Dù bị tới 4/5 cá mập chê, Gcalls có gì hấp dẫn khiến shark Vân Linh tuyên bố 'tiền không quan trọng' và quyết đầu tư ngay 1 triệu USD?
Tập 7 chương trình Shark Tank- Thương vụ bạc tỷ mới đây gây ấn tượng với thương vụ thành công lớn nhất từ lúc lên sóng với giá trị 23 tỷ đồng, tương đương 1 triệu USD. Mặc dù 4/5 cá mập chê nhưng startup Gcalls vẫn nhận được quyết định đầu tư từ Shark Thái Vân Linh.
- 25-12-2017Không chỉ là "tiền không thành vấn đề", việc Shark Linh quyết chi 1 triệu USD đổi 45% cổ phần Gcalls là phương án đầy toan tính
- 24-12-2017Tự tin khẳng định: “Tôi thành công rồi, không cần may mắn. Tôi không cần chứng minh sản phẩm vì sản xuất không đủ bán” nhưng startup này ra về tay trắng
- 23-12-2017‘Bí kíp’ gọi vốn 7 tỷ đồng của Tictag: 3/5 Sharks lắc đầu, Startup này vẫn mạnh dạn thương thuyết, đưa điều kiện ràng buộc các cá mập đầu tư
Tuy nhiên mô hình kinh doanh của Gcalls vẫn khá mơ hồ với nhiều khán giả xem chương trình. Để hiểu rõ hơn về dự án khởi nghiệp này, CEO Phạm Tấn Phúc không ngại dành thời gian cho chúng tôi để chia sẻ nhiều hơn về mô hình kinh doanh tích hợp công nghệ còn khá mới mẻ tại Việt Nam này.
Hiểu đơn giản về mô hình kinh doanh của Gcalls
Theo giới thiệu từ chương trình Shark Tank, Gcalls là nhà cung cấp phần mềm quản lý giúp các doanh nghiệp vừa và nhỏ dễ dàng tạo lập hệ thống tổng đài chỉ trong vòng 5 phút, bao gồm hạ tầng call center, phần mềm quản lý cuộc gọi và giải pháp tích hợp với các CRM giúp doanh nghiệp quản lý khách hàng.
Hiểu một cách đơn giản Gcalls đóng vai trò trung gian cung cấp giải pháp kết nối, tích hợp về tổng đài chăm sóc khách hàng giữa doanh nghiệp và nhà mạng.
Sơ lược dễ hình dung về mô hình kinh doanh Gcalls.
Dự án này dùng công nghệ giúp doanh nghiệp tiết giảm chi phí so với cách sử dụng tổng đài chăm sóc khách hàng truyền thống bằng cách: Điện thoại viên nghe gọi trực tiếp trên ứng dụng Gcalls (thông qua 1 tài khoản được cung cấp) chỉ cần điện thoại kết nối internet, có thể tiếp nhận nhiều cuộc gọi đồng thời thông qua 1 đầu số đại diện, không tốn chi phí liên lạc nội bộ. Nhờ giải pháp công nghệ, doanh nghiệp sử dụng dịch vụ dễ dàng cài đặt, dễ dàng mở rộng mạng lưới.
Thậm chí, CEO Gcalls còn chia sẻ thêm hiện doanh nghiệp này có các đầu số tại Dubai, Đông Nam Á nên các doanh nghiệp khi sử dụng phần mềm sẽ có thể tận dụng được nguồn lực ngay tại các nước khác cho việc chăm sóc khách hàng của mình khi "mang chuông đi đánh xứ người".
Đối với nhà mạng, thông qua Gcalls cũng tiếp cận được các doanh nghiệp đang có nhu cầu sử dụng dịch vụ, đầu số mới.
Đối với khách hàng hay người cần tra cứu thông tin về sản phẩm, doanh nghiệp, khi tra cứu vào trang web thay vì cần bấm số như cách thông thường thì chỉ cần nhấn vào biểu tượng Gcalls, ứng dụng này sẽ tự động chuyển hướng Url thành tổng đài của doanh nghiệp.
Gọi thử Gcalls từ website của ITP.
Vậy Gcalls tạo ra doanh thu bằng cách nào? Theo chia sẻ của CEO Tấn Phúc, có 2 nguồn thu chính. Nguồn thứ nhất đến từ phí phần mềm. Hiện Gcalls tính phí với 1 tài khoản sử dụng dịch vụ là 157.000/tháng. Theo chia sẻ tại chương trình Shark Tank, doanh thu 6 tháng gần nhất của Gcalls là 150.000 USD (tương đương với 3,3 tỷ VND).
Nguồn thu thứ 2 đến từ cước phí gọi từ nhà mạng. Tuy nhiên theo chia sẻ của CEO Gcalls, hiện startup này không thu chiết khấu từ nhà mạng và doanh nghiệp mà để 2 bên tự thương lượng thỏa thuận mức phí riêng.
Quyết định đầu tư khôn ngoan của Shark Linh
Trong tập 7, khán giả không khỏi ngạc nhiên khi Shark Linh tỏ ra rất hứng thú với mô hình kinh doanh của Gcalls: "Tiền không thành vấn đề. 500.000 USD, 1 triệu USD không khác gì nhau. Vấn đề ở đây là phần trăm cổ phần. 500.000 USD cho 20% cổ phần thì số 20% đó quá thấp. Khi chị đầu tư vào chị sẽ phải bỏ ra rất nhiều công sức. Về tài chính, em không biết. Với tiếp thị, khi em phải làm những trình bày powerpoint, người hỗ trợ em trong thời gian em chưa có người là ai? Đó là chị.
Người viết script cho các bạn gọi điện thoại, trong thời gian em không có. Người đó là ai? Là chị. Công sức rất nhiều, chị không thể lấy ít hơn 45%".
CEO Tấn Phúc cũng cho rằng điều khiến Shark Linh hứng thú bởi bà hiểu được tiềm năng của thị trường tích hợp di động này. Theo đánh giá của Phúc, hiện thị trường này tại Việt Nam có giá trị khoảng 109 triệu USD và chỉ mới 10% doanh nghiệp tiếp cận. Phúc lạc quan đánh giá khi độ phủ của doanh nghiệp lớn hơn, độ lớn của thị trường có thể lên đến 1 tỷ USD. Với thị trường Đông Nam Á mà Gcalls đang hướng tới được Phúc ước lượng có giá trị 38,2 tỷ USD và sẽ lên tới 100 tỷ USD trong 5 năm tới.
Một điểm nổi bật khác của Gcalls được CEO tự tin khẳng định chính là khả năng hiểu về thị trường Đông Nam Á. Trước thời điểm 8/2014 khi Gcalls ra đời, đã có 1 startup của Mỹ đi trước 1-2 năm. Tuy nhiên theo đánh giá của Phúc với người Mỹ việc gọi điện từ ứng dụng qua wifi đã trở nên phổ biến nhưng với người Việt Nam hoặc Đông Nam Á thì hiện đang ở mức thấp hơn. Chính vì vậy Gcalls tự tin chiến thắng trên ngay chính trên quê nhà, kể cả khi startup Mỹ đặt chân vào.
Ngoài ra theo chia sẻ hiện Gcalls có sự tham gia của quỹ đầu tư mạo hiểm Muru-D và BFBZ, Gcall đã nhận đầu tư trực tiếp của Tập đoàn Viễn thông Telstra (Úc). CEO Phúc chia sẻ với sự hậu thuẫn của Telstra (doanh nghiệp viễn thông này vừa mua gói thầu lớn nhất tại Indonesia), Gcalls có lợi thế trong việc chinh phục các thị trường lớn chưa có ai khai phá như Indonesia.
Một điểm khác về tiềm năng của ứng dụng của Gcalls chính là tiết giảm chi phí. Theo Phúc chia sẻ là do độ co giãn, tương thích với nhu cầu của doanh nghiệp về tính mùa vụ. Ví dụ tại những thời điểm cao điểm, nhu cầu của doanh nghiệp cần tới 200 người trực nhưng có khi chỉ cần từ 1-2 người trực. Do đó việc sử dụng Gcalls dễ dàng mở rộng hay thu hẹp mạng lưới so với tổng đài truyền thống. Theo chia sẻ của CEO Gcalls, kể từ khi sử dụng giải pháp này, Khu công nghệ phần mềm đại học Quốc gia Tp. Hồ Chí Minh (ITP) tiết kiệm được 30% chi phí so với trước.