MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Du học sinh Trung Quốc ngã ngửa khi gửi 300 đơn xin việc, chỉ nhận được 4 lịch hẹn phỏng vấn dù học trường kinh doanh top đầu châu Âu

27-12-2023 - 11:15 AM | Tài chính quốc tế

Nữ du học sinh 26 tuổi hiện đang phải vật lộn tìm việc.

Du học sinh Trung Quốc ngã ngửa khi gửi 300 đơn xin việc, chỉ nhận được 4 lịch hẹn phỏng vấn dù học trường kinh doanh top đầu châu Âu - Ảnh 1.

Kể từ tháng 8, Emma Li đã gửi 300 đơn xin việc tới các công ty ở Trung Quốc. Tuy nhiên, cô gái này chỉ nhận được 4 lịch hẹn phỏng vấn.

Cô gái 26 tuổi, sẽ tốt nghiệp một trong những trường kinh doanh hàng đầu ở châu Âu vào năm tới, đã phải vật lộn để tìm được công việc đáp ứng mong đợi của mình trong giai đoạn tuyển dụng “mùa thu vàng” trên thị trường lao động Trung Quốc, kéo dài từ tháng 9 đến cuối năm.

Đôi khi, Li bị bỏ lỡ các cuộc gọi từ nhà tuyển dụng ở quê nhà do chênh lệch múi giờ khi ở Paris.

Ngoài ra còn có nhược điểm khác, hầu hết các công ty mà cô đăng ký không còn chấp nhận phỏng vấn trực tuyến nữa, vì sau khi các hạn chế về đại dịch kết thúc, các công ty hiện thích đánh giá ứng viên trực tiếp hơn.

Li nói: “Bằng đại học đã mất giá rất nhiều ở Trung Quốc. Và các công ty đặt ra ngưỡng cao để sinh viên mới tốt nghiệp có thể làm những công việc khá đơn giản”.

Li cũng phải cạnh tranh với lượng sinh viên tốt nghiệp trong nước kỷ lục, con số này dự kiến sẽ đạt 11,79 triệu vào năm tới - tăng 210.000 so với năm 2023 theo thống kê của Bộ Giáo dục. Những người này sẽ phải cạnh tranh để có được việc làm có thu nhập cao trong bối cảnh kinh tế phục hồi chậm chạp.

Tỷ lệ thất nghiệp của những người từ 16 đến 24 tuổi vẫn ở mức cao, đạt 21,3% vào tháng 6 trước khi Bắc Kinh ngừng công bố số liệu này

Peng Peng, chủ tịch điều hành của tổ chức nghiên cứu Cải cách Xã hội Quảng Đông cho biết: “Khó khăn về việc làm đối với sinh viên tốt nghiệp trong nước ở Trung Quốc chắc chắn sẽ lan sang sinh viên nước ngoài”.

Li chưa cân nhắc việc trở lại Trung Quốc làm việc cho đến năm cuối cùng của chương trình học kéo dài 3 năm, khi một người trong gia đình mắc bệnh khiến cô phải tìm kiếm cơ hội việc làm gần nhà hơn.

Tuy nhiên, ngay cả những sinh viên đăng ký các chương trình một năm ở nước ngoài cũng nhanh chóng kết luận rằng triển vọng ở Trung Quốc sẽ tốt hơn và chọn quay trở lại khi việc học của họ kết thúc.

Trên thực tế, số năm học ngắn thường không giúp sinh viên quốc tế có đủ thời gian để xây dựng mối quan hệ tại nơi học và tích lũy kinh nghiệm làm việc, vì việc thắt chặt chính sách nhập cư ở các quốc gia như Mỹ và Anh – những điểm đến du học hàng đầu – đã phủ bóng đen lên con đường sự nghiệp của sinh viên Trung Quốc ở đó.

Eva Tsai, đang học truyền thông tiếp thị ở Mỹ, quyết tâm tận dụng mối quan hệ của gia đình cô ở Trung Quốc để có một sự nghiệp hứa hẹn hơn thay vì cạnh tranh xin việc ở Mỹ khi tình trạng sa thải diễn ra khó lường.

Quan trọng hơn, chương trình sau đại học kéo dài một năm mà Tsai đăng ký cũng không cung cấp đào tạo thực hành tùy chọn, giấy phép lao động cho phép sinh viên quốc tế có thị thực F-1 tìm được việc làm tạm thời ở Mỹ.

Cô nói, điều này khiến Tsai gần như không thể tìm được việc làm sau khi tốt nghiệp.

Các gã khổng lồ công nghệ và các công ty đa quốc gia là lựa chọn hàng đầu của sinh viên tốt nghiệp ở nước ngoài trong nhiều năm, nhưng sự không chắc chắn trong khu vực tư nhân khi nền kinh tế chậm chạp trong quá trình phục hồi đã thay đổi thái độ của sinh viên tốt nghiệp.

Nhiều người mới có bằng thạc sĩ ở nước ngoài đang để mắt tới những công việc ổn định trong các công ty nhà nước và tổ chức chính phủ.

Một cuộc khảo sát được thực hiện bởi Zhaopin, một nền tảng tuyển dụng lớn của Trung Quốc, cho thấy 38,8% sinh viên có bằng cấp ở nước ngoài hy vọng được làm việc trong các doanh nghiệp nhà nước vào năm 2022, tăng 9% so với năm 2021.

Tỷ lệ những người hy vọng được tuyển dụng trực tiếp vào các cơ quan chính phủ với tư cách là công chức là khoảng 21%.

Sự nhiệt tình của sinh viên tốt nghiệp ở nước ngoài đối với ngành công vụ phản ánh mong muốn quan trọng nhất là có được con đường sự nghiệp ổn định.

Theo khảo sát, 74,4% sinh viên tốt nghiệp tin rằng sẽ có một “cơn sốt thi tuyển công chức” trong số sinh viên theo học ở nước ngoài vào năm 2022, tăng từ 59% vào năm 2021.

Chính quyền địa phương cũng đã chú ý tới xu hướng này. Vào tháng 9, chương trình thực tập sinh công chức “tuyển chọn theo chỉ đạo” của chính quyền Thượng Hải đã được mở cho sinh viên tốt nghiệp từ 73 trường đại học được chỉ định ở nước ngoài.

Chính quyền Bắc Kinh đã nhanh chóng làm theo, mở rộng điều kiện tham gia chương trình cho cựu sinh viên của 100 tổ chức hàng đầu trong Bảng xếp hạng học thuật các trường đại học thế giới năm 2023 của ShanghaiRanking.

Li, sinh viên kinh doanh ở một trường tại châu Âu cho biết hầu hết bạn bè của cô khi trở về Trung Quốc đều làm việc tại các doanh nghiệp nhà nước và tổ chức chính phủ vì họ có sự hỗ trợ tài chính mạnh mẽ và có mối quan hệ địa phương thông qua gia đình.

Tuy nhiên, Li cho biết cô sẽ không bắt đầu sự nghiệp ở Trung Quốc nếu bố mẹ cô không bị bệnh.

Cô cho biết, cô sẽ tiếp tục nộp đơn xin việc vào mùa tới vì lời đề nghị mà cô nhận được chỉ đáp ứng được “kỳ vọng tối thiểu” của cô.

Cô nói thêm: “Nếu tôi không thể tìm được một vị trí nào đó tốt hơn vào mùa xuân tới, tôi không còn lựa chọn nào khác ngoài việc chấp nhận những gì có hiện tại”.

Theo: SCMP

Theo Phương Linh

Nhịp sống thị trường

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên