Dự báo lãi suất sẽ bình ổn cho đến sự kiện quan trọng trong tháng 9
Các chỉ tiêu dự báo của VIRA tháng 7/2021
Tác động từ bên ngoài được chú ý hơn, nhưng thị trường tiền tệ trong nước vẫn ổn định với các yếu tố và cân đối nội tại; lãi suất liên ngân hàng thậm chí được dự báo sẽ giảm.
- 05-07-2021Đầu tháng 7, gửi tiết kiệm ngân hàng nào để có lãi suất cao nhất?
- 05-07-2021Lãi suất càng thấp, trách nhiệm càng phải cao
- 30-06-2021SSI Research: Lãi suất tiền gửi có thể tăng 50 điểm cơ bản
Cuộc họp chính sách tháng 6 vừa qua của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã phát đi thông điệp mới: dự kiến nâng lãi suất sớm hơn cùng với hướng thu hẹp chính sách nới lỏng. Các thị trường ngay sau đó ít nhiều đã có phản ứng.
Cuộc họp tháng 7 này của Fed sẽ tiếp tục tạo điểm nhấn, nhưng theo nhận định của một số chuyên gia thì cuộc họp vào tháng 9, cuối quý 3, mới thực sự đáng quan tâm hơn. Bởi lẽ, kinh tế Mỹ đến đó đã có một khoảng thời gian đáng kể để đánh giá thêm áp lực lạm phát vừa qua và hiện nay có là tạm thời, đánh giá tăng trưởng GDP cùng cân nhắc các gói nới lỏng định lượng…
Với Việt Nam, kết quả cuộc họp tháng 9 theo đó được dự báo sẽ tác động rõ hơn đến lãi suất, tỷ giá , lợi suất trái phiếu Chính phủ theo hướng có thể cùng tăng lên.
Từ nay đến đó, theo dự báo Hội Nghiên cứu Thị trường liên ngân hàng Việt Nam (VIRA), các chỉ tiêu chính trên thị trường tiền tệ Việt Nam vẫn sẽ tiếp tục ổn định, gắn với những yếu tố nội tại và bối cảnh khá riêng.
VIRA tập hợp những đại diện đến từ khối nghiên cứu thị trường của các ngân hàng thương mại, cùng một số công ty chứng khoán hàng đầu, định kỳ hàng tháng đưa ra dự báo về 4 chỉ tiêu chính: tỷ giá USD/VND giao ngay liên ngân hàng, lãi suất VND liên ngân hàng kỳ hạn 1 tuần, lợi suất trái phiếu Chính phủ kỳ hạn 10 năm và chỉ số giá tiêu dùng CPI so với cùng kỳ năm trước. Bạn đọc có thể tham khảo chi tiết hơn tại https://vira.org.vn .
Dự báo CPI tháng 7 so với cùng kỳ 2020 của các thành viên VIRA
Đã sang tháng thứ ba nền kinh tế sống chung với đợt bùng phát dịch Covid-19 trong cộng đồng. Điểm nóng của dịch bệnh đang là TP.HCM - trung tâm kinh tế và thương mại lớn của đất nước.
Diễn biến trên tiếp tục là yếu tố tác động chính và kìm chế cầu tiêu dùng trong nền kinh tế - điều đã thể hiện trong tháng 6 khi chỉ số CPI tiếp tục ở mức thấp. Tại một hội thảo mới đây của Bộ Tài chính, xu hướng thấp này được một số chuyên gia dự báo sẽ nối dài và thậm chí mức kiểm soát cả năm chỉ tăng khoảng 3%.
Còn theo dự báo của VIRA, CPI tháng 7 sẽ chỉ tăng nhẹ so với cùng kỳ năm trước do giá xăng dầu thế giới đã liên tiếp tăng mạnh, trong khi giá thực phẩm giảm thêm giúp hãm đà tăng, ảnh hưởng của Covid-19 như trên cũng kiềm chế sức cầu. Mức bình quân dự báo của các thành viên VIRA về CPI tháng 7 sẽ chỉ tăng 2,32% so với cùng kỳ năm ngoái.
Nhiều thành viên VIRA dự báo lãi suất VND kỳ hạn 1 tuần sẽ giảm mạnh trên liên ngân hàng trong tháng này
Điểm được chú ý và khá đồng nhất trong dự báo của các thành viên VIRA có ở chỉ tiêu lãi suất VND kỳ hạn 1 tuần trên liên ngân hàng. Sau đợt tăng trong tháng 5 và giữ ở mức khá cao trong tháng 6, lãi suất này được dự báo sẽ giảm nhẹ trong tháng 7. Mức dự báo bình quân tháng 7 này sẽ chỉ 1,03%/năm, giảm đáng kể so với bình quân thực tế 1,34% tháng 6 vừa qua, thậm chí khá nhiều thành viên trù tính sẽ rơi hẳn xuống dưới mốc 1%/năm.
Trước hết, từ tuần thứ ba của tháng 7 hệ thống sẽ bắt đầu đón nguồn tiền lớn từ kênh Ngân hàng Nhà nước mua ngoại tệ tập trung đáo hạn. Trong khi đó, qua 6 tháng đầu năm, về đầu ra, nhiều NHTM đã đẩy tăng trưởng tín dụng khá cao, bình quân toàn hệ thống cũng cao hơn gấp đôi cùng kỳ năm ngoái; Ngân hàng Nhà nước chặt chẽ trong xét duyệt nới giới hạn hiện nay. Như vậy, đầu vào thêm yếu tố thuận lợi, đầu ra có kiểm soát chặt chẽ và khó nới ngay, cân đối nguồn theo đó là một cơ sở chính cho dự báo trên của VIRA.
Dự báo bình quân tỷ giá USD/VND giao ngay trên thị trường liên ngân hàng trong tháng 7
Như vậy, ở dự báo chung, tỷ giá USD/VND được kỳ vọng sẽ tiếp tục ổn định, bất chấp điểm hoán đổi lãi suất VND - USD trên liên ngân hàng dự báo sẽ thu hẹp. Một số thành viên VIRA cho rằng, họ kỳ vọng dòng vốn vào vẫn lấn át dòng ra; cung ngoại tệ theo đó tiếp tục thuận lợi và tỷ giá ổn định.
Dự báo bình quân lợi suất TPCP kỳ hạn 10 năm trong tháng 7
Nửa đầu năm 2021 đã đi qua song hụy động của Kho bạc Nhà nước qua phát hành trái phiếu Chính phủ (TPCP) mới chỉ nhỉnh hơn 40% kế hoạch năm. Nguồn cung theo đó dự báo sẽ tiếp tục tăng mạnh từ tháng 7 cũng như các tháng còn lại. Tuy nhiên, nhu cầu vẫn có thể lớn hơn khi lượng TPCP đáo hạn năm nay lớn, các tổ chức tiếp tục cân đối danh mục.
Ở sự phối hợp của chính sách tiền tệ, dự kiến Ngân hàng Nhà nước sẽ vẫn duy trì mức độ nới lỏng hiện nay. Chi phí vốn theo đó giảm và lợi suất TPCP kỳ hạn 10 năm được VIRA dự báo tiếp tục giảm nhẹ xuống bình quân 2,14% trong tháng này so với bình quân thực tế 2,19% trong tháng 6.
Dự báo ba chỉ tiêu chính trong ba tháng tới
Như trên, một số thành viên VIRA cho biết họ nhận định cuộc họp chính sách của Fed vào tháng 9 trở nên quan trọng và dự kiến sẽ có ảnh hưởng nhất định đến các chỉ tiêu chính trên thị trường tiền tệ Việt Nam.
Tuy nhiên các yếu tố nội tại của thị trường và nền kinh tế Việt Nam tiếp tục quyết định hướng ổn định nối tiếp. Dự báo của VIRA cho ba tháng tới, đến tháng 9, lợi suất TPCP kỳ hạn 10 năm không nhiều thay đổi với bình quân dự báo 2,19%; tỷ giá USD/VND giao ngay trên thị trường liên ngân hàng cũng được dự báo gần như đi ngang so với hiện nay, bình quân ở 23.007 VND; và tương tự bình quân lãi suất VND kỳ hạn 1 tuần trên liên ngân hàng dự báo vẫn chỉ ở khoảng 1,02%/năm, thấp hơn so với tháng 5 và 6 vừa qua.
Bizlive