MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Dù có thâm niên 2 năm đầu tư chứng khoán, Nhà Đà Nẵng (NDN) vẫn phải cắt lỗ HAR trước khi cổ phiếu tăng trần 15 phiên liên tục

Là một công ty bất động sản nhưng điều khiến cho những nhà đầu tư quan tâm thấy ấn tượng hơn cả ở Nhà Đà Nẵng là danh mục đầu tư chứng khoán rất lớn. Việc dành khoản tiền đáng kể để đầu tư cổ phiếu đã được NDN duy trì thực hiện từ đầu năm 2015 đến nay.

CTCP Đầu tư và phát triển nhà Đà Nẵng (mã: NDN) nguyên là Doanh nghiệp nhà nước được thành lập từ năm 1992, sau khi cổ phần hóa vào năm 2010 thì doanh nghiệp này vẫn đang hoạt động trong lĩnh vực bất động sản và xây dựng. Theo giới thiệu, Nhà Đà Nẵng là đơn vị tiên phong trong lĩnh vực xây dựng các khu tái định cư của thành phố Đà Nẵng. Tên tuổi của NDN gắn liền với các dự án BĐS như Chung cư DaNang Plaza, Chung cư Lapaz Tower, Khu phức hợp nghỉ dưỡng Monarchy…

Tuy nhiên, điều khiến cho những nhà đầu tư quan tâm thấy ấn tượng hơn cả ở Nhà Đà Nẵng là danh mục đầu tư chứng khoán rất lớn. Việc dành khoản tiền đáng kể để đầu tư cổ phiếu đã được NDN duy trì thực hiện từ đầu năm 2015 đến nay.

Theo báo cáo tài chính quý 2/2017 vừa được công bố, NDN có gần 95 tỷ đồng đầu tư chứng khoán tại thời điểm cuối quý – chiếm 18% tài sản ngắn hạn của DN và là khoản mục lớn thứ 4 trên bảng tài sản.

Trong đó, khoản đầu tư có giá trị lớn nhất thuộc về CTCP Sữa Việt Nam (Vinamilk, mã: VNM) với 39,2 tỷ đồng. Đứng thứ 2 là khoản đầu tư vào CTCP CMC với 27,5 tỷ đồng. Bên cạnh đó, NDN còn đầu tư vào Mía đường Sơn La (SLS), CTCP Cơ khí Xăng dầu (PMS), Dược phẩm Hà Tây (DHT), Giống cây trồng Trung ương (NSC), CTCP Khoáng sản và vật liệu xây dựng Lâm Đồng (LBM), CTCP Vàng bạc đá quý Phú Nhuận (PNJ), CTCP Khu công nghiệp Nam Tân uyên (NTC), CTCP Tư vấn xây dựng Điện 2 (TV2), CTCP Dược phẩm Hải Phòng (DPH)…

Tính đến thời điểm cuối quý 2, hầu hết các khoản đầu tư đều có lãi, ngoại trừ SLS, NTC, PMS, DPH.

Có thể thấy, trong quý 2 này, NDN đã “thay máu” cho danh mục đầu tư của mình bởi vì tại thời điểm cuối quý 1, danh mục của NDN gồm có CTCP Công trình giao thông vận tải Quảng Nam (QTC), CTCP Sonadezi Long Thành (SZL), Dabaco (DBC), CTCP Xây dựng số 7 (VC7), CTCP Đầu tư dịch vụ Hoàng Huy (HHS), FIT, CTCP Tập đoàn đầu tư Thăng Long, CTCP Xuất nhập khẩu Quảng Bình (QBS), CTCP Đầu tư cao su Quảng nam (VHG), CTCP Đầu tư TM BĐS An Dương Thảo Điền (HAR)… trong đó HAR và VHG là những khoản đầu tư đang lỗ nặng nhất vào thời điểm đó.


Danh mục đầu tư chứng khoán cuối quý 1/2017 của NDN

Danh mục đầu tư chứng khoán cuối quý 1/2017 của NDN

Khẩu vị đầu tư trong quý 2 cũng thay đổi nhiều khi từ “hàng nóng”, NDN chuyển sang đầu tư vào các cổ phiếu được đánh giá cao về cơ bản và diễn biến giao dịch an toàn hơn. Tuy nhiên, việc bán đi HAR trước khi cổ phiếu này bắt đầu chuỗi 15 phiên tăng trần liên tục (kể từ ngày 03/07) có lẽ là điều sẽ khiến NDN tiếc nuối nhất.

Doanh thu tài chính cũng là cứu cánh cho kết quả kinh doanh của NDN trong quý 2 cũng như nửa đầu năm 2017. Cụ thể, trong khi doanh thu bán hàng chỉ đạt 33,6 tỷ đồng – giảm 26% so với cùng kỳ năm trước, lợi nhuận gộp cũng giảm hơn một nửa thì doanh thu tài chính đạt 8,7 tỷ đồng giúp cho NDN lãi 14,3 tỷ đồng LNST trong quý 2/2017. Lãi từ đầu tư chứng khoán là hơn 3 tỷ đồng, lãi tiền gửi và cho vay gần 3,7 tỷ đồng. Ngoài khoản đầu tư cổ phiếu thì NDN còn có gần 230 tỷ đồng gửi tiết kiệm.

Hải Thanh

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên