MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Dự án tỷ USD trên sông Hồng: Vấn đề tác động đến môi trường vẫn còn bỏ ngỏ

Với một dự án có quy mô lớn thực hiện hiện trên Sông Hồng do Công ty Xuân Thành kiến nghị, lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư khẳng định nhiều vấn đề đánh giá tác động môi trường đang còn bỏ ngỏ.

Đó là quan điểm được ông Nguyễn Xuân Tự, Vụ trưởng Vụ Giám sát và thẩm định đầu tư (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), đưa ra khi cho biết về kiến nghị đầu tư các hạng mục công trình thủy lộ và thủy điện của nhà đầu tư là Tập đoàn Xuân Thành do bầu Thụy làm chủ đầu tư.

Ông Tự cho biết, đây mới chỉ là dự án sơ khai, ý tưởng đề xuất ban đầu của nhà đầu tư. Tuy nhiên, do các hạng mục đầu tư được nhà đầu tư đề xuất, có tầm quan trọng rất lớn khi ảnh hưởng đến môi trường và các vấn đề khác, nên cần xem xét và đánh giá đầy đủ tác động.

"Nhận thức tầm quan trọng ảnh hưởng môi trường và các vấn đề khác, nên Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã lấy ý kiến từ các bên liên quan và bước đầu nhận được sự đồng thuận cao của các bộ ngành, song cho chủ đầu tư cần tiếp tục nghiên cứu dự án" - Lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư khẳng định.

Theo đó, để dự án có thể được phê duyệt thì chủ đầu tư phải đề xuất cụ thể dự án, trình các cơ quan có thẩm quyền, sau đó lập hình thức đầu tư khả thi, thì khi đó nhà đầu tư mới được tiếp tục đầu tư.

Ông Tự khẳng định thêm: "Việc đầu tư này ta ủng hộ đề xuất sáng kiến của họ, nhưng không phải cứ đề xuất là được đầu tư, mà phải thông qua đấu thầu. Dự án này chắc hắn ảnh hưởng môi trường nhưng ảnh hưởng như thế nào, nạo vét dòng sông, thì phải có đánh giá tác động môi trường, các bước lập dự án khả thi, chi tiết và phối hợp bộ ngành khác liên quan để thực hiện".

Cũng theo quan điểm của lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, dự án này có quy mô khá lớn kéo dài từ Lào Cai, dọc theo sông Hồng, nên chắc chắn ảnh hưởng đến châu thổ đồng bằng Sông Hồng, ảnh hưởng thủy văn, thủy lợi, xói lở hai dòng sông...

Do đó, việc xây dựng đập dâng nước, địa chất, mua bán điện mà chủ đầu tư là Tập đoàn Xuân Thành đề xuất vẫn đang là vấn đề bỏ ngỏ cần được nghiên cứu kỹ lưỡng.

Theo Tập đoàn Xuân Thành đề xuất, dự án có mục tiêu kép là nâng cấp tuyến vận tải đường thủy dọc sông Hồng trên cơ sở kết nối hai tuyến vận tải thủy lớn là Hải Phòng - Việt Trì và Hà Nội - Lạch Giang; cung cấp lượng điện năng lên tới 0,91 tỉ kWh/năm.

Cụ thể, chủ đầu tư sẽ xây dựng sáu đập dâng nước và âu tàu, nạo vét 288 km luồng sông Hồng đoạn từ Việt Trì lên Lào Cai đạt tiêu chuẩn sông cấp III; kết hợp xây dựng sáu nhà máy thủy điện nhỏ (cấp II) kiểu tuabin trục ngang cột nước thấp với tổng công suất thiết kế khoảng 228 MW (mỗi nhà máy thủy điện khoảng hơn 30 MW); xây dựng bảy cảng dọc tuyến từ Hà Nội lên tới Lào Cai.

Tổng vốn đầu tư dự án khoảng 24.510 tỉ đồng, trong đó 30% tổng mức đầu tư do nhà đầu tư góp bằng vốn chủ sở hữu; phần còn lại sẽ được huy động vốn vay thương mại.

Nguồn thu chính của dự án gồm phí luồng tuyến (đoạn Việt Trì – Yên Bái thu từ 10.000 đến 15.000 đồng/tấn; đoạn Yên Bái thu 40.000-45.000 đồng/tấn); bán điện (giá bán điện khởi đầu là 1.900 đồng/kWh và có lộ trình tăng giá lên 3.560 đồng/kWh)… Dự án dự kiến hoàn vốn trong 25 năm.

Được biết, ngày 8/12/2015, Thủ tướng đã giao Bộ KH&ĐT chủ trì, phối hợp với Bộ GTVT và các bộ, ngành, địa phương liên quan tổ chức thẩm định hồ sơ dự án, lập báo cáo thẩm định và báo cáo Thủ tướng xem xét, quyết định chủ trương đầu tư dự án trên.

An Ngọc

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên