình thì đến ngày 5/6/2014 UBND xã Trường Yên lại tiếp tục có thư mời để Hội đồng Giải phóng mặt bằng huyện Hoa Lư thống nhất lại việc rà soát lại biên bản kiểm đếm tài sản của gia đình và giao tái định cư khi nhà nước thu hồi đất, giấy mời do Chủ tịch xã Nguyễn Thế Vịnh ký. Bà Giang Thị Tân cùng các hộ gia đình xung quanh nằm trong diện giải phóng mặt bằng đã đến theo thư mời và tất cả đều có chung suy nghĩ: “Chắc lần này dự án sẽ thực hiện thật!?”.

Cũng vì lẽ đó mà những hộ dân cư trong diện giải phóng ở khu vực này đã không dám xây dựng, tu bổ, trồng trọt gì thêm trên mảnh đất bao năm mình gắn bó.

Với gia đình Bà Giang Thị Tân, từ khi mới hai thế hệ, nay đã tăng lên ba thế hệ, ngôi nhà năm xưa đã quá chật, mỗi khi mùa lũ về, tầng hầm bị nước tràn vào, đồ đạc không biết di dời chỗ nào, trong khi diện tích ngôi nhà không đủ để 10 người sinh hoạt, đó là chưa kể mỗi dịp nhà có việc.

Gia đình Bà Tân rất muốn đập ngôi nhà cũ đi để xây dựng một ngôi nhà mới phục vụ nhu cầu hiện tại cần của gia đình. Nhưng chỉ vướng một điều: Ban Giải phóng mặt bằng huyện Hoa Lư và phòng địa chính xã đã kiểm kê và được biết địa phận này sẽ giải tỏa theo như thông báo tại hai buổi họp tại UBND xã Trường Yên. Ngần ấy thời gian, những hộ gia đình nơi đây đã kiến nghị mà không có cấp thẩm quyền nào trả lời cho gia đình bà và những hộ dân xung quanh biết là họ có phải di dời hay không. Dự án có thực hiện hay không?.

Cùng có chung một nỗi niềm như Bà Tân, gia đình bà Sơn, Bà Mai… cũng án binh bất động, không dám duy tu sửa chữa, sơn tường, trồng cây… vì nếu lỡ đầu tư rồi dự án lại thông báo??!!… Những hộ dân nơi đây đã mấy thế hệ gắn bó với mảnh đất này, nhưng vì góp phần vào nhiệm vụ chung của địa phương, của tỉnh và quần thể khu di tích lịch sử cố đô Hoa Lư nên, chắc hẳn họ phải nghiêm túc thực hiện.

Những hộ dân nơi này đang đứng ở “ngã ba đường”, với một câu hỏi rất mông lung: Liệu dự án có triển khai? Và họ rất bức xúc với kiểu kiểu quy hoạch treo hiện nay của dự án sông Sào khê.

Được biết, dự án sông Sào Khê là một dự án lớn, phục vụ cho phát triển du lịch tại Ninh Bình. Du lịch đã làm thay đổi một vùng quê, giải quyết công ăn việc làm cho biết bao lao động của xã Trường Yên và vùng lân cận. Nhưng để dự án phục vụ du lịch tâm linh thì cần có sự thực hiện và triển khai nghiêm túc, chuyện giải phóng mặt bằng cũng cần phải cân nhắc kỹ, với người dân phải thực sự tôn trọng và cẩn trọng khi thực hiện.

Với người dân, họ có an cư thì mới lập nghiệp. Do vậy, mong muốn chính đáng của các hộ dân nơi đây là đề nghị UBND tỉnh Ninh Bình, Sở Tài nguyên và Môi trường Ninh Bình, UBND huyện Hoa Lư, chủ dự án quan tâm và cần có sự trả lời nhanh chóng với những hộ dân khu vực này để họ yên tâm làm ăn trên mảnh đất quê hương.

Theo Diệp Anh

Infonet

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên