MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Dự án hơn 11.000 tỷ đồng làm sạch kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè: Nhà thầu kêu cứu

07-03-2019 - 22:02 PM | Bất động sản

Sau nhiều lần được gia hạn thời gian giải ngân vốn, Dự án Nhiêu Lộc - Thị Nghè lẽ ra phải được hoàn thành và đưa vào sử dụng như dự kiến nhưng hiện vẫn chưa thể xong, mới đây một nhà thầu nước ngoài đã gửi đơn kêu cứu Thủ tướng củng nhiều cơ quan chức năng.

Để tiếp tục làm sạch nguồn nước thải từ kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè, TPHCM tiếp tục đầu tư giai đoạn 2 bằng nguồn vốn vay của Ngân hàng Thế giới và đối ứng UBND TPHCM để xây dựng một nhà máy xử lý nước thải, công suất 48.000m3/ngày đêm, sau khi xử lý nước sẽ đạt tiêu chuẩn A.

Đầu năm 2015, Ban Quản lý đầu tư Dự án Vệ sinh môi trường TPHCM đã thông báo mời sơ tuyển nhà thầu thực hiện Gói thầu Thiết kế - xây dựng - vận hành Nhà máy Xử lý nước thải Nhiêu Lộc - Thị Nghè (XL-02). 

Đây là gói thầu lớn thuộc Dự án Vệ sinh môi trường TPHCM giai đoạn 2, sử dụng vốn vay của Ngân hàng Thế giới (WB), thời gian phát hành hồ sơ mời thầu (HSMT) từ ngày 11/2/2015 đến 17/4/2015. Hình thức lựa chọn nhà thầu là đấu thầu rộng rãi quốc tế có sơ tuyển.

Theo kế hoạch lựa chọn nhà thầu được WB chấp thuận và UBND TPHCM phê duyệt, Gói thầu XL-02 được thực hiện theo hợp đồng DBO (thiết kế - thi công - vận hành). Đây là loại hợp đồng hoàn toàn mới, lần đầu tiên được triển khai tại TP.HCM.

Đến ngày 7/3/2017, Bên mời thầu mới công bố quyết định về danh sách ngắn các nhà thầu tham gia Gói thầu XL-02. Theo danh sách này, có đến 7 nhà thầu đến từ nhiều quốc gia quan tâm đến Gói thầu.

Đầu tháng 8/2017, Ban Quản lý đầu tư Dự án Vệ sinh môi trường TP.HCM mới mở thầu và kết quả có 3 liên danh nhà thầu nước ngoài có giá thấp hơn giá chào thầu. 3 nhà thầu đang được cân nhắc lựa chọn là: Liên danh Samsung - Kolon - TSK; Liên danh Acciona - Vinci và Liên danh DEGREMONT - POSCO. Theo đó, giá dự thầu lần lượt của các nhà thầu là 225,8 triệu USD; 240,6 triệu USD và 250,9 triệu USD.

Dự án hơn 11.000 tỷ đồng làm sạch kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè: Nhà thầu kêu cứu  - Ảnh 1.

Cũng theo đơn kêu cứu của liên danh Samsung - Kolon - TSK, sau khi đấu thầu, trải qua quãng thời gian xem xét về kỹ thuật và giá cả kéo dài tới 1 năm 3 tháng, Liên danh Samsung - Kolon - TSK không dưới 3 lần được đề xuất ý kiến làm đối tác đàm phán ưu tiên từ chính đơn vị mời thầu là Ban Quản lý Đầu tư dự án Vệ sinh Môi trường Thành phố.

Nhưng chỉ trong một thời gian ngắn chưa đầy một tháng, nhà thầu đứng vị trí thứ nhất (tức liên danh Samsung - Kolon - TSK) đã bị loại ra và thay vào là nhà thầu đứng vị trí thứ hai trở thành đối tác đàm phán ưu tiên. Việc bắt đầu thương lượng hợp đồng với nhà thầu đứng vị trí thứ hai với giá bỏ thầu đắt hơn khoản 335 tỷ đồng xuất phát từ quan điểm xung đột lợi ích của World Bank.

Theo đó, việc World Bank cho rằng liên danh Samsung Engineering có sự xung đột lợi ích là một quan điểm không có cơ sở pháp lý. Việc lựa chọn nhà thầu đứng vị trí thứ 2 để thương lượng ưu tiên mà bỏ qua nhà thầu đứng vị trí thứ nhất theo kết quả đấu thầu là một việc hoàn toàn không có tiền lệ quốc tế.

Đã nhiều năm trôi qua, kể từ thời điểm mời sơ tuyển mà Ban Quản lý đầu tư Dự án Vệ sinh môi trường TPHCM vẫn chưa thể chọn được nhà thầu thực hiện Gói thầu, khiến cho Dự án Vệ sinh môi trường TPHCM giai đoạn 2 rơi vào bế tắc. Điều này ảnh hưởng rất lớn đến nỗ lực cải thiện tình trạng ô nhiễm môi trường của TPHCM, không phát huy hết khối lượng lớn công việc trong giai đoạn 1 đã hoàn thành.

Được biết, liên danh Samsung - Kolon - TSK đã gửi thư khiếu nại đến Ban Quản lý Đầu tư - Dự án Cải thiện Môi trường Đô thị TPHCM. Tiếp đó, đơn vị này cũng đã gửi thư khiếu nại tới Chủ tịch UBND TPHCM, cùng gửi thư khiếu nại lần 1 lên Thủ tướng cùng các bộ ban ngành liên quan nhằm xem xét lại toàn bộ quá trình đấu thầu dự án để đảm bảo quyền lợi hợp pháp của các nhà thầu..

Danh sách ngắn các nhà thầu tham gia Gói thầu Thiết kế - xây dựng - vận hành Nhà máy Xử lý nước thải Nhiêu Lộc - Thị Nghè:

Liên danh Acciona Agua S.A, Vinci Construction Grands Projets S.A.S (Tây Ban Nha) - Vinci Environment (Pháp) (Liên danh Acciona - Vinci); Liên danh DEGREMONT SAS (Pháp) - Công ty TNHH Xây dựng và Kỹ thuật POSCO (Hàn Quốc) (Liên danh DEGREMONT - POSCO); Tập đoàn Xây dựng JFE (Nhật Bản); Liên danh OTV (Pháp) - Công ty TNHH Công nghiệp Daelim (Hàn Quốc) (Liên danh OTV - DAELIM);

Liên danh Công ty TNHH Xây dựng Samsung (Hàn Quốc) - Tập đoàn Kolon (Hàn Quốc) - Công ty TNHH Tsukishima Kikai (Nhật Bản) (Liên danh Samsung - Kolon - TSK); Liên danh Tập đoàn Swing (Nhật Bản) - Tập đoàn Xây dựng và Kỹ thuật GS (Hàn Quốc) (Liên danh Swing - GS); Liên danh VA TECH WABAG (Ấn Độ) - WTE Wassertechnik GmbH (Đức) (Liên danh WABAG - WTE).

Nam Phong

Nhịp sống kinh tế

Trở lên trên