MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Dù giá thịt lợn giảm, Masan vẫn kiếm tiền tốt từ bán cám

08-05-2017 - 08:46 AM | Doanh nghiệp

Mặc dù ngành chăn nuôi heo vừa trải qua thời gian khủng hoảng được đánh giá là một trong những giai đoạn nghiêm trọng nhất từ trước đến nay, tuy nhiên không phải doanh nghiệp nào kinh doanh trong thị trường này cũng đều gặp khó.

Theo báo cáo tài chính quý I/2017 của Tập đoàn Masan (Masan Group - MSN), trong khi doanh thu lĩnh vực kinh doanh thực phẩm và đồ uống sụt giảm gần 28% so với cùng kỳ thì nông nghiệp tiêu dùng và khoáng sản đã trở thành cứu cánh giúp tổng doanh thu của MSN chỉ giảm chưa tới 3%. Lợi nhuận trước lãi vay, thuế và khấu hao (EBITDA) của Masan thậm chí còn tăng hơn 14% lên 1.863 tỷ đồng.

Masan Nutri-Science (MNS) – công ty con của Masan hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp vẫn ghi nhận tăng trưởng trong quý đầu tiên của năm 2017 mặc dù sản lượng toàn ngành thức ăn chăn nuôi sụt giảm do khó khăn.

Doanh thu của Masan Nutri-Science đã đạt 5.353 tỷ đồng tăng 3,3% so với cùng kỳ năm 2016, với biên lợi nhuận gộp tăng 3,6% lên 23,9%. EBITDA trong 3 tháng đầu năm 2017 tăng 7,7% lên 727 tỷ đồng. Trong đó, thức ăn cho heo vẫn là lĩnh vực tăng trưởng cao nhất với 59% tổng sản lượng thức ăn chăn nuôi đã bán ra trong quý I.

Năm 2015, Masan đã ra mắt sản phẩm thức ăn chăn nuôi cho mang thương hiệu Bio-zeem nhằm cải thiện tỷ lệ chuyển đổi thức ăn (giúp nông dân cho heo xuất chuồng sớm hơn 12 ngày). Dòng sản phẩm này hiện đang chiếm tỷ trọng lớn nhất trong tổng doanh thu Masan Nutri-Science với 39%, tăng 4% so với mức tỷ trọng 35% tổng doanh thu của năm trước. Nhóm sản phẩm thức ăn gia cầm đem về 1.347 tỷ đồng, tương đương 25% tổng doanh thu cảu Masan Nutri-Science.

Từ đầu năm 2017, giá thịt heo của người nông dân trên cả nước đã xuống đến mức thấp kỷ lục, đã có thời điểm, giá thịt heo tại một số tỉnh có quy mô chăn nuôi lớn tại phía Bắc đã xuống dưới 20.000 đồng. Trong bối cảnh người nông dân thua lỗ không còn đủ vốn cho sản xuất, điều này cũng đã ảnh hưởng đến các doanh nghiệp sản xuất thức ăn chăn nuôi khi nhu cầu từ thị trường sụt giảm mạnh.

Tình cảnh cũng không khả quan hơn đối với nhiều doanh nghiệp trong lĩnh vực chăn nuôi như CTCP Tập đoàn Dabaco Việt Nam (Dabaco), hay Tổng công ty Chăn nuôi Việt Nam (Vilico), khi những đơn vị này đang phải đối mặt với một năm kinh doanh được đánh giá là khó khăn nhất từ trước đến nay. Với quy mô bán ra mỗi năm lên tới vài chục đến cả trăm nghìn con, bao gồm cả thương phẩm và giống, giá bán sản phẩm giảm rất mạnh so với mức bình quân năm 2016 đang trở thành nỗi lo chung của ban lãnh đạo những công ty này.

Năm 2017 lãnh đạo Dabaco đặt mục tiêu lợi nhuận giảm gần 30% còn 370 tỷ đồng, dù năm 2016 doanh nghiệp này đã vượt kế hoạch 55%. Trong khi HĐQT Vilico trong ĐHĐCĐ thường niên mới đây đã nhận định, hoạt động sản xuất chăn nuôi của đơn vị này sẽ phải đối mặt với khó khăn nghiêm trọng.

Tuy vậy, ở chiều ngược lại, những doanh nghiệp chế biến thực phẩm đang hưởng lợi từ giá nguyên liệu đầu vào giảm mạnh. Theo ban lãnh đạo của Vissan, lợi nhuận của đơn vị này tăng 16% trong quý đầu tiên của năm 2017, chủ yếu do giá heo hơi đầu vào bình quân giảm 27% so với cùng kỳ, giúp biên lợi nhuận gộp tăng từ 24% lên 27%.

Tuyết Lan

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên