Dự báo toàn cảnh thị trường lúa gạo thế giới năm 2019/2020
Trong báo cáo công bố tháng 5/2019, Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) dự báo sản lượng gạo toàn cầu niên vụ 2019/20 sẽ giảm nhẹ do Trung Quốc và Ấn Độ. Trái lại, tiêu thụ sẽ tiếp tục tăng, nhất là tại Châu Phi cận Sahara, nơi mà người tiêu dùng bị hấp dẫn bởi giá gạo Châu Á rẻ, và cũng do dân số tăng.
Thương mại gạo thế giới sẽ gần cao kỷ lục, và Ấn Độ tiếp tục giữ vị trí nước xuất khẩu nhiều gạo nhất. Tồn trữ gạo toàn cầu sẽ vẫn tăng, trong đó Trung Quốc chiếm 68% tổng tồn trữ toàn cầu. Tuy nhiên, mức tăng tồn trữ của cả thế giới nói chung và Trung Quốc nói riêng đều chậm nhất trong vòng một thập kỷ.
Sản lượng, diện tích và năng suất lúa gạo trên toàn cầu năm 2019/20 dự báo đều giảm so với mức kỷ lục của năm trước, nhưng vẫn cao hơn so với năm 2017/18, trong đó giảm mạnh nhất sẽ tập trung vào Trung Quốc và Ấn Độ, nơi cả diện tích trồng và năng suất dự báo sẽ đều giảm. Diện tích và năng suất của Mỹ dự báo cũng sẽ đi xuống. Trái lại, những nước có sản lượng tăng mạnh nhất sẽ là Thái Lan và Lào, cùng xu hướng tăng sẽ có Bangladesh, Indonesia, Myanmar và Việt Nam.
Tiêu thụ gạo thế giới dự báo sẽ tăng 1%, trong đó thêm nhiều nhất ở Ấn Độ và Trung Quốc. Sử dụng gạo làm lương thực chiếm phần lớn tổng tiêu thụ. Tại một số khu vực, nơi tiêu thụ gạo trung bình người nhìn chung đã ở mức cao, nhất là tại Châu Á, người dân giảm dùng gạo trong các bữa ăn (ví dụ như tại Hàn Quốc, Nhật Bản). Trái lại, ở nhiều nước Châu phi, tiêu thụ gạo vẫn tiếp tục tăng, nhất là ở các khu vực đô thị.
Nguồn cung gạo toàn cầu dự báo sẽ cao hơn chút ít so với tiêu thụ, do đó tồn trữ cuối vụ 2019/20 trên toàn cầu sẽ tăng nhẹ - là lần đầu tiên trong vòng 13 năm tồn trữ không tăng mạnh. Trung Quốc dự báo sẽ chiếm gần 70% tổng tồn trữ gạo thế giới. Tồn trữ của nước này dự báo sẽ chỉ tăng 2 triệu tấn, mức tăng thấp nhất trong vòng một thập kỷ, do sản lượng sụt giảm, xuất khẩu gia tăng và Chính phủ liên tiếp mở thầu bán gạo cũ. Dự trữ gạo của Ấn Độ dự báo sẽ tăng và vượt xa so với mức dự trữ đệm cần thiết, do đó tăng được lượng dư thừa dành cho xuất khẩu.
Dự trữ gạo của Chính phủ Thái Lan giảm, nhưng dự trữ của lĩnh vực tư nhân dự báo sẽ tăng nhẹ trong bối cảnh cạnh tranh khốc liệt trên thị trường xuất khẩu. Dự trữ của Philippines dự báo sẽ tăng do được mùa, trong khi đó dự trữ của hai nước sản xuất lớn thứ 3 và 4 thế giới – Indonesia và Bangladesh) dự báo sẽ giảm nhẹ nhưng vẫn đủ để họ chỉ cần nhập khẩu khối lượng nhỏ. Dự trữ cuối vụ ở Mỹ dự báo tiếp tục tăng nhưng với tốc độ chậm lại. Dự trữ của Mỹ dự báo sẽ đạt mức cao nhất kể từ niên vụ 1985/96.
Thương mại gạo thế giới trong năm 2020 dự báo sẽ tăng 3% lên 48 triệu tấn, tương đương năm 2017. Nhu cầu nhập khẩu cao nhất đến từ Châu Phi cận Sahara và Trung Đông, trong khi nhập khẩu của khu vực Đông Nam Á dự báo sẽ giảm. Ấn Độ tiếp tục là nước xuất khẩu lớn nhất thế giới, tiếp đến là Thái Lan, Việt Nam và Pakistan. Trong khi đó, Trung Quốc dự báo sẽ duy trì xu hướng tăng xuất khẩu mặc dù vẫn là nước nhập khẩu hàng đầu thế giới. Ở bán cầu Tây, xuất khẩu của Mỹ dự báo sẽ tăng, trong khi của Guyana và Uruguay sẽ ổn định như năm trước, còn của Argentina và Brazil sẽ giảm.
Dự báo một số thị trường nhập khẩu chủ chốt trong năm 2020
• Trung Quốc được dự báo sẽ nhập khẩu 4 triệu tấn. Cả diện tích và sản lượng lúa của nước này sẽ đều giảm do giá hỗ trợ tối thiểu không thay đổi. Tuy nhiên, tổng cung vẫn tăng so với năm trước do lượng tồn trữ đầu vụ (trong kho dự trữ tạm thời của Chính phủ) tăng. Nước này sẽ tiếp tục nhập khẩu gạo chủ yếu từ các nước láng giềng.
• Philippines dự báo sẽ giảm 100.000 tấn nhập khẩu xuống 2,7 triệu tấn do lượng dự trữ còn nhiều trong khi sản lượng tăng lên. Nước này đã dỡ bỏ hạn chế khối lượng nhập khẩu gạ và thay vào đó bằng thuế, theo đó ưu đãi thuế khi nhập từ các nước thành viên Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á. Tiêu thụ gạo của Philippines dự báo sẽ tăng do nguồn cung trong nước dồi dào và gạo nhập khẩu giá tương đối rẻ cũng sẵn có trên thị trường.
• Nigeria dự báo sẽ có nhu cầu nhập khẩu tăng 200.000 tấn lên 2,4 triệu tấn, do cần thêm gạo đồ, mặc dù sản lượng trong nước cũng tăng nhẹ. Với xu hướng đô thị hóa và dân số tăng nhanh, nhu cầu gạo đồ nhập khẩu vào nước này tiếp tục tăng. Mặc dù Chính phủ đã hạn chế sử dụng ngoại hối để nhập khẩu gạo, song xu hướng trung chuyển gạo nhập khẩu từ các nước láng giềng vẫn tiếp diễn.
• Liên minh Châu Âu dự báo sẽ vẫn nhập khẩu 2 triệu tấn gạo trong bối cảnh sản lượng tăng nhẹ nhưng tiêu thụ cũng tăng chậm. Nhập khẩu từ Campuchia và Myanmar mấy năm gần đây tăng do sáng kiến Mọi thứ trừ vũ khí. Tháng 1/2019, Liên minh Châu Âu áp thuế nhập khẩu đối với gạo nhập khẩu từ cả 2 nước này, dự kiến khối lượng gạo nhập khẩu chịu thế sẽ giảm nhẹ trong năm 2020.
• Bờ Biển Ngà dự báo sẽ vẫn nhập khẩu 1,6 triệu tấn gạo do tiêu thụ tăng bù lại cho sản lượng tăng. Nhu cầu nhập khẩu vẫn mạnh đối với các chủng loại gạo xay và gạo tấm Châu Á (Châu Á cung cấp gần như toàn bộ gạo nhập khẩu vào nước này).
• Saudi Arabia dự báo sẽ tăng nhập khẩu thêm 25.000 tấn lên 1,4 triệu tấn bởi dự kiến khách du lịch tăng sẽ bù lại cho số lao động nước ngoài sụt giảm. Gạo nhập khẩu chủ yếu là loại basmati, nhưng cũng có một số gạo đồ hạt dài và gạo xay hạt vừa.
• Senegal dự kiến sẽ tăng nhập thêm 50.000 tấn lên 1,3 triệu tấn, phản ảnh nhu cầu gạo tấm liên tiếp tăng, nhất là từ các nhà cung cấp Châu Á. Senegal là nước nhập khẩu gạo tấm lớn nhất thế giới, và gần đây đã đưa ra những chính sách hạn chế khối lượng nhập khẩu gạo tấm.
• Iran dự kiến sẽ nhập khẩu 1,2 triệu tấn, bằng năm trước, do nhu cầu tăng nhưng sản lượng cũng tăng. Nước này đã rất nỗ lực để tự cung tự cấp, mặc dù vẫn phải nhập khẩu gạo basmati để đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng.
• Malaysia dự báo sẽ vẫn nhập khẩu 1 triệu tấn giữa bối cảnh tiêu thụ chỉ tăng nhẹ.
• Indonesia dự báo sẽ giữ lượng nhập khẩu ở 500.000 tâns do sản lượng tăng làm giảm phần nào nhu cầu nhập khẩu. Tiêu thụ giảm nhẹ bởi người tiêu dùng tiếp tục chuyển sang tăng sử dụng mì ăn liền và những thực phẩm khác làm từ lúa mì.
• Bangladesh dự báo sẽ giảm 100.000 tấn cuống 200.000 tấn gạo nhập khẩu do diện tích trồng lúa tăng kéo sản lượng tăng. Mức tăng tiêu thụ gạo sẽ ở mức vừa phải vì người dân cũng tăng cường sử dụng lúa mì – dần thay thế cho lúa gạo.
Dự báo những nước xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới trong năm 2020
• Ấn Độ được nhiều khả năng sẽ tăng xuất khẩu thêm 500.000 tấn lên 12,5 triệu tấn. Tổng cung dự báo sẽ tăng lên vì lượng tồn trữ cao nhất trong vòng gần 6 năm bù lại cho sản lượng giảm 1%. Mặc dù xuất khẩu và tiêu thụ đều tăng, tồn trữ cuối vụ dự báo vẫn tăng nhẹ, nên lượng dự trữ đệm sẽ cao hơn mức cần thiết. Ấn Độ được dự báo sẽ là nước xuất khẩu gạo lớn nhất năm thứ 9 liên tiếp, những loại gạo xuất chủ yếu là gạo basmati thơm, gạo đồ và gạo trắng chất lượng trung bình.
• Thái Lan được dự báo sẽ giữ mức xuất khẩu ở 10 triệu tấn như năm trước. Mặc dù sản lượng gạo cao kỷ lục song xuất khẩu của nước này sẽ bị mất bớt thị phần do sự cạnh tranh tăng lên từ phía Ấn Độ và Trung Quốc. Gạo xuất khẩu của Thái Lan sẽ tiếp tục là các loại hương nhài thơm, đồ và trắng chất lượng trung bình.
• Việt Nam cũng sẽ duy trì mức xuất khẩu ở 6,5 triệu tấn do sản lượng tăng, bất chấp sự cạnh tranh cũng tăng. Mặc dù Trung Quốc dự báo sẽ vẫn là thị trường nhập khẩu lớn nhất của gạo Việt, song Trung Quốc cũng sẽ ngày càng cạnh tranh mạnh mẽ hơn với gạo xuất khẩu của Việt Nam trên thị trường Châu Phi. Triển vọng xuất khẩu gạo Việt Nam sang Philippines sẽ vẫn thuận lợi, và tiếp tục đa dạng hóa các thị trường tiêu thụ, với các loại gạo chủ yếu là hương nhài, nếp, gạo trắng hạt dài và hạt vừa.
• Pakistan sẽ xuất khẩu 4 triệu tấn, tương tự như năm trước, giữa bối cảnh sản lượng tăng bù lại cho tồn trữ đầu vụ giảm. Pakistan thường xuất khẩu gạo trắng và một ít gạo basmati thơm, cạnh tranh chủ yếu với Ấn Độ. Các thị trường tiêu thụ chủ yếu là Châu Phi, Trung Đông và các nước láng giềng.
• Mỹ dự kiến sẽ tăng xuất khẩu thêm 250.000 tấn lên 3,3 triệu tấn do tồn trữ gối vụ cao và lượng cung trong nước dồi dào cũng như giá xuất khẩu cạnh tranh tốt, đủ sức tăng thị phần ở Mỹ Latinh. Mỹ xuất khẩu chủ yếu là gạo hạt tròn và gạo xay sang bán cầu Tây, một phần sang Trung Đông, và cũng xuất khẩu gạo trắng hạt vừa sang các thị trường Đông Á.
• Trung Quốc sẽ tăng xuất khẩu thêm 700.000 tấn lên 3,2 triệu tấn do lượng tồn trữ từ những vụ trước còn nhiều, giá bán rẻ. Những năm gần đây, Trung Quốc tăng cường xuất khẩu gạo rẻ, không chỉ sang các nước láng giềng ở Đông Á mà tới cả Châu Phi và Trung Đông. Đây là khối lượng xuất khẩu nhiều nhất kể từ 1998.
• Myanmar dự báo sẽ vẫn xuất khẩu 2,8 triệu tấn gạo. Nước này cung cấp chủ yếu cho các thị trường láng giềng và một ít sang Liên minh Châu Âu và Châu Phi. Ảnh hưởng tiêu cực từ việc Liên minh Châu Âu áp thuế đối với gạo Myanmar sẽ được bù đắp bởi hạn ngạch xuất khẩu sang Trung Quốc được tăng lên.
• Campuchia dự kiến sẽ vẫn xuất khẩu 1,3 triệu tấn nhờ sản lượng tăng, tiếp tục đón nhận nhu cầu từ các nước láng giềng và tăng cường thâm nhập vào Trung Quốc.