MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Dự báo một mùa vải thiều ảm đạm

14-04-2017 - 11:10 AM | Thị trường

Không riêng gì tỉnh Hải Dương, mùa vải năm 2017 của thủ phủ vải thiều tại Bắc Giang năm nay chắc chắn sẽ giảm sút nghiêm trọng. Đến thời điểm này, dù đã áp dụng đủ mọi phương pháp kỹ thuật, nhưng tỉ lệ ra hoa của cây vải chỉ đạt khoảng 30 - 35% diện tích. Hàng ngàn hộ trồng vải trên 2 địa bàn tỉnh có nguy cơ không thể lấy lại vốn, thậm chí có hộ còn thua lỗ.

Tín hiệu buồn...

Trao đổi với PV Báo Lao Động, bà Lương Thị Kiểm - Trưởng phòng Trồng trọt - Sở NNPTNT tỉnh Hải Dương bày tỏ sự lo lắng khi chỉ có khoảng 2.000ha vải chín sớm của tỉnh, đạt tỉ lệ ra hoa 90%, còn lại 8.500ha vải thiều mùa này tỉ lệ “điếc” lên tới 70%. “Mặc dù người trồng đã cố chăm sóc, áp dụng kỹ thuật để kích thích cây vải ra hoa, nhưng nơi có tỉ lệ ra hoa cao nhất (đạt 60-70%) cũng chỉ vẻn vẹn 100ha. Như vậy, tính bình quân, trong số 8.500ha vải thiều, tỉ lệ ra hoa chỉ đạt 30-35%.

Chỉ vào vườn vải bắt đầu đơm quả, không giấu nổi vẻ buồn rầu, ông Đỗ Gia Mừng (thôn Hố Sếu, xã Hoàng Hoa Thám, thị xã Chí Linh, tỉnh Hải Dương) cho biết: Trên địa bàn thị xã Chí Linh, hộ có diện tích trồng đạt 2ha như gia đình ông cũng thuộc diện “có máu mặt”. Thế nhưng, mùa vải năm 2017 này, 2ha vải của gia đình ông có tỉ lệ ra hoa thấp đến mức giật mình, chỉ đạt khoảng 30%.

“Mùa vải năm 2016, tỉ lệ vải ra hoa đạt 100%, gia đình tôi thu hoạch được khoảng 20 tấn quả. Sau khi trừ mọi chi phí, lãi ròng thu được khoảng 100 triệu đồng. Nhưng năm nay, với tỉ lệ ra hoa này, sản lượng may lắm cũng chỉ đạt khoảng 3 tấn quả” - ông Mừng chia sẻ.

Không riêng gì tỉnh Hải Dương, tại huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang, không khí buồn bao trùm lên gia đình các hộ trồng vải, khi tỉ lệ ra hoa tại địa bàn này cũng không khá gì hơn. Một hộ trồng vải tại đây cho biết: Ngay từ khi cây vải bắt đầu vào thời kỳ ra nụ, gia đình ông đã vặt bớt lá, bẻ bớt lộc để cây tập trung đơm hoa, nhưng tỉ lệ ra hoa vẫn rất thấp. Ông Phạm Văn Hoành - Chi Cục trưởng Chi cục Bảo vệ thực vật (Sở NNPTNT tỉnh Bắc Giang) cũng chia sẻ, với tỉ lệ ra hoa chỉ đạt khoảng 40%, người trồng vải năm nay chắc chắn khó có lãi, thậm chí lỗ.

Tại Bắc Giang, sản lượng vải dự báo cũng sẽ sụt giảm khoảng 50% so với năm ngoái.

Mất mùa, vải có được giá?

Trả lời câu hỏi của PV, khi tỉ lệ ra quả ít, cây sẽ tập trung dinh dưỡng để nuôi ít quả nên chất lượng quả vải năm nay sẽ to, đẹp, được nước, bà Lương Thị Kiểm cười buồn: Đặc tính của cây vải khác những cây ăn quả khác, cành nào ra hoa thì sẽ cho quả rất sai, còn cành nào không có hoa, thì coi như “điếc” cả cành, chỉ tập trung nuôi lộc. Cho nên, dù tỉ lệ quả ít, nhưng chưa chắc dinh dưỡng đã được dồn về cho quả, nên lạc quan là quả sẽ to, đẹp, được giá là hơi chủ quan. “Với tỉ lệ ra hoa này, tổng sản lượng vải năm 2017 chỉ khoảng 30.000 tấn, giảm khoảng 10.000 tấn so với năm 2016” - bà Kiểm cho biết.

Ông Phạm Văn Hoành cũng chia sẻ, trong trồng trọt, bà con phải dựa vào thời tiết rất nhiều, công nghệ trồng trọt chỉ hỗ trợ phần nào, mà nhiều khi cũng cho kết quả “trái khoáy”.

Ông Đỗ Gia Mừng cũng chung nỗi lo lắng, giá cả quả vải khá bếp bênh, dù sản lượng năm nay thấp, “cung” có thể không vượt “cầu”, nhưng chưa chắc đã được giá, vì thời gian quả vải chín rộ chỉ trong vòng 1 tháng, nếu không bán kịp giá sẽ giảm rất nhanh. “Mùa vải năm 2016, đầu vụ bán được giá 20.000 đồng/kg, nhưng đến giữa vụ giá rớt xuống còn chưa đầy 10.000 đồng/kg. Đối với những quả vải loại 2, có loại chỉ khoảng 5-7 nghìn đồng/kg” - ông Hùng nói.

Hiện Cục Trồng trọt (Bộ NNPTNT) phối hợp với Viện Nghiên cứu rau quả (Viện KH nông nghiệp Việt Nam) cử các đoàn công tác về 2 tỉnh Bắc Giang và Hải Dương tìm hiểu nguyên nhân để tìm giải pháp khắc phục. Qua kiểm tra cho thấy, các trà vải chính vụ (chiếm khoảng 80% tổng diện tích vải của địa phương), hầu hết các vườn chưa có biểu hiện phát dục ra hoa hay ra lộc; các đầu cành/đỉnh sinh trưởng đều đang ở trạng thái “ngủ”. Đáng nói là tại các vùng vải được thâm canh cao tại Lục Ngạn, hầu hết đã được áp dụng quy trình chăm sóc, cắt tỉa, thậm chí khoanh vỏ rất chu đáo để kích thích ra hoa nhưng tình trạng “điếc hoa” vẫn không được cải thiện.

TS Nguyễn Văn Dũng - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu rau quả cho rằng, do mùa đông năm nay ở phía bắc ấm hơn mọi năm, không xảy ra nhiều đợt rét đậm kéo dài, lại có xen kẽ nhiều đợt nắng ấm. Đây có thể là nguyên nhân khiến cho việc phân hóa mầm hoa vải gặp khó khăn.

Theo Khánh Vũ

Lao động

Trở lên trên