"Đu đỉnh" trong đầu tư chứng khoán là điều bình thường, ngay cả Warren Buffett cũng từng trải qua, "gồng lỗ" tới 40% để rồi bỏ lỡ cơ hội lãi bằng lần
Warren Buffett cho rằng, "bất chấp thị trường có đồn đoán gì, doanh nghiệp chắc chắn vẫn hoạt động tốt theo thời gian. Thỉnh thoảng, các doanh nghiệp có thể đi nhầm đường vì bong bóng và những sai sót của con người, tuy nhiên "con tàu" kinh tế sẽ vĩnh viễn không trật bánh".
Khoảng thời gian từ cuối tháng 10/2021 đến nay, sau nhịp sideway kéo dài tới hơn cả quý, thị trường chứng khoán Việt Nam bất ngờ bung sức khi lần lượt vượt qua ngưỡng cản lớn để thiết lập hàng loạt mức đỉnh mới. Tâm lý của nhà đầu tư trở nên tích cực hơn cũng là lúc thanh khoản thị trường bật tăng trở lại.
Nhóm vốn hóa lớn ghi nhận nhiều cổ phiếu tăng kỷ lục, tiêu biểu như "anh cả" ngành thép HPG vượt đỉnh, có lúc lên 58.000 đồng/cổ phiếu hay những đợt tăng tốt của nhóm cổ phiếu ngân hàng. Đặc biệt, dòng tiền ồ ạt đổ vào các cổ phiếu vốn hóa vừa và nhỏ với thị giá thấp. Sàn UPCoM thậm chí có phiên cứ 2 mã tăng sẽ có 1 mã tăng trần. Với biên độ tăng mạnh, nhà đầu tư "ngây ngất" trong men say chiến thắng, trong khi không hay biết những rủi ro đang thường trực ngay phía trước.
Sự thật thì trong phiên cuối tuần 19/11, VN-Index đã có "cú rơi tự do" ngay trước thềm phiên ATC, với nguyên nhân chính từ áp lực chốt lời tại nhóm vốn hóa vừa và nhỏ đã tăng "nóng" trước đó. Cộng thêm đó là những nhịp điều chỉnh mạnh từ các nhóm cổ phiếu có nhịp tăng mạnh trước đó như thép; dầu khí hay chứng khoán. Mặc dù có sự hồi phục, song chỉ số chính vẫn "bốc hơi" hơn 17 điểm, tương ứng hàng chục nghìn tỷ đồng vốn hóa biến mất sau 1 phiên giao dịch có biên độ giảm mạnh.
Diễn biến VN-Index và VN30-Index trong phiên 19/11
Với đặc thù "tăng sốc, giảm sâu" của các con "sóng" cổ phiếu, lịch sử thị trường đã từng chứng kiến rất nhiều trường hợp giá cổ phiếu khi tăng rất "nóng", người đến sau ham lợi nhuận thậm chí phải xếp hàng chờ mua tại giá trần và rồi nhanh chóng thua lỗ khi thị giá liên tiếp giảm mạnh. Giới đầu tư thường sử dụng hai chữ đơn giản để miêu tả: "Đu đỉnh".
Tuy nhiên, việc "đủ đỉnh" trong đầu tư chứng khoán là điều hết đỗi bình thường, bất kỳ nhà đầu tư nào cũng từng phải trải qua. Ngay cả vị tiên tri xứ Omaha - Warren Buffett cũng từng phải "gồng lỗ". Chia sẻ với cổ đông Tập đoàn Berkshire Hathaway trong lá thư năm 2019, ông viết: "vào năm 1942, tôi khi ấy 11 tuổi và quyết định đầu tư toàn bộ gần 115 USD tiền mình có. Cụ thể, tôi đã dùng số vốn đó để mua ba cổ phần giá ưu đãi của Cities Service - một công ty cung cấp khí tự nhiên".
Ông cho biết cảm giác lúc đó rất phấn khích. Mỗi cổ phiếu tại thời điểm "cổ đông nhí" này mua có giá 38,25 USD. Ngoài ra, lượng vốn Buffett có còn gồm cả số tiền của người chị gái ông là Doris Buffett.
Tuy nhiên, giá cổ phiếu đã nhanh chóng giảm về mức 27 USD, tương ứng khoản lỗ của ông và chị gái đã vượt ngưỡng 40%. Dĩ nhiên, khi đó Buffett vô cùng lo lắng, song vẫn cố gắng "gồng lỗ" hàng chục phần trăm.
Và rồi kết quả tích cực cũng đến, giá cổ phiếu Cities Service hồi phục về ngưỡng 40 USD/cổ phiếu, đồng nghĩa với việc khoản đầu tư của Buffett này đã về bờ. Ông đã nhanh chóng bán ra 3 cổ phiếu ngay tại mức giá ấy nhằm thu hồi vốn.
Tuy vậy, thực tế thì sau đó, cổ phiếu Cities Service vẫn tiếp diễn đà tăng, chạm ngưỡng 200 USD/cổ phiếu. Và dĩ nhiên Warren Buffett và chị gái đã bỏ lỡ cơ hội "ăn bằng lần".
Warren Buffett xưa nay nổi tiếng với phong cách đầu tư hướng vào giá trị dài hạn, và đây chính là yếu tố giúp ông trở thành tỷ phú như hiện nay. Ông nhìn vào tương lai của những khoản đầu tư và nắm giữ nó tới hàng chục năm. Bản thân ông ông cũng đã từng thừa nhận mình không có tài "mua đáy, bán đỉnh".
Trong một cuộc trao đổi với đài PBS, vị tỷ phú Warren Buffett cho biết bài học mà ông rút ra từ lần đầu tư đó là: "Bất chấp thị trường có đồn đoán gì, doanh nghiệp chắc chắn vẫn hoạt động tốt theo thời gian. Thỉnh thoảng, các doanh nghiệp có thể đi nhầm đường vì bong bóng và những sai sót của con người, tuy nhiên "con tàu" kinh tế sẽ vĩnh viễn không trật bánh".
Đáng chú ý, trong bức thư này, Warren cũng có đề cập về chuyện thao túng sổ sách kế toán. "Nhiều năm qua, tôi và Charlie (phó tướng tại Berkshire Hathaway) đã chứng kiến đủ chiêu trò của các doanh nghiệp, cả về sổ sách lẫn các hành động thực tế. Điều này phần lớn nảy sinh từ mong muốn đáp ứng kỳ vọng thị trường của các lãnh đạo. Những thứ chỉ bắt đầu từ chuyện gian lận rất nhỏ để không làm phố Wall thất vọng, tuy nhiên đó có thể trở thành bước đầu tạo ra cả một hệ thống lừa dối".
Theo Buffett, một CEO ban đầu chỉ nghĩ rằng sẽ thao túng số liệu một lần này thôi, nhưng sự thực thì hiếm khi dừng lại ở đó.