MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Dự báo Ngân hàng sẽ giảm thưởng Tết, ngành chứng khoán có thể thưởng đến hơn 20 tháng lương

24-12-2021 - 16:01 PM | Tài chính - ngân hàng

Dự báo Ngân hàng sẽ giảm thưởng Tết, ngành chứng khoán có thể thưởng đến hơn 20 tháng lương

Năm nay là năm thị trường chứng khoán bùng nổ, do vậy ngành chứng khoán có thể sẽ soán ngôi ngành ngân hàng về mức thưởng Tết cao.

Đến hẹn lại lên, câu chuyện về thưởng Tết của ngành tài chính ngân hàng (TCNH) luôn được cả những người trong và ngoài ngành quan tâm do mức lương thưởng khủng của ngành này.

Theo công bố báo cáo chiến lược tháng 12 của SSI Research, các mảng hoạt động chính của ngành ngân hàng sẽ có sự hồi phục tốt so với quý năm 3/2021 sau thời gian giãn cách xã hội nghiêm ngặt. Tuy nhiên, với nền tảng so sánh cao của quý 4/2020, mức tăng trưởng lợi nhuận trước thuế bình quân của ngành ở mức thấp do áp lực dự phòng ngành này vẫn còn tương đối lớn và quy mô dư nợ tái cơ cấu tăng lên.

Về ngành chứng khoán, theo thống kê của MBS cho biết trong năm 2021, lợi nhuận sau thuế của 31/35 công ty chứng khoán (vốn hóa chiếm 96,1% trong ngành) dự kiến sẽ tăng 27% so với năm ngoái.

Về thị trường bảo hiểm, theo số liệu của Bộ Tài chính, tổng doanh thu phí bảo hiểm toàn thị trường 10 tháng đầu năm 2021 ước đạt 170.837 tỷ đồng, tăng 15.68% so với cùng kỳ năm 2020, trong đó doanh thu phí bảo hiểm phi nhân thọ ước đạt 47.245 tỷ đồng, tăng 2,26% so với cùng kỳ năm 2020 và doanh thu phí bảo hiểm nhân thọ ước đạt 123.592 tỷ đồng, tăng 21,8% so với cùng kỳ năm 2020. Dự tính cả năm, ngành bảo hiểm vẫn tăng trưởng tốt.

Với tình hình kinh doanh nhìn chung tích cực, thưởng Tết của ngành TCNH năm nay sẽ được trông đợi nhiều hơn.

Ông Vũ Việt Dũng, Chủ tịch KeyPerson cho biết, theo kết quả khảo sát gần đây của ông trên một diễn đàn ngành TCNH, gần 70% người được hỏi đều dự đoán tình hình thưởng tết ngành ngân hàng năm nay dự kiến sẽ giảm so với mọi năm và như vậy mọi người cũng sẽ không bất ngờ nếu năm nay bị giảm thưởng, đó là một tín hiệu cho thấy họ sẵn sàng đồng hành cùng với DN vượt qua những giai đoạn khó khăn.

Còn theo quan điểm riêng ông Dũng, tình hình thưởng Tết năm nay cũng sẽ có chiều hướng giảm so với các năm trước, do các ngân hàng cũng sẽ thận trọng hơn trong phòng ngừa các rủi ro có thể phát sinh. Mức thưởng trung bình có thể bao gồm các khoản: thưởng tháng lương thứ 13, thưởng Tết âm lịch từ 1-4 tháng lương,.. tùy từng đơn vị. Các doanh nghiệp có thể sẽ chia thưởng thành nhiều đợt trong năm nhằm phân tán rủi ro, cũng như phần nào hạn chế việc cán bộ nhân viên (CBNV) nghỉ việc sau khi nhận thưởng một lần.

Dự báo Ngân hàng sẽ giảm thưởng Tết, ngành chứng khoán có thể thưởng đến hơn 20 tháng lương - Ảnh 1.

Ông Vũ Việt Dũng - Chủ tịch HĐQT công ty KeyPerson

Ông Dũng cho biết: "Năm nay là năm thị trường chứng khoán bùng nổ, do vậy tôi dự đoán ngành chứng khoán sẽ soán ngôi ngành ngân hàng về mức thưởng Tết cao. Năm ngoái, có những công ty chứng khoán thưởng Tết đến gần 15 tháng lương cho CBNV. Với sự bùng nổ của ngành này trong năm nay, chắc chắn mức trả thưởng kỷ lục của năm ngoái sẽ bị phá vỡ. Theo thông tin mà tôi có được, có những công ty có thể trả đến 20 tháng lương, thậm chí có thể cao hơn."

Trả lời câu hỏi vì sao ngành TCNH luôn có mức thưởng cao hơn các ngành khác và được mọi người chờ đón thông tin, ông Vũ Việt Dũng cho rằng đó là do ngành này luôn có tỷ suất lợi nhuận cao trên thị trường với vai trò là những đơn vị trung gian phân phối vốn, đồng thời là động lực phát triển của thị trường. Hơn nữa, cán bộ nhân viên của ngành ngân hàng cũng làm việc vất vả hơn, nhiều khi 9-10h đêm mới nghỉ, đặc biệt là những thời gian cuối tháng, cuối quý, cuối năm.

Tuy nhiên ông cũng nhấn mạnh, ngành TCNH thưởng cao nhưng không cào bằng tất cả các đối tượng nhân viên. Các ngân hàng thông thường chỉ thưởng cho CBNV được xếp hạng ở mức hoàn thành chỉ tiêu công việc trở lên. Những nhân viên không hoàn thành chỉ tiêu sẽ không nhận được khoản thưởng này, và ngược lại nhân viên được xếp hạng càng cao thì mức thưởng sẽ càng cao.

Cũng liên quan đến chuyện thưởng Tết, ngành ngân hàng còn xuất hiện hiện tượng nhiều nhân viên nghỉ việc sau khi nhận thưởng Tết, ông Dũng cho rằng đây không phải là vấn đề riêng của ngành TCNH nói riêng mà là vấn đề chung của toàn thị trường lao động. Nhân viên thường có tâm lý làm việc đến cuối năm để được nhận thưởng Tết rồi mới xin nghỉ. Thực tế chứng minh, nhiều trường hợp nhân viên sáng vừa nhận thưởng Tết, chiều đã nộp đơn xin nghỉ việc luôn!

Nhân sự nghỉ việc thường là do hai yếu tố chủ quan và khách quan. Lí do chủ quan thường là nhân viên đã tìm được một công việc có mức thu nhập tốt hơn, chức danh cao hơn, khả năng thăng tiến rộng mở hơn… Còn lí do khách quan thường là nhân viên không phù hợp với cách làm việc của cán bộ quản lý trực tiếp hay công việc quá quá căng thẳng... Nhân viên xin nghỉ việc ngay sau khi nhận thưởng nghĩa là họ đã có ý định nghỉ từ lâu. Có những nhân viên còn chấp nhận nghỉ việc trước khi nhận thưởng để không bỏ lỡ cơ hội nghề nghiệp hoặc để giải tỏa tâm lý cá nhân. Chính vì vậy, ông Dũng cho rằng các cấp quản lý của doanh nghiệp cần nhìn nhận rõ lí do nghỉ việc của nhân viên để có những điều chỉnh kịp thời trong công tác quản lý nhân sự.

Vậy doanh nghiệp nói chung và ngân hàng cần làm gì trong quản lý và các chế độ đãi ngộ để nhân sự có thể gắn kết lâu dài với công ty? Ông Dũng đưa ra một số tham vấn như sau: Doanh nghiệp cần quan tâm tới CBNV trong suốt quá trình công tác chứ không phải chỉ chú trọng giữ chân họ bằng thưởng cuối năm. Theo ông, doanh nghiệp nên hoạch định và công khai các khoản lương thưởng và phúc lợi thành hai nhóm tài chính và phi tài chính. Khi hiểu rõ những quyền lợi sẽ đạt được nếu hoàn thành những chỉ tiêu nhất định trong công việc, nhân viên sẽ yên tâm cống hiến. Đồng thời, việc này cũng khiến doanh nghiệp có thể gắn mục tiêu của tập thể "sát sườn" hơn với mục tiêu của cá nhân người lao động.

Ngoài ra, doanh nghiệp nên chú trọng vào hoạt động Văn hóa doanh nghiệp bởi văn hóa doanh nghiệp của các công ty tư nhân chính là "văn hóa của chủ doanh nghiệp". Do đó, khi một đơn vị muốn xây dựng VHDN nhưng chủ công ty không phải là người lĩnh xướng và trực tiếp tham gia vào quá trình triển khai thì có thể nói khả năng thành công của hoạt động này gần như bằng không. Ông nhấn mạnh rằng nguồn nhân lực là lợi thế cạnh tranh của mỗi doanh nghiệp, do vậy cần có sự đầu tư và triển khai bài bản, không nên xem nhẹ công tác này mà làm mất đi lợi thế của mình trên thị trường.

Hường Hoàng

Nhịp sống kinh tế

Trở lên trên