Dự án tỷ đô “xông đất” cho dòng vốn FDI vào Việt Nam năm 2020
Với việc nhận được Giấy Chứng nhận đầu tư, dự án điện khí LNG Bạc Liêu của nhà đầu tư Singapore có vốn đăng ký 4 tỷ USD đã “xông đất” cho dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Việt Nam trong năm 2020.
Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu Dương Thành Trung vừa trao quyết định chủ trương đầu tư dự án nhà máy điện khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) Bạc Liêu công suất 3.200MW cho Công ty TNHH Delta Offshore Energy Pte. Ltd (DOE Singapore).
Dự án gồm nhà máy điện tổng công suất thiết kế 3.200MW trên diện tích đất 40ha tại xã Vĩnh Hậu A (huyện Hòa Bình, Bạc Liêu); trạm tiếp nhận và lưu trữ nhiên liệu có diện tích nổi khoảng 100ha mặt biển (lưu trữ từ 150.000 đến 174.000m3 khí tự nhiên hóa lỏng); trạm tái hóa khí và 35km đường ống dẫn khí áp suất cao.
Dự kiến, đến cuối tháng 12/2020, nhà đầu tư sẽ hoàn thành khâu chuẩn bị đầu tư dự án. Trong 36 tháng tiếp theo sẽ triển khai xây lắp khu tiếp nhận, lưu trữ LNG và xây dựng trạm tái hóa khí, đường đưa khí vào bờ và vận hành tổ máy tuabin khí giai đoạn 1 (750MW) vào cuối năm 2023. Sau đó, nhà đầu tư sẽ tiếp tục xây lắp và đưa vào vận hành các tổ máy còn lại của dự án để đạt đủ công suất 3.200 MW trước tháng 12-2027.
Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho biết, dự án điện khí LNG Bạc Liêu đã góp phần nâng tổng vốn FDI vào Việt Nam trong tháng 1/2020 lên con số 5,33 tỷ USD, tăng gần 2,8 lần so với cùng kỳ năm 2019. Trong đó, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đăng ký cấp mới đạt 4,46 tỷ USD, tăng 5,5 lần so với cùng kỳ năm 2019. Sau một năm trầm lắng, tháng đầu tiên của năm 2020, dòng vốn FDI có dấu hiệu sôi động trở lại. Tổng lượng vốn và quy mô dự án đều tăng lên.
“Dự án tỷ USD Điện khí Bạc Liêu đã góp phần quan trọng tạo khí thế mới cho thu hút đầu tư nước ngoài trong năm 2020 đã góp phần thổi “luồng gió mới” vào tình hình thu hút vốn FDI có phần ảm đạm. Sự xuất hiện của dự án lớn, quy mô vốn đăng ký bình quân của dự án mới tăng từ 3,6 triệu USD trong tháng 1 năm 2019 lên 17,3 triệu USD trong tháng 1 năm 2020”, Cục đầu tư nước ngoài cho biết.
Bên cạnh đó, trong tháng 1/2020, vốn FDI điều chỉnh đạt gần 334 triệu USD, bằng 98,1% so với cùng kỳ năm 2019. Bên cạnh đó, vốn đầu tư thông qua góp vốn, mua cổ phần đạt 534,8 triệu USD, bằng 70,2% so với cùng kỳ năm 2019. Vốn FDI giải ngân ước đạt 1,6 tỷ USD, tăng 3,2% so với cùng kỳ năm 2019.
Theo Bộ KH&ĐT, trong tháng đầu tiên của năm 2020, các nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 17 ngành lĩnh vực, trong đó lĩnh vực sản xuất phân phối điện dẫn đầu với tổng số vốn đạt 4,04 tỷ USD, chiếm 75,8% tổng vốn đầu tư đăng ký. Lĩnh vực công nghiệp chế biến chế tạo đứng thứ 2 với tổng vốn đầu tư 856,3 triệu USD, chiếm 16,1% tổng vốn đầu tư đăng ký. Đây vẫn là lĩnh vực chiếm tỷ trọng lớn nhất về số lượng dự án cấp mới, điều chỉnh cũng như góp vốn mua cổ phần.
Trong tháng 1/2020, có 59 quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư tại Việt Nam. Singapore dẫn đầu với tổng vốn đầu tư 4,16 tỷ USD, chiếm 78,1% tổng vốn đầu tư vào Việt Nam; Hàn Quốc đứng thứ hai với tổng vốn đầu tư 264,5 triệu USD, chiếm 5% tổng vốn đầu tư. Hồng Kông đứng vị trí thứ 3 với tổng vốn đầu tư đăng ký gần 212 triệu USD, chiếm 4% tổng vốn đầu tư, trong đó tập trung nhiều vào hình thức đầu tư mới (chiếm gần 70% tổng vốn đầu tư của Hồng Kong trong tháng 1 năm 2020). Tiếp theo là Trung Quốc, Nhật Bản…
Tiền phong